|
Vô số clip nhảm vi phạm an toàn hàng không trên TikTok trong thời gian gần đây như ngồi trên băng chuyền hành lý ở sân bay, vô tư tạo dáng khi máy bay phía sau đang chuẩn bị cất cánh, đặt điện thoại lên cửa máy bay để quay hình |
Những “nhà sáng tạo” bất chấp
Do công việc kinh doanh bận rộn, chị L.K. (33 tuổi, Q.Bình Thạnh, TPHCM) thường giao cho hai con gái mỗi bé một chiếc điện thoại để các con tự chơi, không quấy rầy mẹ. Con gái lớn học lớp Bốn, được chị K. tạo tài khoản TikTok để tiện giải trí nhưng chỉ sau một thời gian ngắn người mẹ nhận ra mình đã sai lầm.
Đứa bé lệ thuộc điện thoại đến mức nếu không cho dùng, bé lập tức văng tục, đạp, đánh cả mẹ. Nhiều lúc, trong bữa ăn, chị K. ngỡ ngàng khi con mình “đu trend”, buông nhiều câu nói tục tĩu và thường tìm đồ của mẹ mặc, trang điểm lòe loẹt tập nhảy, biểu cảm theo các nhân vật trong video đang hot trên TikTok. Không chỉ trẻ con, nhiều người lớn cũng nghiện TikTok và nhiễm những trò lố từ những clip trên nền tảng này.
Theo một thống kê của TikTok, thế hệ sinh từ năm 1997 trở về sau (gọi là gen Z) chỉ có khoảng tám giây để “dừng chân” xem một nội dung nào đó trên mạng này. Nếu trong vài giây ngắn ngủi đó, đoạn clip không có gì để gây chú ý, người xem sẽ lập tức rời đi. Do đó, để đoạn clip nhận được số lượt xem lớn, những chủ kênh (chủ tài khoản) TikTok thường thực hiện các video mang nội dung cực sốc hoặc cực thú vị, độc lạ.
Từ khi xuất hiện (năm 2016) cho đến nay, TikTok biến không ít người vô danh trở thành những người nổi tiếng, thu về nhiều quảng cáo, được nhiều người hâm mộ, có tầm ảnh hưởng trong xã hội, thậm chí thuận lợi bước vào làng giải trí. Điều này khiến nhiều người làm TikTok (tiktoker) bất chấp pháp luật, tiêu chuẩn đạo đức, thuần phong mỹ tục để “sáng tạo” nội dung, nhằm gây sự chú ý.
Theo báo cáo tiêu chuẩn cộng đồng của TikTok, vào cuối năm 2021, mạng xã hội này đã xóa hàng triệu video vi phạm liên quan đến bạo lực, khiêu dâm, tự gây hại... Tuy nhiên, vẫn còn không ít trào lưu độc hại đang diễn ra mà nền tảng không kiểm soát hết được. |
Vào tháng Bảy vừa qua, dư luận bức xúc khi nữ tiktoker Lê Bống khơi mào trào lưu bật sẵn chế độ quay phim và đặt điện thoại ở phía cửa sổ máy bay. Người này sau đó kéo miếng che và để mặc điện thoại tự quay cảnh máy bay cất cánh cùng một phần hành trình bay. Lãnh đạo Cục Hàng không đã yêu cầu xác minh, đồng thời đưa ra những cảnh báo về hậu quả khó lường mà hành vi thiếu ý thức này có thể gây ra. Tiktoker Lê Bống - người có 9 triệu lượt theo dõi trên TikTok - đã đưa ra lời xin lỗi, thừa nhận thiếu hiểu biết khi thực hiện hành vi trên.
Đây không phải là vụ việc ồn ào, đáng chỉ trích duy nhất liên quan đến tiktoker và lĩnh vực hàng không. Trong vòng hai tháng qua, liên tiếp có những tiktoker “mượn” trang thiết bị của ngành hàng không để “sáng tạo” clip nhằm câu view. Có thể kể, nữ hành khách tên H.T.T.K. đi chuyến bay QH1044 từ H.Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) về TPHCM đã đăng tải đoạn clip ngồi xổm trên băng chuyền hành lý và được di chuyển qua ánh nhìn ngơ ngác của nhiều hành khách khác.
Cục Hàng không Việt Nam đã xem xét việc cấm bay đối với hành khách T.K. do hành vi thiếu văn hóa này. Thế nhưng, không lâu sau đó, một nữ tiktoker khác lại tiếp tục ngồi trên băng chuyền hàng để quay video và một nữ tiktoker khác nhún nhảy trong khu vực máy bay cất cánh.
Những nội dung vô bổ, độc hại kiểu như trên có sức lan tỏa rất mạnh, mang hiệu ứng dây chuyền trên TikTok. Chính tiktoker Lê Bống thừa nhận, do thấy một số tài khoản TikTok nước ngoài “săn mây” bằng cách kẹp điện thoại trong tấm che cửa sổ máy bay nên mới bắt chước.
Hệ lụy từ nội dung độc hại
Khi thấy người bạn của mình lập kênh TikTok giới thiệu những địa điểm độc đáo, lý thú ở TPHCM và thu hút đông lượt xem, P.T.Đ. (27 tuổi) liền lập kênh TikTok khai thác chuyện kỳ bí. Sau ba video có lượt xem không cao, Đ. chọn nội dung gây sốc hơn, có nội dung là những lời đồn thổi về hành vi “rửa tiền” của giới chính trị gia.
Sau nửa ngày đăng, clip đạt nửa triệu lượt xem và tiếp tục đà tăng nhưng cũng bị TikTok xóa, đồng thời khóa luôn kênh do vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng. Chưa phục với kết quả, P.T.Đ. lập một kênh mới trên TikTok, tiếp tục đăng lại clip vừa bị xóa sau khi đã cắt sửa đôi chỗ. Chỉ hơn một ngày, clip này tiếp tục “bốc hơi”.
Thời gian gần đây, TikTok đã đưa ra nhiều quy định nhằm quản lý chặt hơn nữa nội dung được phép tiếp cận công chúng. Tuy nhiên, với số lượng clip khổng lồ được đăng mỗi ngày, đội ngũ của TikTok không đủ sức để ngăn chặn các nội dung “bẩn” ngay từ đầu, chỉ có thể xử lý trong khoảng thời gian nhất định theo hình thức hậu kiểm. Do đó, dù chứa nội dung “bẩn”, nhiều clip vẫn tồn tại, được lan truyền, chia sẻ, sao chép.
Điều mà TikTok đang đối mặt cũng từng khiến YouTube và các cơ quan quản lý đau đầu. Chẳng hạn, khi Khá “bảnh” đăng video đập phá và đốt xe lên YouTube, bị Công an tỉnh Bắc Ninh mời làm việc, anh ta đã xóa video, lên tiếng xin lỗi nhưng video này đã được nhiều người khác tải về và đăng lên lại, tiếp tục gây ồn ào trên mạng xã hội.
|
Nhiều trẻ em nghiện TikTok ảnh hưởng đến học tập, thậm chí còn bắt chước làm theo những clip độc hại (ảnh mang tính minh họa) - Ảnh: Phùng Huy |
Hiện tại, khi có người đăng tải nội dung “bẩn” lên TikTok, đơn vị này sẽ xóa clip, khóa kênh. Nếu nội dung clip cho thấy “nhà sáng tạo nội dung” vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định của các ngành liên quan thì sẽ bị các cơ quan chức năng xử phạt. Về phía người dùng, phải tự tạo ra “đề kháng” với những nội dung tiêu cực, độc hại.
Nhưng đây là vấn đề không dễ, đặc biệt, ngày càng nhiều trẻ em hào hứng với TikTok, tiếp thu đủ thứ thông tin “thượng vàng hạ cám” trên nền tảng mạng xã hội này. Trong khi đó, không ít phụ huynh giao đứt điện thoại cho trẻ, để mặc chúng tự do chơi game hoặc “lướt” mạng.
Cách đây một năm, một số bác sĩ ở Mỹ, Úc, Anh, Canada ghi nhận hiện tượng trẻ em bị rối loạn Tic (trẻ lặp lại các cử động không bình thường, mất kiểm soát). Các bác sĩ cho rằng, có sự liên quan nhất định giữa chứng rối loạn Tic với việc sử dụng TikTok bởi các bệnh nhân “nhí” gần như đều nghiện mạng này.
Nguy hiểm vì bất chấp đúng sai Với tốc độ lan tỏa chóng mặt của các thông tin không được kiểm chứng, một bộ phận những người dùng bị cuốn vào hấp lực của sự nổi tiếng ảo, giá trị ảo, mong muốn tạo ra những cú sốc mới trên mạng xã hội. Ở đây, nếu người dùng và người tạo ra những nội dung cho TikTok có phông văn hóa tốt, biết định vị giá trị bản thân và nhận định đâu là giá trị thật thì không bao giờ họ chạy theo những nội dung vô bổ. Những nhóm người chủ đích tạo ra nội dung gây sốc trên mạng xã hội, kiến thức về pháp luật, am hiểu quy tắc cộng đồng của những người này vô cùng kém. Họ không phân biệt được đâu là hành vi vi phạm, đâu là hành vi được phép thực hiện. Ngoài ra, tôi cho rằng bộ phận những người trẻ làm nội dung sốc thiếu kỹ năng ứng xử hoặc đang sống như được lập trình sẵn, hễ đánh kẻng là rung. Họ không lường được những rủi ro pháp lý cũng như các rủi ro có thể xảy đến cho bản thân. Nếu người trẻ bị cuốn vào vòng xoáy của lòng ham muốn nổi tiếng nhanh chóng, bất chấp đúng - sai, không đi từ giá trị thật thì nhất định, họ không thể đi đường dài. Chuyên gia tội phạm học, phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn |
Diễm Mi