Khi tiểu thương live stream bán hàng cùng người nổi tiếng

15/12/2023 - 06:04

PNO - Ngày 13/12, Vũ Thị Ngọc Chi - chủ cửa hàng (shop) áo dài truyền thống Lạc Hồng trong chợ Bến Thành (quận 1, TPHCM) - đã cùng tiktoker (người sáng tạo nội dung trên mạng xã hội TikTok) Thái Triệu Vy quay, phát trực tiếp (live stream) để bán hàng. Chỉ trong buổi sáng, shop bán được hơn 10 bộ áo dài và có thêm một số đơn hàng tết.

Có lợi nhưng không dễ làm

Ngày 15 - 16/12 tới, chị Ngọc Chi sẽ tiếp tục live stream cùng tiktoker Thái Triệu Vy. Chị cho biết, qua buổi live stream đầu, chị đã học hỏi được cách lên kịch bản chương trình, điều gì nên nói khi live stream, thời lượng phát sóng hợp lý… Dù vậy, chị vẫn cho rằng, muốn bán được nhiều sản phẩm thông qua hình thức live stream, chị vẫn phải thuê các tiktoker hỗ trợ. Nếu giá thuê không quá cao thì tiểu thương sẽ áp dụng cách kinh doanh mới này. Theo chị, việc chị tự live stream có thể không hiệu quả bởi chị không còn trẻ trung, năng động, xinh đẹp, không có lượng người theo dõi cao trên TikTok, không đủ khả năng nói hàng giờ như các tiktoker trẻ, nổi tiếng. 

Theo đại diện Ban quản lý chợ Bến Thành, trong 2 ngày 15 - 16/12, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, Sở Thông tin và Truyền thông, UBND quận 1 phối hợp tổ chức “Ngày hội mua sắm, giải trí trực tuyến TPHCM 2023 - Khám phá, trải nghiệm và mua sắm tại chợ di sản Bến Thành”. Ban tổ chức sẽ mời khoảng 100 tiktoker nổi tiếng đến quay phim, đánh giá các sản phẩm ở chợ. Dịp này, sẽ có 3 tiểu thương ngành hàng thời trang cùng các tiktoker live stream bán hàng. Hoạt động này giúp tiểu thương cảm nhận được phần nào ích lợi của hình thức buôn bán hiện đại.

Tiktoker Thái Triệu Vy đang hỗ trợ tiểu thương sạp Lạc Hồng live stream bán hàng
Tiktoker Thái Triệu Vy đang hỗ trợ tiểu thương sạp Lạc Hồng live stream bán hàng

Bà Mai Thị Tâm - chủ shop thời trang Minh Tâm, 1 trong 3 chủ shop đăng ký live stream cùng các tiktoker - cho biết, hiện nay, người vào chợ đông gần bằng trước khi có dịch COVID-19 nhưng chủ yếu là tham quan, còn sức mua chỉ bằng 50% so với trước dịch. Bà muốn live stream bán hàng xem sức mua cải thiện thế nào để có định hướng mới cho hoạt động buôn bán. 

Để thực hiện buổi live stream trên TikTok, tiểu thương phải đăng ký gian hàng (TikTok shop) với thủ tục đăng ký do nhân viên mạng TikTok hỗ trợ. Nhưng bà Mai Thị Tâm cũng cảm thấy bỡ ngỡ và bối rối bởi không rành công nghệ thông tin, mạng xã hội. Bà cho hay, để đăng 1 mẫu quần áo trên gian hàng, phải chụp 5 kiểu hình ảnh khác nhau, phải đánh số, có thông tin kích cỡ (size), giá cả, có kết nối với đơn vị giao hàng, chấp nhận thanh toán online… Do đó, phải có nhân sự trẻ, rành về công nghệ để đảm đương. Bà nói: “Do sức mua yếu nên các chủ sạp tự đứng ra bán để tiết kiệm chi phí. Tôi biết kinh doanh online là xu thế hiện nay nhưng để live stream bán hàng thì cần phải đầu tư thêm nhân sự trẻ”. 

Chị Phan Thị Lài - chủ shop áo dài Bông - cho hay, đã chuẩn bị khoảng 10 mẫu áo dài đẹp nhất để live stream bán hàng cùng các tiktoker. Chị Lài còn trẻ trung, năng động nên khá rành công nghệ thông tin, mạng xã hội nhưng đây là lần đầu, chị live stream nên còn khá bỡ ngỡ. Trong quá trình chuẩn bị cho buổi live stream, chị thấy mình nói chuyện trước màn hình điện thoại tự tin, dạn dĩ hơn. Chị nhận định, cách thức bán hàng này hay, cần nhân rộng nhưng trước đó cần có chương trình đào tạo, hỗ trợ đối với tiểu thương. 

Chủ một sạp bán sỉ quần áo nói, bà ngại đăng ký chương trình live stream với các tiktoker là do sản phẩm tham gia phải giảm giá bán 20%: “Việc giảm giá sẽ kích thích mua sắm nhưng nếu giảm không đồng bộ thì sẽ ảnh hưởng đến các đối tác, bởi các sản phẩm đều đã có mức giá sàn theo quy định. Khi xem TikTok, người tiêu dùng có thể so sánh này nọ, rất không hay”. 

Chính quyền có trách nhiệm quảng bá chợ

Tiến sĩ Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng - nhận định, kinh doanh online (trực tuyến) và offline (trực tiếp) đều có cái hay, cái dở riêng. Thời gian qua, có những hội chợ thu hút rất đông giới trẻ đến mua hàng trực tiếp, cho thấy hình thức bán hàng trực tiếp vẫn có sức hấp dẫn.

Theo ông, để tăng sức mua sắm ở chợ truyền thống, việc áp dụng các hình thức tiếp thị hiện đại (như live stream bán hàng) là chưa đủ. Điều quan trọng là phải làm cho chợ truyền thống phát huy được ưu thế của mình trong kinh doanh hiện đại. Khi công nghệ là điểm yếu thì tiểu thương nên tập trung phát huy các thế mạnh của mình, như có lượng khách hàng quen biết lâu năm, trực tiếp nắm bắt thị hiếu khách hàng, thân thiện, nhiệt tình, niềm nở… 

Phần lớn tiểu thương còn kinh doanh theo kiểu cha truyền con nối, quen bán các mặt hàng cố định, ít nắm bắt xu hướng thị trường, trong khi hàng hóa có chu kỳ thay đổi rất nhanh theo thị hiếu mà người bán hàng phải thích ứng. Trước đây, khách hàng có thể chấp nhận sạp chợ xập xệ miễn là ăn ngon miệng, nhưng nay họ đòi hỏi đồ ăn ngon nhưng chợ phải sạch sẽ, thông thoáng, tiểu thương niềm nở, chỗ để xe tiện lợi… 

Chính quyền địa phương cần phối hợp với tiểu thương xây dựng chợ văn minh trong kinh doanh. “Chính quyền địa phương phải chi tiền để quảng bá những điểm hay của chợ, phải nghĩ tới chuyện cùng tham gia với tiểu thương để làm cho kinh tế địa phương sung túc hơn” - tiến sĩ Đinh Thế Hiển nói. 

Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM - thông tin, sở đang phối hợp với Trường đại học Kinh tế Luật TPHCM khảo sát, nghiên cứu các giải pháp cho đề án giúp chợ truyền thống kinh doanh sôi động hơn. Ban soạn thảo đề án đưa ra 7 giải pháp, trong đó có việc hướng dẫn tiểu thương live stream bán hàng qua mạng xã hội, qua các sàn thương mại điện tử, sử dụng các phương thức thanh toán hiện đại để khách hàng có nhiều lựa chọn, trải nghiệm. Sở cũng sẽ phối hợp với các tỉnh, thành tổ chức các buổi kết nối giao thương để thương nhân chợ truyền thống tiếp xúc trực tiếp với các nhà cung ứng sản phẩm nhằm giảm bớt khâu trung gian, góp phần giảm giá bán. 

“Hiện đề án này đã bước sang giai đoạn 2. Tới đây, sở sẽ tổ chức các hội thảo để tiếp tục nhận sự góp ý của các chuyên gia. Dự kiến, sang quý II/2024, sở sẽ triển khai chính thức đề án” - ông Nguyễn Nguyên Phương nói. 

“Ngày hội mua sắm, giải trí trực tuyến TPHCM 2023 - Khám phá, trải nghiệm và mua sắm tại chợ di sản Bến Thành” (Ho Chi Minh City Shoppertainment 2023 - Ben Thanh Heritage Market) nhằm giới thiệu cách thức kinh doanh mới cho các tiểu thương chợ Bến Thành, đồng thời thúc đẩy kinh tế số phát triển, kết nối các doanh nghiệp, chủ thể kinh doanh với cộng đồng mạng, phát triển mô hình du lịch thông minh. 

TPHCM hiện chiếm khoảng 47,7% tổng doanh thu từ thương mại điện tử và bán hàng trực tuyến của cả nước, có số lượng lớn website và ứng dụng di động được đăng ký với Bộ Công Thương. Bán hàng trên mạng xã hội, đặc biệt là hình thức live stream bán hàng giúp các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thu được nhiều kết quả tích cực. Vừa qua, chương trình live stream bán sản phẩm OCOP (sản phẩm thuộc chương trình quốc gia “Mỗi xã 1 sản phẩm”) ở huyện Cần Giờ, TPHCM thu được kết quả rất khả quan.

Bích Trần

Thanh Hoa

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI