Khi tiếng Việt bị từ chối

09/03/2015 - 07:28

PNO - PN - Chị bạn đăng lên Facebook tấm ảnh chụp một thành phố du lịch (trong nước) và đố mọi người biết nơi đó là đâu. Nhìn bảng hiệu quảng cáo của các khách sạn, cửa hiệu trong ảnh, tôi cứ ngỡ chị đang ở nước ngoài.

edf40wrjww2tblPage:Content

Đọc nhiều bài báo về việc "xem thường" tiếng Việt bằng cách hay chêm những từ tiếng Anh vào khi nói hoặc viết, tôi thấy trong hầu hết trường hợp, người nói thuộc dạng chủ động, nghĩa là nói (hoặc viết) bằng thứ tiếng Việt bị lai căng, biến dạng chỉ vì họ thích, để được xem là người sành điệu (khi chat, email, nhắn tin, trò chuyện trực tiếp…), chứng tỏ ta đây giỏi ngoại ngữ hoặc từng sinh sống, làm việc ở nước ngoài hay thường giao tiếp với người nước ngoài...

Khi tieng Viet bi tu choi

Rất khó nhận ra đây là một 2 cửa hiệu trên đường Thái Văn Lung, quận 1, TP.HCM - Ảnh: Phan Trí chụp năm 2014.

Riêng tôi, dù vẫn ý thức rõ thế nào là tiếng Việt “thuần Việt” hay “tiếng Việt lai căng” và không chủ ý góp phần làm méo mó thêm tiếng Việt nhưng nhiều lúc lại bị đặt vào thế bị động, không thể chọn cho mình cách sử dụng tiếng Việt đúng đắn nhất.

Tôi có anh đồng nghiệp thường pha tiếng Anh khi nói chuyện hoặc gửi email, dù phần lớn đồng nghiệp là người Việt. Lại có anh đồng nghiệp nọ đặt ra quy định riêng là chỉ trả lời những email viết bằng tiếng Anh.

Điều này khiến nhiều người (trong đó có tôi) bị… sượng, mất tự nhiên khi giao tiếp với anh dù khả năng nói tiếng Anh (với người ngoại quốc) của tôi không tệ.

Không hiểu sao tôi đặc biệt dị ứng với kiểu sử dụng ngôn ngữ theo kiểu "nửa nạc nửa mỡ" như thế.

Buồn cười là, rất nhiều người nói chuyện bằng tiếng Anh lưu loát hay khả năng chỉ vừa đủ chêm tiếng Anh theo kiểu "tiếng bồi", lại thường viết sai lỗi chính tả... tiếng Việt.

Tôi không quá câu nệ chuyện người ta sử dụng ngoại ngữ như thế nào, nhưng cứ thấy khó chịu với những người quá đề cao ngoại ngữ khi mà tiếng mẹ đẻ họ vẫn chưa nắm vững, cả ngữ pháp lẫn chính tả!

Thiết nghĩ trong chương trình giáo dục, phần dạy và học tiếng Việt ở các bậc phổ thông phải đảm bảo cho các em học sinh nắm vững cú pháp tiếng Việt để khi trưởng thành, các em có khả năng phân biệt được đâu là tiếng Việt thuần Việt, đâu là tiếng Việt “mất gốc”, để có cách sử dụng thích hợp trong từng hoàn cảnh cũng như không quá thạo ngoại ngữ mà lại "lọng cọng" với tiếng mẹ đẻ của mình!

Người Việt được cho là hiếu học, có khả năng học nhiều ngoại ngữ. Bằng chứng là ở các công ty nước ngoài như Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan... đều có những nhân viên Việt Nam nói rất giỏi ngôn ngữ của chủ sử dụng lao động.

Trong khi, rất ít chủ đầu tư sang Việt Nam kinh doanh lại chịu khó học tiếng Việt. Tại sao vậy? Phải chăng vì họ tôn trọng tiếng mẹ đẻ của họ hơn nên chỉ dùng ngôn ngữ của mình? Trên nhiều cửa hiệu trong thành phố, các bảng hiệu cũng dùng ngôn ngữ nước ngoài trong khi chủ tiệm là người Việt và khách hàng của họ cũng không hoàn toàn là khách nước ngoài.

Cũng biết giỏi ngoại ngữ là tốt, hay "ngoại ngữ hoá" là điều đôi khi cần làm trong quá trình hội nhập và phát triển, nhưng cách sử dụng ngoại ngữ theo kiểu "nửa vời" khiến tiếng Việt đôi khi bị "biến dạng".

Không cần phải cực đoan khi cho rằng tất tần tật mọi thứ đều phải "về tắm ao ta". Nhưng trong nhiều trường hợp, thiết nghĩ nên gìn giữ và tự hào khi sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình như một thứ tài sản quý giá. Bởi đến tiếng nói của mình mà còn không quý trọng, gìn giữ thì sao có thể tin được khi bảo rằng bạn yêu Tổ quốc hay những điều lớn lao hơn!

LÊ THỊ NGỌC VI (TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI