Vợ tôi là con một, sinh ra ở Sài Gòn, sống trong cảnh ấm êm, bố mẹ cưng chiều. Tôi là dân Phú Yên, vào Sài Gòn học đại học và gặp cô ấy. Bố mẹ tôi làm nhà giáo, cuộc sống vừa đủ, an nhàn. Gần 30 tuổi, tôi đã là trưởng phòng của một công ty chuyên về lập trình, tôi định tích cóp thêm sẽ mua đất xây nhà, chăm lo cho vợ con đủ đầy, để bố mẹ vợ yên tâm.
Ngày ba mẹ tôi khăn gói vào Sài Gòn dạm ngõ, bố mẹ vợ tương lai bỗng ngỏ ý muốn tôi ở rể. Tôi hơi bất ngờ, bởi trước đó chưa từng nghe ông bà nói về việc này, hơn nữa miếng đất tôi nhắm mua ở Thủ Đức chỉ hai ba ngày nữa là đem tiền đến đặt cọc. Bố mẹ vợ dùng tình cảm thuyết phục, nói rằng họ đã già, chỉ có một mụn con gái, giờ nó theo chồng thì nhà rất cô quạnh. Hơn nữa, nhà bố mẹ vợ rộng rãi, nhiều phòng, các con có tự do riêng, cứ coi đây là tổ ấm của mình. Tiền dự tính đầu tư mua đất hãy tiết kiệm cho con cái mai này, giờ cứ ở với bố mẹ, vừa gần trung tâm thành phố, lại tiện đi lại làm ăn.
Bố mẹ tôi tuy không mấy vui nhưng cũng không có ý kiến. Vì hạnh phúc của con trai, họ để tôi tự quyết định. Tôi suy nghĩ thấy cũng xuôi lòng, bố mẹ vợ chỉ có một cô con gái, ra ở riêng thì ông bà vò võ cũng buồn. Vậy là tôi đồng ý.
|
Tôi không thể san sẻ cùng ai, kể cả với vợ mình - Ảnh minh họa |
Những ngày tháng đầu, tôi sống rất vui vẻ, hòa nhã với gia đình vợ. Sáng dậy, tôi cùng bố vợ tập thể dục, thấy ông chăm cây cảnh thì xắn tay áo làm phụ. Thấy mẹ vợ bận rộn lo cơm nước, tôi cũng góp một tay giúp bà. Cuộc sống chỉ cần để ý một chút, đặt tâm vào đó một chút là ổn ngay ấy mà, tôi từng nghĩ thầm như vậy.
Nhưng lâu ngày, bắt đầu phát sinh những vấn đề khó xử. Sáng nào vợ tôi cũng ngủ tới giờ đi làm, tối mịt mới về, quần áo giày dép buông thả khắp nơi. Ông bà không la vợ tôi mà đá thúng đụng nia: "Đứa bận bịu thì cũng phải có đứa siêng năng mà dọn chứ, để hai thân già này phục vụ hoài sao?". Vợ tôi cười hì hì, tôi thấy nhột nên phải dọn, lâu dần, việc dọn dẹp những thứ bừa bộn trở thành trách nhiệm của tôi.
Vợ tôi mua sắm quần áo không tiếc tiền, tủ áo chẳng mấy chốc phình ra, phải xếp để khắp các ghế, kệ trong phòng. Tôi nhắc nhở thì vợ giận dỗi, tranh cãi một hồi, cô ấy bỏ vào phòng mẹ, bà hoảng hốt hỏi thế là vợ tôi bù lu bù loa khóc lóc. Mẹ vợ trân trối nhìn tôi "chỉ là mua quần áo thôi sao con lại la nó!". Tôi đành nói chuyện phải trái, xin lỗi vợ, xin lỗi cả mẹ, rồi dỗ mãi vợ mới chịu lên phòng.
|
Nhiều người đàm tiếu tôi sống cảnh "chui gầm chạn" - Ảnh minh họa |
Đấy chỉ là những chuyện sinh hoạt đụng chạm thường ngày, điều làm tôi buồn nhất, suy nghĩ nhiều nhất chính là ba mẹ tôi. Thỉnh thoảng từ Phú Yên vào thăm con, hoặc đi khám bệnh, ở lại nhà tôi vài ngày, ông bà rất ngại. Lần đầu ông bà còn ở được 3-5 ngày, về sau, cứ hôm trước vào khám bệnh là hôm sau nhất quyết mua vé đòi về, tôi năn nỉ thế nào cũng không ở lại thêm. Hỏi lý do, mẹ tôi không giấu nổi tiếng thở dài "Phải chi là nhà của con thì mẹ ở lâu, nhà ông bà thông gia, cha mẹ ở kỳ lắm. Mà con cứ ở vậy mãi sao?".
Đôi khi tôi thấy mình nhu nhược, lẽ ra nên cứng rắn, quyết liệt hơn, nhưng nếu ở trong hoàn cảnh như tôi mới biết, một khi đã chọn về ở rồi thì thật khó rút ra. Gia đình hòa thuận vui vẻ, lý do gì xin dọn ra riêng, nên tôi lại chần chừ.
Rồi vợ tôi mang bầu, sinh con. Thoắt cái con bé cũng bi bô tập nói. Một lần, con gái nói hỗn, tôi quát: “Ai dạy con nói câu đấy, con có muốn bị ba đánh đòn không?”.
Chỉ là câu nói bình thường, nhưng cả nhà họp lại, mẹ vợ vừa khóc vừa nói: “Cháu nó toàn ở nhà với bà ngoại, cậu nói thế khác nào bảo tôi dạy con cậu hư? Cậu nói thế mà nghe được hả? Hay là cậu mượn trẻ nít để dằn mặt chúng tôi?".
Tôi giải thích đủ đường, xin lỗi bố mẹ hết lời. Đêm ấy, vợ cũng bỏ sang phòng mẹ ngủ. Suốt đêm tôi không thể chợp mắt, lần đầu tiên thấy nỗi cay đắng trào dâng bóp nghẹt đầu óc mình.
|
Ở nhà, anh là đàn ông, nhưng vợ anh tự quyết - Ảnh minh họa |
Tôi nhớ lại lời của một em nhân viên khi nhậu xỉn: “Em mà làm trưởng phòng như anh, chả việc gì em phải sống nhờ nhà vợ. Lương anh thừa sức mua nhà, ở nhà bố mẹ vợ sẽ mất hẳn tiếng nói, muốn chia sẻ với vợ con cũng khó. Anh thấy em nói phải không?”.
Tôi không trả lời, nhưng lòng ngậm ngùi. Cả công ty ai cũng nói tôi sống bám nhà vợ, rằng nhà vợ giàu, quyền thế nên tôi mới ở rể... Tâm sự với vợ, cô ấy nói một câu làm tôi cứng người: “Anh sướng thế này còn muốn thế nào nữa? Nhà thì chẳng phải mua, con thì chẳng phải chăm, đi về có vài ba việc nhà mà than lên than xuống. Bố mẹ và em phải sống thế nào anh mới vừa lòng?”.
Bây giờ tôi thực sự chán nản, không muốn cố gắng. Tôi không biết sống sao cho vừa lòng nhà vợ? Cũng không biết làm sao cho vẹn đôi đường. Ra ở riêng thì tôi sợ vợ và gia đình vợ buồn, mà ở đây thì tiếng nói của tôi bị vùi trong gầm chạn.
Q. Hùng (TP. HCM)
Có đến 42% nam giới cho biết áp lực lớn nhất của họ là làm người trụ cột trong gia đình. "Lo cho gia đình", "sợ mất việc", "áp lực bị so sánh"... tựu chung đều là nỗi lo mang tên "TRỤ CỘT". Dĩ nhiên, để là trụ cột cần phải đáp ứng được nhiều tiêu chí, từ khỏe mạnh đến có một công việc tốt, thu nhập cao, phẩm chất, bản lĩnh của người đàn ông thực sự...
Áp lực, trách nhiệm khiến những người đàn ông oằn vai. Trong khi đó, cảm xúc vốn được xem như đặc quyền của phái yếu, còn phái mạnh phải luôn mạnh mẽ. Cách nghĩ này khiến cánh mày râu phải chối bỏ những cảm xúc “bẩm sinh” của con người, không được yếu mềm, không dám tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp khó khăn. Áp lực chồng chất đẩy người trụ cột vào trầm cảm và nhiều hệ lụy tâm sinh lý khó lường.
Báo Phụ nữ TP.HCM mở diễn đàn "Áp lực đàn ông, phụ nữ biết không?" để là nơi giãi bày, chia sẻ những mệt mỏi, muộn phiền cũng là nơi phân tích sâu hơn những góc khuất bên trong các quý ông, để chị em phụ nữ hiểu hơn, cảm thông, sẻ chia hơn với người đàn ông mang gánh lo toan đang ở cạnh mình.
Bài vở tham gia diễn đàn, bạn đọc gửi về email: tinhyeuhonnhan@baophunu.org.vn
|