Khi tiếng mẹ đẻ bị tấn công

15/03/2022 - 06:11

PNO - Bây giờ lên mạng, đa phần người ở tuổi trung niên không thể hiểu được hết các thông điệp của giới trẻ do một thứ tiếng Việt lai tạp, biến dạng đang tồn tại trên môi trường truyền thông này. Nhưng không chỉ trên mạng, thứ tiếng Việt này đã lan ra cả đời thật, đi vào văn chương, âm nhạc, nghệ thuật.

 

Bối cảnh giao tiếp số trên thế giới dẫn đến nhiều hình thức ký hiệu để gõ nhanh, bấm nhanh. Tiếng Việt dạng chữ viết bị các kiểu viết tắt và các bộ code - teen code… của thời toàn cầu hóa làm méo mó. Nhưng thực ra, không phải do nhu cầu giao tiếp nhanh mà những ký hiệu mới ra đời trên không gian mạng. Giờ đây, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những cách viết tiếng Việt chen tiếng Anh như thế này: Thứ high, thứ bar (thứ hai, thứ ba); xỉu up, xỉu down (xỉu lên, xỉu xuống); pee kịch (bi kịch); see tình (si tình); shy rồi (sai rồi), làm ther (làm thơ)… Đây là kiểu viết “bựa”, cũng giống kiểu viết cố tình sai chính tả tiếng Việt, nó như một thái độ “phá phách”, “thể hiện” của người trẻ. Nhưng thái độ ấy lắm khi quá đà, lệch chuẩn mực. 

Có một thực tế đáng lo, đáng buồn là nhiều kiểu viết và nói tiếng Việt lệch chuẩn, lai tạp như thế lại đi vào nhà trường, thậm chí còn xuất hiện trong đề thi. Trên báo chí chính thống và trong một số hoạt động hành chính, vẫn xuất hiện tình trạng lạm dụng tiếng Anh, tiếng nước ngoài ngày càng nặng nề hơn. 

Người ta thích dùng “start-up” trong khi tiếng Việt đã có từ “khởi nghiệp”, thích dùng “kit test” trong khi tiếng Việt đã có “bộ xét nghiệm”, thích dùng “smartphone” trong khi tiếng Việt đã có “điện thoại thông minh”, thích dùng “diva” trong khi tiếng Việt đã có “nữ danh ca”… Hàng trăm, hàng ngàn từ như thế đang xen vào tiếng Việt như scandal, check, show, hot boy, hot girl, thank you, sorry, OK, perfect, order, combo, free, sale… Có nhiều tít bài báo, tác giả không ngần ngại dùng tiếng Anh chen vào theo kiểu khẩu ngữ. Nhiều từ Hán Việt bị dùng sai, mà sai quá nhiều trên các cơ quan báo chí lớn, sai từ các cá nhân uy tín… riết thành ra đúng. 

Tiếng Việt đang bị biến dạng do những sáng tạo hoặc chuyển nghĩa từ mới, thuật ngữ mới không chính xác, thiếu trong sáng của các cơ quan chức năng. Vài năm trước, chúng ta đã chặn kịp thời từ “thu giá”, không cho nó đi vào giao tiếp xã hội. Nhưng đó chỉ là một trường hợp hiếm hoi. 

Tiếng Việt đang bị tấn công do tình trạng thiếu ý thức của chính những người có trách nhiệm, trong đó có giới báo chí, văn nghệ sĩ. Hàng loạt kiểu lỗi về chính tả, từ vựng, ngữ pháp, phong cách ngôn ngữ mà chỉ cần mở mạng là thấy. Thật chạnh lòng khi chứng kiến thứ tiếng Việt lai căng, dị hợm đi vào ca từ nhạc rap hoặc đi vào lời bàn luận của những khách mời, giám khảo ở các trò chơi, các tọa đàm trên sóng truyền hình. Thật đau lòng khi hằng ngày phải đọc những kiểu viết sai cấu trúc tiếng Việt, những hình thức “tìm tòi” cẩu thả trên báo in, báo điện tử.

Có một nghịch lý là, trong khi bị chính người Việt xâm hại trong đời sống truyền thông thì vị thế tiếng Việt trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Theo phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Thiện Nam - Trưởng khoa Việt Nam học và tiếng Việt, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội - thì “vị trí và vai trò của tiếng Việt ngày càng được đánh giá cao hơn và là một cầu nối quan trọng có tính quyết định trong giao lưu giữa Việt Nam với thế giới”. Tiếng Việt được đưa vào giảng dạy ở những trường đại học nổi tiếng nhất của thế giới và khu vực, được công nhận là môn thi đại học ở Hàn Quốc, được coi là một chuyên ngữ trong một số trường phổ thông chuyên ngữ ở Nhật Bản, được coi là ngoại ngữ tự chọn trong trường phổ thông từ lớp Một đến lớp 12 ở Đài Loan… 

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, cha ông ta đã bảo vệ và phát triển tiếng Việt như một gia tài lớn. Tiếng Việt đã trở thành hồn cốt của dân tộc. Tiếng Việt là sức sống, là tâm hồn, lối sống, tư duy người Việt. Nhưng hiện nay, nhân danh sự tiện lợi, nhân danh tốc độ của thời tự động hóa, nhân danh hội nhập, người ta đang làm lai tạp, biến dạng tiếng Việt. 

Đứng trước thách thức trên, chúng ta phải làm gì? Câu hỏi này không chỉ dành cho các nhà hoạch định chính sách về ngôn ngữ hay những người làm công tác giáo dục, làm báo, làm văn chương, nghệ thuật mà dành cho từng người Việt hôm nay. 

Phan Văn Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI