Khi tiền boa trở thành nỗi sợ hãi của người tiêu dùng

30/08/2023 - 06:04

PNO - Việc khách hàng gửi lại khoản tiền boa (tiền tip) như phần thưởng cho chất lượng phục vụ là điều thường thấy trong nhóm ngành dịch vụ. Tuy nhiên, văn hóa tiền boa dường như đang mở rộng quá mức sau đại dịch, khiến khách hàng khó xử và thậm chí tức giận.

Khách hàng phản ứng

Một cửa hàng bánh mì nổi tiếng ở Seoul, Hàn Quốc gần đây đã trở thành tâm điểm tranh cãi sau khi một bài đăng về cửa hàng này lan truyền trên mạng xã hội. Trong bức ảnh đính kèm bài đăng, bên cạnh máy tính tiền là lọ đựng tiền boa. Điều này khiến nhiều người phẫn nộ vì cảm thấy các chủ cửa hàng đang chuyển gánh nặng chi phí sang cho người tiêu dùng. Nhất là ở những nơi mà khách hàng tự chọn sản phẩm và mang đến quầy thu ngân để thanh toán. Một khách hàng 30 tuổi tên Jung - người đã xếp hàng chờ đợi ở tiệm bánh trên trong hơn 1 giờ - nói: “Tôi không hiểu tại sao họ lại yêu cầu chúng tôi tiền boa trong khi chúng tôi chưa nhận được bất kỳ dịch vụ nào xứng đáng”.

Khi lạm phát tăng cao, tiền boa trở nên một gánh nặng đối với người tiêu dùng - Nguồn  ảnh: CNBC
Khi lạm phát tăng cao, tiền boa trở nên một gánh nặng đối với người tiêu dùng - Nguồn ảnh: CNBC

Lâu nay, văn hóa tiền boa không phổ biến ở Hàn Quốc. Tuy nhiên trong vài năm qua, một số doanh nghiệp bắt đầu yêu cầu tiền boa từ khách hàng. Trên mạng, nhiều người cũng chia sẻ các trải nghiệm tương tự. Một người dùng cho biết, nhân viên tại một quán cà phê ở quận Mapo, Seoul đã đưa cho cô chiếc máy tính bảng có tùy chọn tiền boa lên tới 10% hóa đơn.

Văn hóa tiền boa thậm chí còn xuất hiện bên ngoài các quán cà phê và nhà hàng.

Ứng dụng Kakao T - chiếm hơn 90% thị trường gọi xe tại Hàn Quốc - vừa giới thiệu chức năng thưởng thêm cho tài xế vào tháng Bảy. Hành khách có thể lựa chọn thưởng cho tài xế số tiền 2.000 won (1,50 USD) khi kết thúc chuyến đi. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, 71,7% số người được hỏi phản đối chức năng tiền boa của nền tảng gọi xe.

Lee - một nhân viên văn phòng 36 tuổi, sống ở Seoul - cho biết: “Giá cước gọi xe đã đủ đắt và tôi có cảm giác như việc xin tiền boa là cách để công ty âm thầm tăng giá”.

Một người dùng mạng xã hội tên Kim cho biết: “Ở Hàn Quốc, mức giá cuối cùng đã bao gồm phí dịch vụ và nhân viên phục vụ được trả ít nhất ở mức lương tối thiểu. Tôi ghét văn hóa tiền boa ở các quốc gia khác, nơi nhân viên phục vụ không được trả lương đủ và khách hàng phải chịu gánh nặng với lý do thiện chí. Tôi hy vọng văn hóa này không bao giờ xuất hiện ở Hàn Quốc”.

Luật pháp Hàn Quốc quy định, chủ doanh nghiệp phải thông báo cho khách hàng về toàn bộ giá của sản phẩm, bao gồm cả thuế và giá trị bổ sung. Do đó, việc yêu cầu phí dịch vụ ngoài giá niêm yết là bất hợp pháp. Tuy khách hàng có thể tự nguyện trả thêm nếu họ hài lòng với dịch vụ, việc tồn tại tùy chọn tiền boa được cho là đã gây áp lực cho một số người chưa quen với văn hóa này.

Văn hóa tiền boa vượt ngoài tầm kiểm soát

Theo thông lệ tại Mỹ, khách sẽ boa ít nhất 20% tổng giá trị hóa đơn cho một bữa ăn và ít nhất 1 USD cho một món đồ uống tại quán. Bộ Lao động Mỹ quy định, một người lao động được coi là nhân viên sống bằng tiền boa nếu họ thường xuyên nhận được trên 30 USD tiền boa mỗi tháng. Do đó, người sử dụng lao động của họ không cần phải trả mức lương tối thiểu là 7,25 USD/giờ mà chỉ trả 2,13 USD/giờ và bù đắp khoản chênh lệch nếu mức thu nhập cuối cùng của nhân viên không đạt mức lương tối thiểu liên bang.

Kết quả, khách hàng thường boa cho những người mà họ cho rằng có thu nhập chủ yếu từ tiền boa. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, lời nhắc nhở khách hàng về việc chi tiền boa trở nên phổ biến, lan rộng đến rất nhiều lĩnh vực thương mại mới. Đến nỗi ngay cả người Mỹ cũng bối rối về việc họ nên thể hiện sự hào phóng của mình vào lúc nào và ở đâu.

Sự phổ biến của các thiết bị thanh toán kỹ thuật số giúp việc yêu cầu khách hàng chi tiền boa trở nên dễ dàng hơn. Giờ đây, khách hàng thường xuyên nhìn thấy trên các menu là những tùy chọn tiền boa được đề xuất, thường từ 20% hóa đơn trở lên. Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy việc áp dụng thanh toán kỹ thuật số và tăng cường thiện cảm với những người làm dịch vụ, từ đó khuếch đại cả tình trạng “lạm phát tiền boa”. Hiện nay, hầu như không có giao dịch thanh toán nào ở Mỹ không yêu cầu tiền boa.

Một cuộc khảo sát gần đây của công ty tài chính Bankrate (trụ sở tại New York) cho thấy, khoảng 66% người Mỹ có quan điểm tiêu cực về tiền boa. Khoảng 30% số người được hỏi cho rằng văn hóa tiền boa đang "vượt ngoài tầm kiểm soát”. Đồng thời, khách hàng nhận thấy màn hình tiền boa được nhập trước gây khó chịu (32%) và cho rằng doanh nghiệp nên trả lương cho nhân viên của mình nhiều hơn thay vì dựa vào tiền boa (41%).

Arwa Mahdawi - chuyên viên tư vấn kinh doanh tại New York - cho biết: "Việc liên tục bị đòi tiền boa trong mỗi lần tương tác với các cửa hàng khiến tôi cảm thấy khó chịu và căng thẳng. Chúng ta có thực sự phải trả số tiền boa tối thiểu 20% không? Tôi không biết, nhưng tôi thường nhấn nút chọn 20% vì sợ bị phán xét”. 

Tại sao người Anh không boa?

Văn hóa tiền boa ở vương quốc Anh ít phổ biến hơn nhiều so với Mỹ.

Laura Windsor - người sáng lập học viện nghi thức ở Anh - cho biết: “Hầu hết các cơ sở sẽ tự động thêm một khoản phí tùy ý. Bạn không có nghĩa vụ phải trả khoản phụ phí nếu dịch vụ không đạt yêu cầu và bạn có thể yêu cầu xóa khoản phí đó khỏi hóa đơn nếu bạn không hài lòng về dịch vụ này. Nếu khoản phí đó xuất hiện trên hóa đơn, bạn không cần phải boa". Laura nói thêm, với những nhân viên khuân vác trong khách sạn, nhân viên phòng thay đồ, tài xế taxi và thợ làm tóc..., nếu khách hàng hài lòng với dịch vụ họ có thể tặng ít tiền và điều đó là không bắt buộc.

Theo chuyên gia về lễ nghi và nghi thức Jo Bryant, các tài xế taxi hay được boa, thường bằng cách làm tròn số tiền từ giá cước. “Ngoài ra, chúng tôi cũng có xu hướng cho tiền boa 1 lần cho những người thường xuyên giúp chúng tôi, ví dụ như người dọn dẹp nhà cửa vào dịp Giáng sinh” - Bryant nói về những trường hợp ngoại lệ cho những dịp đặc biệt.

Nhưng khác với Mỹ, "chúng tôi sẽ không bao giờ boa tiền ở quán cà phê, quán rượu hay quán bar" - Bryant nói thêm.

Việc văn hóa tiền boa đang bùng nổ ở Mỹ và nhiều nước khác khiến người tiêu dùng cảm thấy áp lực. Mức tiền boa đã tăng cao hơn trong vài thập niên qua và ngày càng phổ biến hơn. Theo báo cáo do Bankrate công bố đầu năm nay, gần 1/3 người Mỹ hiện nay cho rằng văn hóa tiền boa đã “ngoài tầm kiểm soát”. Marc Mentzer - giáo sư về nguồn nhân lực và hành vi tổ chức tại Đại học Saskatchewan, Canada - nói đó là một sự đảo ngược lớn so với quá khứ. “Ở Mỹ, việc đưa tiền boa từng bị coi là phản dân chủ và không bình đẳng. Nhưng điều đó đã thay đổi vào những năm 1920, khi lệnh cấm rượu làm giảm mạnh tỉ suất lợi nhuận, các chủ nhà hàng bắt đầu cổ xúy thói quen đưa tiền boa vì nó giúp nhà hàng giảm bớt một số áp lực tài chính” - ông nói.

Ngày nay, việc được hỏi bạn muốn boa bao nhiêu - dù là trực tiếp hay trên màn hình khi thanh toán qua máy tính bảng và máy thẻ - là điều phổ biến ở khắp mọi nơi, từ quán cà phê đến quán bar cũng như khi giao đồ ăn và các chuyến đi bằng xe chung. Tuy nhiên theo Windsor, ở Anh, tiền boa không được xem là bắt buộc. Nó được coi là tiền thưởng của khách hàng chứ không phải là nghĩa vụ của họ.

Windsor và Bryant nói, một trong những lý do chính dẫn đến sự khác biệt giữa Anh và nhiều nước khác là người lao động trong ngành dịch vụ được trả lương khác nhau. Ngoài ra, sự khác biệt về văn hóa cũng đóng vai trò không nhỏ. “Người Anh ghét thảo luận hoặc phô trương về tiền bạc. Nói về tiền được coi là hành vi xấu và việc trực tiếp đưa tiền mặt cho người khác khiến nhiều người Anh khó chịu" -  Bryant nói thêm.

Dù vậy theo giáo sư Mentzer, sự khác biệt trong văn hóa boa của Anh và Mỹ có thể đang được thu hẹp. Ở London, có nhiều nơi trước đây việc đưa tiền boa là điều bất thường. Giờ thì ở những chỗ đó đã tự động hiển thị lời nhắc khách hàng trả tiền boa. "Liệu người Anh sẽ chấp nhận điều đó hay vẫn cố giữ đúng văn hóa "không boa" của mình lại là một câu hỏi khác" - giáo sư Mentzer nói.

Lệ Chi (CNBC, Bloomberg)

Linh La (theo SCMP, Straits Times, Guardian, Forbes)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI