Khi tích trữ trở thành nỗi ám ảnh

06/08/2023 - 06:05

PNO - Hầu hết chúng ta đều thích tích trữ những vật phẩm kỷ niệm và món đồ yêu thích. Tuy nhiên, khi thói quen này trở thành một nỗi ám ảnh đồng thời ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sự an toàn của bản thân và những người xung quanh, đó có thể là một vấn đề tâm lý không thể bỏ qua.

 

Tích trữ quá mức có thể gây đau khổ và nguy hiểm cho chính bản thân và những người xung quanh - Nguồn ảnh: AFP
Tích trữ quá mức có thể gây đau khổ và nguy hiểm cho chính bản thân và những người xung quanh - Nguồn ảnh: AFP

Thông thường, một người tích trữ không bao giờ coi đồ đạc của họ là rác. Rất có thể họ đang giữ tất cả món đồ này và tránh làm sạch vì tình cảm gắn bó nào đó. Di chuyển đồ đạc mà không có sự đồng ý của họ có thể khiến họ cảm thấy tức giận, chán nản và bị phản bội. 

Kể từ khi đại dịch xảy ra, chính quyền địa phương trên khắp nước Anh đã báo cáo về sự gia tăng nhanh chóng các trường hợp tích trữ. Sự gia tăng này cùng với việc thắt chặt ngân sách của hội đồng, giảm quỹ chăm sóc xã hội và sức khỏe tâm thần đã khiến việc hỗ trợ những người tích trữ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Năm 2013, Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) ở Anh đã công nhận tích trữ là một tình trạng y tế và ước tính ít nhất 1,2-3 triệu người Anh trưởng thành có thể tích trữ ở một mức độ nào đó. Những người trên 55 tuổi có xu hướng tích trữ nhiều gấp 3 lần nhưng nhiều người mắc bệnh sẽ có dấu hiệu từ độ tuổi thanh thiếu niên.

Những người có thói quen tích trữ

Năm ngoái, lực lượng cứu hỏa London đã tham gia ứng cứu 1.036 vụ hỏa hoạn liên quan đến việc tích trữ khiến 186 người bị thương và 10 người chết. Qua đó, các thuộc tính của những người tích trữ được ghi lại trên cơ sở dữ liệu giúp các trạm cứu hỏa biết để gửi thêm lính cứu hỏa nếu đám cháy xảy ra ở nhà của một trong số họ.

Vào những năm 2000, các chương trình truyền hình thực tế của Anh và Mỹ như The Hoarders Next Door, Britain's Biggest Hoarders hay Hoarders: Buried Alive đã biến việc tích trữ trở thành một vấn đề thu hút công chúng. Người dẫn chương trình truyền hình Jasmine Harman đã lên tiếng về thói tích trữ kinh niên của mẹ cô trong bộ phim tài liệu My Hoarder Mum and Me năm 2011, góp phần nâng cao nhận thức về việc tích trữ trong cộng đồng.

Những người tích trữ nổi tiếng nhất là 2 anh em sống ẩn dật Homer và Langley Collyer ở Harlem, New York. Trải qua nhiều biến cố, Homer phát bệnh thấp khớp khiến ông bị liệt hoàn toàn. Langley đã cố gắng hết sức chăm sóc anh trai mình. Sau khi Homer qua đời, 120 tấn đồ vật có giá trị, đồ bỏ đi và các tài sản khác đã được lấy ra khỏi nhà họ. Các nhà chức trách cho rằng trong khi Langley mang thức ăn cho Homer thông qua một trong những đường hầm xuyên qua đống rác khổng lồ trong nhà thì xảy ra một vụ sụp đổ. Vì không được em trai cung cấp thức ăn, Homer sớm qua đời vì đói.

Trong nhiều thập niên, tích trữ thường được gọi là hội chứng Collyers. Lính cứu hỏa ở bờ biển phía đông nước Mỹ vẫn gọi tài sản tích trữ là “lâu đài của Collyers”.

Quang cảnh bên trong ngôi nhà của 2 anh em nhà Collyer  ở Harlem, New York Nguồn ảnh: Getty Images
Quang cảnh bên trong ngôi nhà của 2 anh em nhà Collyer ở Harlem, New York - Nguồn ảnh: Getty Images

Eliza Johnson (nhân vật đã được đổi tên) là một bà mẹ đơn thân ở Surrey sống cùng đứa con trai ở độ tuổi 20 bị khuyết tật học tập. Nhà họ bề bộn đến nỗi bà không thể vào phòng mình nên ngủ trong phòng của con trai còn con bà ngủ trên ghế sô pha. Bà nghi ngờ căn bệnh ho dai dẳng bà mắc phải hơn 5 năm qua là do nấm mốc. “Khi bạn bỏ đi mọi thứ cũng giống như bạn vứt bỏ ước mơ của mình” - bà bộc bạch.

Một chứng rối loạn tâm lý 

Một số nghiên cứu gần đây ước tính rằng việc tích trữ ảnh hưởng đến khoảng từ 2% đến 6% dân số thế giới. Tuy nhiên, rối loạn tích trữ là một vấn đề ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng.

Ở Mỹ, Úc và nhiều nước châu Âu trong đó có Anh, chính quyền có xu hướng chỉ can thiệp khi người tích trữ gặp khủng hoảng. Việc can thiệp thường ở dạng giải quyết các đối tượng vật chất được tích lũy hơn là tháo gỡ các vấn đề đã gây ra sự tích trữ.

Trong 10 năm qua, tích trữ được xác định là một chứng rối loạn tâm lý độc lập. Việc thừa nhận rằng tích trữ là một tình trạng y tế đã giúp mọi người ngày càng nhận thức rõ hơn về mức độ nghiêm trọng của nó. Riêng ở Mỹ đã có hơn 100 tổ chức dành riêng để giải quyết vấn đề này. Anh cũng có hàng chục nhóm hỗ trợ những người tích trữ. 

Năm 1947, nhà phân tâm học người Đức Erich Fromm mô tả “định hướng tích trữ” như một cách quản lý sự bất an bằng cách không bao giờ “chia tay” với bất cứ điều gì. 15 năm sau, bác sĩ tâm thần Jens Jansen đã đề cập đến “chứng cuồng sưu tầm” nói về những người lớn tuổi tích lũy quá nhiều đồ vật. Vào những năm 1990, những quan sát này được củng cố thành các tiêu chí chẩn đoán: mua và khó loại bỏ những tài sản có thể không cần đến; cảm thấy đau khổ khi nghĩ đến việc vứt bỏ chúng; không gian sống lộn xộn đến mức khó sử dụng các không gian trong nhà. 

Sưu tập là thú vui sở hữu những món đồ đẹp, quý hiếm để phục vụ sở thích riêng - Nguồn ảnh: Internet
Sưu tập là thú vui sở hữu những món đồ đẹp, quý hiếm để phục vụ sở thích riêng - Nguồn ảnh: Internet

Các bác sĩ lâm sàng đã phát triển một công cụ có tên Clutter Image Rating để đo sự tích trữ. Được sử dụng bởi các nhà chức trách trên thế giới, công cụ này bao gồm các bức ảnh về nhà bếp, phòng ngủ và phòng khách. Mỗi khu vực dần dần được lấp đầy bằng những đồ vật theo thang điểm từ 1 đến 9. Ở mức 1, các phòng khá trống; sàn nhà sạch sẽ. Đến mức 3, các phòng trông bừa bộn và đồ đạc vương vãi trên sàn. Đến mức 5, sàn nhà gần như bị lấp đầy hoàn toàn. Mức cuối cùng, các khu vực hầu như không còn chỗ trống.

Nhà tâm lý học Oxford Paul Salkovskis cho rằng nếu việc tích trữ được sắp xếp gọn gàng hoặc nếu có không gian để chứa đồ thì đó không hẳn là một vấn đề. Nele Van Bogaert - người điều hành chương trình hỗ trợ tích trữ cho tổ chức từ thiện MRS Independent Living - nói rằng: “Nếu ai đó cảm thấy hạnh phúc trong một môi trường cực kỳ lộn xộn và vẫn đảm bảo an toàn thì không vấn đề gì. Chúng ta phải chấp nhận sự khác biệt ở mỗi người. Nhưng ngay khi việc tích trữ ảnh hưởng đến người khác, chúng ta cần xem xét lại”. 

Khi việc tích trữ ở mức 4 trở lên, các bác sĩ lâm sàng phân loại đây là người tích trữ và dịch vụ cứu hỏa xem tài sản đó là một rủi ro nghiêm trọng. Dọn dẹp chớp nhoáng là một giải pháp tạm thời nhằm giải quyết các triệu chứng tích trữ hơn là nguyên nhân. 

“Hỗ trợ toàn diện rất tốn kém nhưng chi phí để giải quyết các vấn đề của tích trữ cũng rất cao, chưa kể thiệt hại về người” - Sarah Hanson - phó giáo sư về sức khỏe cộng đồng tại Đại học East Anglia - cho hay. Ưu tiên của việc dọn dẹp chớp nhoáng là làm cho khu vực tích trữ sạch sẽ và an toàn thay vì vứt bỏ hoàn toàn đồ đạc. 

Nhà tâm lý học Chrissie Tizzard cho rằng tích trữ có thể được điều trị bằng cách kết hợp các liệu pháp trò chuyện, chẳng hạn như liệu pháp hành vi nhận thức và các buổi thực hành với chuyên gia về dọn dẹp. Yếu tố trị liệu rất quan trọng vì chỉ dọn dẹp sẽ không ngăn được hành vi. Thay đổi thực sự đến từ việc thay đổi suy nghĩ và niềm tin cốt lõi của người tích trữ, đồng thời giải phóng họ khỏi những liên tưởng cảm xúc với những thứ họ tích trữ. 

Người tích trữ và người sưu tập

Ashley Keller và nhóm nghiên cứu tại Đại học King’s College London đã nghiên cứu sâu về tích trữ và sưu tập. Họ phát hiện ra rằng sự khác biệt lớn nhất giữa người tích trữ và người sưu tập là mức độ tổ chức. Những người sưu tập có thói quen tổ chức và chăm sóc tỉ mỉ các bộ sưu tập của họ trong khi những người tích trữ thường không có bất kỳ nguyên tắc tổ chức nào.

Một quan niệm sai lầm về sự khác biệt giữa sưu tập và tích trữ là cho rằng người sưu tập cất giữ những thứ có giá trị và người tích trữ cất giữ những thứ không có giá trị cao. Sự thật là người tích trữ không chỉ thu thập những thứ mà người khác cho là rác rưởi mà còn cả những vật phẩm hữu ích hoặc có giá trị cao, thậm chí có những món đồ mới chưa bao giờ được mở ra hoặc vẫn còn dán nhãn giá.

Thụy Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI