Khi thư viện trở thành “thánh địa” của nam giới ngoài trung niên

02/02/2025 - 08:35

PNO - Tại một số thư viện ở Hàn Quốc, nam giới lớn tuổi là nhóm độc giả chính thường xuyên đến đọc sách, nghiên cứu công nghệ và kết nối cộng đồng.

Một người khách đang xem qua các cuốn sách trên kệ tại Thư viện Quốc gia Hàn Quốc ở Seoul vào ngày 2/1 - Ảnh: Shin Ji-hye/The Korea Herald
Một người đàn ông lớn tuổi đang xem qua các cuốn sách trên kệ tại Thư viện Quốc gia Hàn Quốc ở Seoul vào ngày 2/1 - Ảnh: Shin Ji-hye/The Korea Herald

Vào ngày thứ hai của năm mới, Thư viện Quốc gia Hàn Quốc ở phía nam Seoul vẫn tấp nập độc giả, với những công dân nam cao tuổi chiếm đa số.

Một người đàn ông 75 tuổi họ Lee là một trong những người thường xuyên đến đây. Ông cho biết mình đến thư viện mỗi sáng, ăn trưa với giá 5.000 won (86.000 đồng) và ở lại đến 16g hoặc 17g.

Ông nói bằng giọng thì thầm ở hành lang của phòng đọc sách 4 tầng: "Hầu như không có nơi nào để đi khi bạn đã ngoài 70 tuổi. Có thể một ngày nào đó bạn cũng sẽ như tôi. Tôi chỉ đến đây để thư giãn".

Trước khi nghỉ hưu cách đây hơn một thập niên, ông Lee là kỹ sư xây dựng trong khu vực công. Tại thư viện, ông vẫn tiếp tục nghiên cứu lĩnh vực chuyên môn của mình. Ông chia sẻ: "Đó là những gì tôi đã làm trong suốt cuộc đời mình. Tôi cần cập nhật những diễn biến gần đây". Ngoài ra, hiện tại ông thích đọc bộ sử thi nhiều tập Land của Park Kyung-ri.

Một người đàn ông khác - Seo Tae-joon (66 tuổi) đang trên đường đi ăn trưa tại căng tin, chỉ cách thư viện 1 phút đi bộ. Giống như ông Lee, ông Seo cũng đến thư viện mỗi ngày.

6 năm trước, ông Seo đã nghỉ hưu tại một công ty xây dựng cỡ trung, nơi ông làm việc trong bộ phận nhân sự suốt gần 40 năm. Ông Seo bộc bạch: “Tôi đến thẳng thư viện sau khi nghỉ hưu. Ở nhà quá lâu không tốt. Nó khiến bạn phát bệnh. Tôi không thích ở nhà. Tôi đã quen với việc ra ngoài làm việc”.

Khi nói về thư viện, ông Seo nhận xét: “Nó khá tuyệt. Bạn có thể đọc bao nhiêu tùy thích và thoải mái sử dụng máy tính, miễn là bạn không làm phiền bất kỳ ai”. Tuy nhiên, đôi khi ông vẫn thấy một số người gây rối, ồn ào và “hành động như thể họ vẫn đang ở nhà”.

Ông Seo thường đến thư viện vào khoảng 10 giờ sáng và dành phần lớn thời gian ở phòng đọc kỹ thuật số, nơi ông học tiếng Anh.

Du khách đọc sách tại Thư viện Quốc gia Hàn Quốc vào ngày 2/1 - Ảnh: Shin Ji-hye/The Korea Herald
Mọi người đọc sách tại Thư viện Quốc gia Hàn Quốc vào ngày 2/1 - Ảnh: Shin Ji-hye/The Korea Herald

Tại Thư viện Công cộng Namsan ở quận Yongsan, Seoul, cư dân Baek Chun-ku (72 tuổi) đang xem một bộ phim võ thuật Trung Quốc trong thư viện kỹ thuật số.

Ông Baek, người đã nghỉ hưu ở tuổi 60 sau 35 năm làm việc trong ngành ngân hàng, đến thư viện 3 ngày mỗi tuần. Ông thích đọc về xã hội, văn hóa và thơ ca.

Ông Baek giải thích: "Thói quen này là để giết thời gian. Tôi cần cảm thấy mình đã dành cả ngày một cách tốt đẹp. Tôi không thể chỉ ở nhà suốt ngày, lướt mạng trên ghế sofa. Vợ tôi cũng hiếm khi ở nhà. Bà ấy bận rộn mỗi sáng với phòng tập thể dục, phòng vẽ, bởi bà ấy là một nghệ sĩ".

Đối với nhiều người đàn ông đã nghỉ hưu, thư viện là không gian quan trọng để giao lưu với thế giới mà không tốn kém hoặc tốn rất ít chi phí.

Seol Dong-hoon - giáo sư xã hội học tại Đại học Quốc gia Jeonbuk - cho biết: “Thư viện cung cấp một môi trường ấm áp và mát mẻ với bữa trưa giá rẻ. Chúng tạo không gian cho người cao tuổi giết thời gian mà không tốn tiền, dù là đọc sách hay chỉ đơn giản là ngồi và thư giãn”.

Park Kyung-hoon - người đã nghỉ hưu ở tuổi 65 sau 40 năm làm việc tại tòa nhà Quốc hội - vẫn tiếp tục theo đuổi các nỗ lực học tập. Ngay cả sau khi nghỉ hưu, ông vẫn làm việc như một nhà văn tự do chuyên viết hồi ký và tiểu sử.

Ông đến thư viện 7 ngày mỗi tuần, dành 5 giờ mỗi ngày để nghiên cứu sách, báo và tạp chí để nắm bắt bối cảnh của thời đại mà ông cần viết.

Ông Park tin rằng, thư viện đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng. Ông nhận xét: “Trước đây, trường học, nhà thờ và các nhóm công dân chịu trách nhiệm giáo dục công chúng. Bây giờ, thư viện đóng vai trò tương tự”.

Lee Maeung-yeong, một mục sư 63 tuổi, đã dùng thư viện thường xuyên trong hơn 30 năm. Ông tin rằng, thư viện là không gian có ý nghĩa xã hội sâu sắc, đặc biệt là đối với người cao tuổi - những người thường phải đối mặt với sự cô đơn.

Mục sư Lee nói: “Thư viện là nơi bạn thực sự có thể tận hưởng kiến thức. Khi tôi khám phá ra một cuốn sách tuyệt vời, tôi cảm thấy vô cùng biết ơn. Có người đã dành cả cuộc đời để tạo ra tác phẩm này và tôi được tận hưởng nó ở đây”.

Linh La (theo Korea Herald)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI