PNO - Từ năm 1997, khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, cùng với việc đầu tư mạnh về kinh tế hạ tầng, chính quyền TP. Đà Nẵng đã có nhiều quyết sách nhằm thu hút nhân lực chất lượng cao để phục vụ cho sự phát triển của thành phố. Đến nay, Đà Nẵng vẫn đang tiếp tục thay đổi các chính sách để thu hút chất xám.
Bài 1: Những đổi thay ở thành phố “đầu tàu miền Trung”
LTS: Từ cuối năm 2020, Bộ Nội vụ bắt đầu lấy ý kiến về đề án “Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài”. Theo đó, việc phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài là khâu đột phá trong công tác cán bộ của cả hệ thống chính trị. Trước khi có đề án, công tác thu hút, đào tạo nhân tài cũng đã được nhiều tỉnh, thành thực hiện; trong đó, TP. Đà Nẵng và TPHCM là hai trong năm tỉnh, thành được Bộ Nội vụ khảo sát về thực tiễn để làm cơ sở “định lượng và định tính” về nhân tài…
Lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng gặp mặt, trao đổi với học viên trong đề án “Phát triển nhân lực chất lượng cao” năm 2018 - Ảnh: Lê Đình Dũng
Sự năng động từ cấp phường
Tiếp chúng tôi lúc gần trưa, anh Cao Đình Hải - Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà - vẫn rất bận rộn. Một người đàn ông trung niên gõ cửa xin trao đổi với chủ tịch phường. Đó là một người làm chủ dịch vụ cho thuê rạp đám cưới, bị lập biên bản do dựng rạp ở lòng lề đường. Người này gãi đầu trình bày về sự việc, xin được xem xét để tiếp tục kinh doanh vì đây là vi phạm lần đầu. Anh Cao Đình Hải trao đổi nhanh với lực lượng quy tắc phường và chốt hướng xử lý: lập biên bản nhắc nhở, buộc cam kết không tái phạm.
Giải quyết xong vụ việc, anh Cao Đình Hải chia sẻ với chúng tôi: “Quy định xử lý việc dựng rạp ở lòng lề đường có hết rồi, nhưng còn liên quan đến tập quán văn hóa và điều kiện không gian nên mình xử lý cứng nhắc cũng khó, và còn phải đưa ra giải pháp nữa. Phần lớn nhà dân chật chội, trong nhà không đủ chỗ để kê hết bàn ghế đãi khách khi có lễ lạt nên họ phải dựng rạp trước nhà. Nếu mình đến xử lý lúc đó thì tan cái đám của họ. Cho nên, ngoài tuyên truyền cho người dân, chúng tôi yêu cầu các chủ dịch vụ cho thuê rạp không được thi công ở lòng lề đường. Ngoài ra, chúng tôi chủ động cho những hộ khó khăn mượn nhà văn hóa của khu phố để tổ chức đám cưới”.
Anh Hải năm nay 44 tuổi, là cán bộ được mời gọi theo chính sách "thu hút nhân tài" của TP. Đà Nẵng. Anh kể: “Trước đây, mình học đại học ngành kế toán nhưng đam mê công nghệ nên sau khi ra trường, mình học thêm về công nghệ và xin vào làm ở một công ty chuyên ngành công nghệ kế toán, làm đến giám đốc chi nhánh ở TP. Đà Nẵng”. Cuối năm 2010, anh nộp đơn xin vào làm việc ở UBND phường Mân Thái, quận Sơn Trà.
“Sau một thời gian làm việc, UBND phường đề xuất lên Phòng Nội vụ quận. Lúc đó, Phòng Nội vụ xuống, thấy hồ sơ tốt nên đề xuất lên Sở Nội vụ và ký hợp đồng làm việc. Sau đó, bác Ngô Quang Phúc - Bí thư Quận ủy Sơn Trà - thấy mình làm được việc nên đưa lên Văn phòng Quận ủy làm việc. Năm 2016, mình được luân chuyển về làm Phó Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông. Năm 2017, quận điều chuyển về lại làm Phó Chánh văn phòng UBND quận. Tháng 4/2019, mình được tổ chức bổ nhiệm làm Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông cho đến nay” - anh kể về quá trình công tác.
Anh Hải luôn nghiên cứu, áp dụng những cái mới để tạo sự phát triển và tạo sự năng nổ cho anh em làm việc. Về làm Chủ tịch UBND phường vào tháng Tư, đến tháng 7/2019, anh cho thành lập tổ phản ứng nhanh để xử lý các vấn đề về an ninh trật tự, trong đó chủ yếu xử lý tiếng ồn. Xử lý được một thời gian, tình hình đỡ hơn nhưng sau đó lại tái phát. Sau nhiều nỗ lực, đến nay, tình trạng phát thải tiếng ồn đã giảm hẳn, người dân ý thức hơn.
Đà Nẵng được biết đến là một thành phố đáng sống bởi sự năng động và phát triển nhanh, trong đó một phần nhờ chính sách thu hút nhân tài hiệu quả - Ảnh: Nguyễn Trình
Trong tất cả các phường, xã ở TP. Đà Nẵng, sự tương tác với người dân của UBND phường Nại Hiên Đông qua mạng xã hội thuộc loại nổi bật nhất. Trang Facebook của UBND phường thường xuyên đăng công khai tất cả các hoạt động, kế hoạch hoạt động. Điều này một phần đến vị chủ tịch xuất thân là “dân công nghệ”. Khi còn làm việc ở Văn phòng UBND quận, anh Hải đã xây dựng hệ thống quản trị và làm việc, trao đổi văn bản online, giúp kết nối nhanh giữa các phòng ban, quận phường.
Trang Facebook của UBND phường đã giúp chính quyền tương tác hiệu quả với người dân, từ những việc nhỏ đến những việc nóng “đại sự” như hai đợt dịch COVID-19, đợt mưa bão năm 2020. Trong đợt bão cuối năm 2020, trong tình thế cấp bách, UBND phường đã chủ động thông báo trên trang Facebook về các điểm tập kết cát do nhà hảo tâm hỗ trợ, giúp dân có vật liệu chằng chống nhà. Người dân rất bất ngờ và cảm kích khi được cung cấp cát tận nơi để phòng, chống bão.
Anh Nguyễn Thành - công dân P.Nại Hiên Đông - hứng thú: “Tôi cũng là một người làm việc nhà nước và cũng cảm nhận được sự năng nổ của anh Hải. Xét về hoạt động hành chính, chính quyền phường cơ bản hoạt động tốt và hiệu quả, xử lý nhanh các vấn đề. Những người dân như tôi hài lòng vì khi phản ánh những vấn đề dù nhỏ, trực tiếp hay lên trang Facebook, đều được xử lý và trả lời”. Chị Nguyễn Thị Yến cũng tâm đắc: “Có vấn đề gì bức xúc, chúng tôi đều phản ánh lên trang Facebook, cán bộ phường đều ghi nhận, xử lý. Những năm qua, trật tự đô thị ở phường mình nền nếp hơn hẳn dù có nhiều chung cư nhất thành phố”.
Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Kinh tế Đà Nẵng, chị Trần Thị Thu Mai - nay là Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu - cũng được Sở Nội vụ TP. Đà Nẵng tuyển dụng theo diện thu hút nhân lực. “Mình tốt nghiệp và nộp hồ sơ vào tháng 9/2008 thì một tháng sau, Sở Nội vụ ra quyết định tuyển dụng vào làm việc tại văn phòng UBND phường Hòa Thuận Tây, được hưởng nguyên lương và hưởng thêm phụ cấp 0,3% lương cơ bản mỗi tháng” - vị nữ phó chủ tịch UBND phường 35 tuổi nhớ lại. Năm 2015, chị Mai được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ phường và công tác tại Văn phòng Đảng ủy phường Hòa Thuận Tây. Năm 2017, chị được HĐND phường bầu làm Phó Chủ tịch UBND phường.
Bà Trần Thị Mai Hương - Bí thư Đảng ủy phường Hòa Thuận Tây - nhận xét chị Thu Mai được thu hút theo đề án “Tạo nguồn cán bộ cho chức danh Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND phường, xã trên địa bàn TP. Đà Nẵng” (đề án 89), là người có chuyên môn và rất năng nổ: “Ngoài các chức danh trên, chị cũng được quy hoạch vào chức danh chủ chốt của phường như phó bí thư thường trực, chủ tịch UBND”.
Ông Lê Phú Nguyện - Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP. Đà Nẵng - cho biết đã bố trí 591 người làm ở các cơ quan hành chính, gồm 387 người làm ở các sở, ban, ngành (30,5%), 76 người làm ở UBND các quận, huyện là (6%), 128 người làm ở cấp phường, xã (10,1%) và 687 người làm ở các đơn vị sự nghiệp ( 53,4%): “Nhiều cán bộ diện thu hút nhân tài đã trưởng thành sau thời gian công tác. Trong đó, có 145 người (hơn 11,4%) đảm đương các chức vụ lãnh đạo, quản lý từ cấp thành phố đến phường, xã”.
Tổ chức thi tuyển vào vị trí lãnh đạo
Đà Nẵng là một trong những địa phương có chính sách thu hút người tài tương đối sớm và khá hấp dẫn. Với chủ trương thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, tính đến cuối năm 2011, thành phố đã thu hút được 940 người, trong đó có 10 tiến sĩ, 166 thạc sĩ và 764 cử nhân có băng tốt nghiêp khá, giỏi. Lực lượng này đã bổ sung đáng kể nguồn nhân lực có chất lượng cho các cơ quan công quyền của
thành phố.
Năm 2006, UBND TP. Đà Nẵng triển khai đề án thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo. Từ việc thí điểm thành công của ngành giáo dục, Đà Nẵng đã mở rộng hình thức thi tuyển chức danh lãnh đạo ra nhiều đơn vị hành chính, sự nghiệp. Sau hơn năm năm thực hiện đề án “Thực hiện thí điểm thi tuyển giám đốc, phó giám đốc và tương đương ở một số đơn vị sự nghiệp thuộc UBND TP. Đà Nẵng quản lý”, các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện đã tổ chức 21 lượt thi tuyển với 221 ứng viên đăng ký dự thi, tuyển chọn được 70 người có trình độ, năng lực, phẩm chất, đạo đức để bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị.
Lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng gặp mặt, trao đổi với học viên trong đề án “Phát triển nhân lực chất lượng cao” năm 2018 - Ảnh: Đình Dũng
Tháng 2/2011, ông Nguyễn Bá Thanh - bấy giờ là Bí thư Thành ủy TP. Đà Nẵng - đã ký ban hành đề án “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao” (đề án 922) thay thế trên cơ sở kế thừa, phát huy kết quả thực hiện hai đề án “Đào tạo 100 tiến sĩ, thạc sĩ ở các cơ sở đào tạo nước ngoài” (đề án 393) và “Hỗ trợ đào tạo bậc đại học tại các cơ sở giáo dục trong và ngoài nước bằng ngân sách Nhà nước dành cho học sinh các trường trung học phổ thông” (đề án 47).
Trước đó, từ năm 2004, UBND TP. Đà Nẵng đã triển khai việc cử học sinh xuất sắc của các trường trung học phổ thông đi học đại học trong và nước ngoài; từ năm 2006, cử cán bộ, công chức, viên chức giỏi, có triển vọng đi học sau đại học ở nước ngoài. Tính đến cuối năm 2011, đã có 328 học sinh được cử đi học đại học, trong đó có 154 người học trong nước và 174 người học ở nước ngoài, 88 lượt cán bộ, công chức, viên chức được cử đi học sau đại học tại nước ngoài, trong đó có 70 thạc sĩ và 18 tiến sĩ. Đã có 94 người tốt nghiệp bậc đại học và 60 người tốt nghiệp bậc sau đại học về nhận công tác. Không những vậy, Đà Nẵng còn có đề án “Tạo nguồn cán bộ cho chức danh bí thư Đảng ủy và chủ tịch UBND phường, xã” (đề án 89), được triển khai thực hiện từ tháng 6/2008...
Theo ông Lê Phú Nguyện, việc bố trí công việc phù hợp với chuyên ngành đào tạo và nguyện vọng cá nhân hầu hết đã phát huy năng lực, sự nhiệt huyết của cán bộ; phần lớn cán bộ tiếp cận nhanh với công việc, thích nghi với môi trường làm việc, đáp ứng khá tốt nhu cầu nhân lực cho cơ quan, đơn vị: “Những thành tựu phát triển của TP. Đà Nẵng trong 20 năm qua là kết quả của sự nỗ lực chung, trong đó có sự đóng góp quan trọng, trực tiếp của cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan nhà nước của thành phố mà đội ngũ được tuyển chọn, trọng dụng từ chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao là một lực lượng đóng góp rất hiệu quả”.
Ông Lê Phú Nguyện cũng cho biết, để thu hút và giữ chân các cán bộ diện thu hút nhân lực chất lượng cao, UBND TP. Đà Nẵng đã chủ động đưa ra các chính sách hỗ trợ, đãi ngộ: “Ngoài chế độ đãi ngộ vật chất ban đầu và hỗ trợ hằng tháng, bố trí nhà ở cho một số đối tượng từ các địa phương khác đến công tác tại Đà Nẵng, ưu tiên thi tuyển công chức, viên chức, chính quyền thành phố còn thường xuyên cử họ đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, tham gia câu lạc bộ cán bộ trẻ, tổ chức đối thoại, trao đổi và định hướng để phát triển”.
Anh Cao Đình Hải - Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông - trong một lần đi chỉ đạo công tác phòng, chống bão lụt năm 2020
Vẫn còn những hạn chế cần khắc phục
Tháng 6/2018, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã có buổi gặp mặt với các học viên đề án “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng thừa nhận chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao bộc lộ hàng loạt hạn chế, chẳng hạn như chưa có sự nhất quán giữa thu hút và đào tạo. Việc giao các cơ quan khác nhau triển khai chủ trương phát triển nhân tài dẫn đến sự bất cập, chồng chéo trong chỉ tiêu ngành nghề thu hút và đào tạo; các dự báo, điều tra để xây dựng chỉ tiêu ngành nghề chưa sát thực tế, vẫn còn cảm tính, thiếu cơ sở khoa học… Khi đã tiếp nhận và tuyển dụng, vẫn có tình trạng một số đơn vị thụ động, miễn cưỡng, chưa tạo môi trường thuận lợi để phát huy hiệu quả nguồn nhân lực được đào tạo; chính sách đãi ngộ, giữ chân nhân tài còn nhiều vướng mắc, thiếu đồng bộ.
Ông Huỳnh Đức Thơ khi đó nhìn nhận: “Đối tượng đào tạo và thu hút không thực hiện đúng cam kết. Nhiều người có tư tưởng làm việc cầm chừng, chờ hết hợp đồng để tìm công việc khác với mức lương cao hơn hoặc chấp nhận bồi hoàn kinh phí đào tạo để xin ra khỏi đề án, nhất là khi UBND thành phố điều chỉnh mức bồi hoàn chi phí đào tạo từ gấp năm lần xuống còn 100% kinh phí đào tạo theo quy định của Chính phủ”.
Đến năm 2018, Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP. Đà Nẵng đã phải nộp đơn khởi kiện 32 người vi phạm hợp đồng đào tạo nhân lực. Ông Lê Phú Nguyện cho biết: “Việc xử lý học viên vi phạm hợp đồng được thực hiện theo quy định hiện hành của Chính phủ với mức bồi hoàn kinh phí đào tạo có khấu trừ thời gian công tác. Đa số các trường hợp học viên vi phạm hợp đồng hiện đã hoàn thành việc bồi hoàn kinh phí, chỉ vài trường hợp không bồi hoàn hoặc chưa hoàn thành việc bồi hoàn”.
Chị Trần Thị Thu Mai - Phó chủ tịch UBND phường Hòa Thuận Tây
Để khắc phục các hạn chế, Sở Nội vụ thường xuyên rà soát, đánh giá và điều chỉnh chính sách kịp thời. Đến nay, chính sách ngày càng sát với yêu cầu thực tế quản lý của địa phương. UBND TP. Đà Nẵng đang hướng đến xây dựng và cải thiện môi trường làm việc, văn hóa công sở phù hợp với nền tảng hành chính hiện đại, thân thiện. Sở Nội vụ phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy và các cơ quan, đơn vị sử dụng lao động xây dựng cơ chế đánh giá thành tích trên cơ sở hiệu quả công việc, vị trí việc làm để khích lệ sức sáng tạo của đối tượng được thu hút và đào tạo. UBND thành phố sẽ ưu tiên xem xét cho thuê nhà chung cư, xây dựng chính sách tăng thu nhập, tạo điều kiện cho diện này tham gia các chương trình, dự án lớn, qua đó tiến cử, lựa chọn bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Tháng 6/2019, ông Huỳnh Đức Thơ ký ban hành quy định về việc thực hiện chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực công cho TP. Đà Nẵng, thay thế hàng loạt quyết định trước đó, cũng là một động thái mới của Đà Nẵng nhằm mở rộng cửa hơn trong việc thu hút nhân lực chất lượng cao và giữ chân họ. Theo đó, chính quyền TP. Đà Nẵng ưu tiên nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hiện đang công tác tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc thành phố thông qua bồi dưỡng ngắn hạn trong và ngoài nước và đào tạo sau đại học ở nước ngoài. Khi có nhu cầu bổ sung nhân lực chất lượng cao, việc bổ sung dựa vào chỉ tiêu biên chế, số lượng người làm việc được giao, yêu cầu vị trí công việc cụ thể và theo thứ tự ưu tiên: thu hút nhân lực đến thành phố làm việc, tuyển chọn người đang học năm cuối đại học hoặc sau đại học để tiếp tục đào tạo, cử người đi đào tạo trình độ đại học.
Cùng với hàng loạt ưu đãi về lương, bảo hiểm, chế độ nâng bậc lương, UBND TP. Đà Nẵng còn quy định ưu đãi kinh phí hỗ trợ ban đầu cho các đối tượng tham gia chính sách. Cụ thể, người tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo uy tín trong nước (trừ các cơ sở đào tạo nằm trong danh sách 400 cơ sở đào tạo hàng đầu thế giới) có trình độ đại học được hưởng 80 lần mức lương cơ sở, tiến sĩ hưởng 200 lần mức lương cơ sở; người tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo trong danh sách 200 cơ sở đào tạo hàng đầu thế giới thì mức ưu đãi ban đầu hấp dẫn hơn: 180 lần mức lương cơ sở đối với trình độ đại học, 280 lần mức lương cơ sở đối với trình độ tiến sĩ… Ngoài ra, những người nhận công tác gặp khó khăn và thật sự có nhu cầu về nhà ở thì được ưu tiên xem xét cho thuê nhà chung cư hoặc được hỗ trợ thủ tục xin vay vốn ưu đãi trong thời hạn từ 10-15 năm để mua nhà ở xã hội.
Hơn 4 năm triển khai chương trình chuyển đổi số, thành phố đã hoàn thành 19/23 chỉ tiêu, còn 4 chỉ tiêu đang tiếp tục phấn đấu hoàn thành vào năm 2025.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi yêu cầu các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập rà soát cán bộ sử dụng chứng chỉ mang tên “Cambridge International”.