Khi thú cưng cũng là… thượng đế

20/06/2023 - 06:00

PNO - Dịch vụ thú y cao cấp, nhà hàng sang trọng dành cho thú cưng ở Hàn Quốc đang là một thực tế đối với một số vật nuôi may mắn của đất nước này.

Dịch vụ thú y cao cấp dành cho chó, mèo

La Peau Claire - một phòng khám nằm ở phường Cheongdam-dong, quận Gangnam, Seoul - vừa khai trương vào tháng trước, cung cấp dịch vụ điều trị da bằng laser cho chó mèo. Đây là phòng khám thú y đầu tiên trong ngành da liễu thú cưng của Hàn Quốc. 

Khi điều trị, chó mèo được đeo kính chống tia laser để bảo vệ mắt. Khách hàng có thể quan sát thú cưng của họ trong lúc điều trị hoặc đợi bên ngoài với một tách cà phê miễn phí.

La Peau Claire áp dụng phương pháp điều trị “laser kép”, được sử dụng để giảm bớt các phản ứng dị ứng. Phương pháp này có giá 245.000 won (khoảng 183 USD) cho gói 5 lượt điều trị, không bao gồm phí tư vấn chuyên sâu và xét nghiệm dị ứng. Phòng khám sử dụng tia laser thường được các bác sĩ da liễu dùng điều trị các vấn đề về da ở người, bao gồm mụn trứng cá. 

Một chú chó cưng được điều trị da bằng laser tại La Peau Claire ở Cheongdam, Seoul - ẢNH: LA PEAU CLAIRE
Một chú chó cưng được điều trị da bằng laser tại La Peau Claire ở Cheongdam, Seoul - Ảnh: La Peau Claire 

“Theo truyền thống, chó và mèo sẽ được kê thuốc mỡ và thuốc để điều trị các phản ứng dị ứng trên da hoặc các vấn đề về da khác. Liệu pháp laser là một phương pháp điều trị tương đối mới có thể thay thế thuốc truyền thống, với ít tác dụng phụ hơn” - Lee Tae-hyun - Giám đốc điều hành La Peau Claire kiêm bác sĩ thú y - thông tin.

Chú chó Hero (2 tuổi) bị dị ứng da, đã được chủ nhân đưa đến phòng khám. “Đôi khi, những loại thuốc mỡ này có chứa steroid và tôi muốn Hero được điều trị an toàn hơn đồng thời không có rủi ro. Tôi nghĩ những người nuôi thú cưng ở Hàn Quốc sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho các phương pháp điều trị nếu chúng giúp thú cưng của họ mau khỏi bệnh” - chủ của Hero nói.

Nhà hàng phục vụ thú cưng

“Omakase” - một phong cách ăn uống của Nhật Bản, trong đó khách hàng để đầu bếp lựa chọn hoàn toàn các món ăn - đang rất thịnh hành ở Hàn Quốc. Giờ đây, phong cách này cũng dành cho con vật cưng.

Pet Dining Mamma ở Songpa-gu, phía đông Seoul, cung cấp các bữa ăn kiểu omakase 3 món cho thú cưng với giá khoảng 23.000 won (khoảng 18 USD). Khi vào nhà hàng, thú cưng được ngồi ở bàn bên cạnh chủ của chúng. Các nguyên liệu đều được kiểm tra kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn. 

Lee Yuni - Giám đốc điều hành của Woof & Meow, công ty mẹ của Pet Dining Mamma - cho biết: “Ngày càng nhiều người đến nhà hàng. Chúng tôi chuẩn bị khoảng 40 bữa ăn cho chó mỗi tuần. Con số này đã tăng lên đáng kể từ khi chúng tôi mở nhà hàng vào năm 2021…”.

Khu nghỉ dưỡng High1 nằm ở tỉnh Gangwon cũng phục vụ omakase cho chó. Bữa ăn 5 món có giá 35.000 won (khoảng 27 USD), bao gồm nguyên liệu xa xỉ như bào ngư.

Quy mô của ngành công nghiệp thú cưng

Sự ra đời của các phòng khám da liễu và nhà hàng phục vụ theo phong cách omakase dành cho thú cưng là dấu hiệu cho thấy ngày càng nhiều người Hàn Quốc quan tâm đến việc cung cấp dịch vụ nhanh hơn và tốt hơn, thậm chí xa xỉ cho những “người bạn đồng hành” của họ. 

Những chú chó đang thưởng thức bữa ăn tại Pet Dining Mamma ở Songpa-gu, phía đông Seoul  ẢNH: JUNG MIN-KYUNG (The Korea Herald)
Những chú chó đang thưởng thức bữa ăn tại Pet Dining Mamma ở Songpa-gu, phía đông Seoul - Ảnh: Jung min - Kyung  (The Korea Herald)

Theo Viện Kinh tế nông thôn Hàn Quốc, quy mô ngành công nghiệp liên quan đến thú cưng của đất nước này hiện được định giá là 4.600 tỉ won, dự kiến sẽ tăng lên 6.000 tỉ won vào năm 2027.

Một báo cáo do Viện Thương mại quốc tế công bố vào năm 2022 cho biết: “Xu hướng của thị trường chăm sóc thú cưng toàn cầu hiện nay là “nhân bản hóa thú cưng”, nghĩa là đối xử với thú cưng như một thành viên trong gia đình. Điều này đã thúc đẩy sự phát triển của công nghệ thú cưng như sử dụng internet và trí tuệ nhân tạo trong chăm sóc thú cưng. Các dịch vụ thú y sáng tạo cũng tiếp tục phát triển để cung cấp chẩn đoán và điều trị nhanh hơn”.

Trong tổng số 50 triệu dân của đất nước Hàn Quốc (tính đến cuối năm 2020) có 14,48 triệu người nuôi thú cưng. Điều này có nghĩa cứ 4 người thì có 1 người nuôi thú cưng. Chó là vật nuôi phổ biến nhất, chiếm 80,7% số hộ gia đình nuôi thú cưng, tiếp theo là mèo với 25,7%. 

Chiếc áo khoác bằng vải nằm trong bộ sưu tập dành cho thú cưng của Gucci - ẢNH: INTERNET
Chiếc áo khoác bằng vải nằm trong bộ sưu tập dành cho thú cưng của Gucci - Ảnh: Internet 

Đấu tranh vì quyền nghỉ phép khi... thú cưng bị ốm

Ngày nay, đối với những người yêu động vật, thú cưng được xem như một thành viên trong gia đình. Vì vậy, chủ của chúng mong muốn được nghỉ phép khi những “người bạn lông xù” bị ốm. Tuy nhiên, các công ty ở Nhật Bản hầu như chưa áp dụng chế độ “nghỉ phép cho thú cưng”.

Mako Kawai - một cư dân Tokyo - đã tham gia một sự kiện kết nối dành cho những người yêu chó được tổ chức vào ngày 26/5 tại thủ đô của Nhật Bản, cùng với chú chó Maui. Khi còn nhỏ, Maui thường xuyên bị cảm lạnh và lần nào Kawai cũng phải xin nghỉ phép. 

Một số chủ sở hữu chó có mặt tại sự kiện ngày 26/5 đã bày tỏ rằng nếu công ty cho nghỉ phép vì thú cưng, họ sẽ không cảm thấy có lỗi về việc này.

Dữ liệu từ MoneySuperMarket tiết lộ rằng những người nuôi thú cưng ở Anh chi gần 500 bảng Anh (620 USD) 1 năm cho thú cưng của họ, từ quần áo, giường ngủ sang trọng đến đồ chơi và thức ăn ngon, với 7/10 người sẵn sàng chi nhiều hơn để mua những thứ xa xỉ cho thú cưng hơn là cho chính họ.

Chén ăn cho thú cưng được bọc bằng da cừu của thương hiệu Céline ẢNH: CÉLINE
Chén ăn cho thú cưng được bọc bằng da cừu của thương hiệu Céline - Ảnh: Ce'line

Một trong những nguyên nhân của xu hướng này là do trào lưu nuôi thú cưng (đặc biệt là chó) ngày càng phát triển trong thời gian phong tỏa do đại dịch COVID-19. Theo số liệu từ UK Pet Food, 3,2 triệu hộ gia đình ở Anh đã mua thú cưng kể từ khi bắt đầu đại dịch. 

Một yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến xu hướng trên là tác động của “petfluencers” - những người có ảnh hưởng đến thú cưng trên mạng xã hội. Jenny Tsai - người sáng lập và Giám đốc điều hành của giải pháp hiệu quả dành cho người có ảnh hưởng WeArisma - cho biết: “Thị trường thú cưng ở Vương quốc Anh được định giá 5,9 tỉ bảng Anh. 37% người Anh nói rằng sẽ mua sản phẩm cho chó dựa vào những đề xuất trên các nền tảng như TikTok và Instagram”.

Theo Jenny, đây là những kênh tiếp thị quan trọng của các thương hiệu xa xỉ như Gucci, Céline và Moncler với phân khúc dành cho thú cưng. Kể từ đầu năm 2022, những thương hiệu này đã tạo ra giá trị truyền thông là 4,8 triệu USD và hơn 3,1 triệu lượt tương tác trên các mạng xã hội đối với những thiết kế xa xỉ dành cho thú cưng.

Thụy Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI