Khi thông tin đúng, COVID-19 khó "giấu mặt"

05/08/2020 - 19:50

PNO - Có lẽ chống dịch hiệu quả nhất là dựa vào dân, nhưng khi người dân không có được thông tin đúng hoặc thống nhất thì làm sao có thể hỗ trợ cơ quan chức năng phòng dịch hiệu quả?

Sáng 5/8, trong bản tin phát đi của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của UBND tỉnh Quảng Nam thông báo về 2 trường hợp dương tính với COVID-19, trong đó 1 trường hợp liên quan đến Bệnh viện Bình An (Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), nâng tổng số người có liên quan đến bệnh viện này là 5 người.

Thế nhưng, ngay sau đó, Ban truyền thông của Bệnh viện Bình An đã có văn bản, khẳng định: báo chí đã đưa tin sai đối với 2 trường hợp là bệnh nhân 591 và 592. Con số 5 người liên quan tới bệnh viện này là không đúng.

Trong khi người dân cùng các ban ngành liên quan nỗ lực chống dịch, thì một số nơi vẫn sợ rằng, có bệnh nhân nhiễm COVID-19 sẽ mang tai tiếng
Người dân không chỉ cần thông tin nhanh và phải chính xác

Chúng tôi lật lại những báo cáo do tiểu ban truyền thông tỉnh Quảng Nam gửi báo chí vào những ngày trước, về các trường hợp dương tính để kiểm tra. Và, ghi nhận theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh Quảng Nam cụ thể như sau: trường hợp bệnh nhân thứ 626, nữ, 38 tuổi, ở khối phố Xuyên Đông (Đình An cũ), thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. “Ngày 18/7/2020, chị vào chăm mẹ chồng (bệnh nhân thứ 524, lúc này chưa phát hiện mắc COVID-19) đang điều trị tại Bệnh viện Bình An, thị trấn Nam Phước”…

Trường hợp 2 là bệnh nhân thứ 627: nam, 46 tuổi, ở tổ 4, khối phố Xuyên Đông, thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên, Quảng Nam. “Lúc 21g ngày 21/7, anh cùng với 2 con gái đến Bệnh viện Bình An thăm mẹ (lúc này bệnh nhân thứ 524 nhập viện tại đây và chưa phát hiện bệnh COVID-19)”… 

Trường hợp 3 là bệnh nhân thứ 671: nam, 33 tuổi, ở thôn Phú Nham, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, làm thợ hồ… 16g ngày 22/7, bệnh nhân được xuất viện Bệnh viện Đà Nẵng về lại Bệnh viện Bình An - Duy Xuyên bằng taxi (không rõ biển số, tài xế). Tại Bệnh viện Bình An, bệnh nhân được chuyển lên phòng 204, khoa Đông y lúc 17g.

Trường hợp 4 là bệnh nhân thứ 592: nữ, sinh năm 1920, ở thôn Nam Thành, Duy Trung, Duy Xuyên, Quảng Nam. Theo báo cáo ghi, vào lúc 7g ngày 22/7, cụ bà vào khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bình An (trong thời gian từ 18 - 24/7, bệnh nhân L.T.D. 86 tuổi - ca 524 đang điều trị tại bệnh viện này được chuyển đi nhiều khoa như: Cấp cứu, khoa Nội, khoa Đông y. Bệnh nhân 524 đã tử vong ngày 2/8). Đến 9g, cụ bà được cho đi chụp phim, siêu âm, xét nghiệm và nhập viện tại phòng 508, khoa Nội, còn bệnh nhân 524 có lúc nằm ở phòng 505 và 507.  Khi nằm viện, cụ bà có tiếp xúc với con cháu đến thăm. 

Trường hợp 5 là bệnh nhân thứ 591: nữ, sinh năm 1957, trú tại Lang Châu Nam, Duy Phước, Duy Xuyên. Vào lúc 9g ngày 26/7, bà sốt nên đến Bệnh viện Bình An, thị trấn Nam Phước khám bệnh, được hướng dẫn chụp phim, xét nghiệm máu, siêu âm, sau đó nhận thuốc về nhà. 

Tất cả đều được trích theo văn bản mà Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Quảng Nam đã gửi báo chí.

Dù thế nào thì mục đích đầu tiên và duy nhất cho đến hiện tại chính là hạn chế đến mức tối đa việc lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng
Thông tin nhanh và chính xác sẽ giúp công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả cao

Trong văn bản mà Bệnh viện Bình An gửi đi có nêu: trường hợp bệnh nhân thứ 591 không có lịch sử khám bệnh tại Bệnh viện Bình An vào lúc 9g ngày 26/7 như báo chí đã cung cấp.

Đối với bệnh nhân thứ 592, chỉ điều trị 1 đợt duy nhất tại Bệnh viện Bình An từ ngày 22/7 đến 26/7 (từ cấp cứu lên Khoa Nội tại phòng 508). Trong khoảng thời gian này người bệnh chưa có yếu tố nguy cơ và không có lịch trình chuyển Khoa Đông y để điều trị; ngày 26/7 đến ngày 27/7, bệnh nhân được chuyển từ phòng 508 đến phòng 507 của Khoa Nội, khoảng thời gian này người bệnh mới có yếu tố nguy cơ (cùng phòng với bệnh nhân 524).

Ông Nguyễn Thành Phi - Giám đốc Bệnh viện Bình An cho rằng, có nhiều người đi khám ở các phòng khám cạnh bên, khác bác sĩ nhưng cứ bảo là đến bệnh viện này khám chữa bệnh nên có sự nhầm lẫn!?

Như vậy, vấn đề cần làm rõ ở đây: nếu đúng như Bệnh viện Bình An cung cấp thông tin có nghĩa là Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Quảng Nam sai. Đồng nghĩa với đó là khả năng chưa rõ có bao nhiêu F1 bị bỏ sót ngoài cộng đồng bởi bệnh nhân thứ 591 và 592 đã di chuyển không theo hướng như trong báo cáo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Quảng Nam.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam khẳng định: "Lịch trình di chuyển của 2 bệnh nhân này mà ngành chức năng thu thập được là tuyệt đối không sai".

Vậy ai là người đã không cung cấp đúng thông tin thực? Nếu Ban chỉ đạo của tỉnh Quảng Nam không sai thì tại sao Bệnh viện Bình An lại phải “chấn chỉnh” những thông tin được Ban chỉ đạo cung cấp cho báo chí? 

Hệ thống chính trị, người dân đang chung sức chống dịch. Chưa biết ai đúng, ai sai trong chuyện này, nhưng cái người dân cần nhất lúc này không chỉ thông tin nhanh mà còn chính xác. Có lẽ chống dịch hiệu quả nhất là dựa vào dân, nhưng khi người dân không có được thông tin đúng hoặc thống nhất thì làm sao có thể hỗ trợ cơ quan chức năng phòng dịch hiệu quả?  

Nguyễn Dương

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI