|
Chị Nguyễn Thúy (ngụ TP Hà Nội) mệt mỏi vì thường xuyên nhận tin nhắn, cuộc gọi điện thoại rác do lộ lọt thông tin cá nhân - Ảnh: Anh Ngọc |
“Trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường”
Đang làm việc ở cơ quan, chị V.T. (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) nhận được cuộc gọi từ số máy lạ với giọng gấp gáp, tự xưng là shipper (người giao hàng). Người này đọc rõ tên họ, địa chỉ chung cư và kêu chị xuống tầng trệt lấy hàng. Khi nghe chị báo không có ở nhà, người này nói đã gửi lại hàng ở quầy bảo vệ và yêu cầu chị chuyển tiền vào tài khoản.
Do đã đọc nhiều lời cảnh báo về các hành vi lừa đảo, chị V.T. yêu cầu cung cấp tên cửa hàng, sản phẩm để kiểm tra nhưng người này trả lời quanh co một hồi rồi tỏ thái độ khó chịu, nói sẽ “bố thí” luôn tiền ship. Thực tế, khi đi làm về, chị không nhận được gói hàng nào. Xem lại một số đơn hàng đặt mua gần đây, chị thấy không có khoản tiền nào trùng khớp với số tiền được thông báo chuyển khoản ở trên. Ngoài vụ lừa đảo bất thành này, mỗi ngày, chị phải tiếp nhận cả chục cuộc điện thoại từ các số lạ quảng cáo về nhà đất, chứng khoán, các khóa học cho trẻ em hay bảo hành máy lọc nước.
Không may mắn thoát lừa như chị T., ông H.N. (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) bị lừa lấy toàn bộ số tiền tích cóp được. Cụ thể, ông nhận được cuộc gọi điện thoại tự xưng cán bộ công an phường nơi ông đang sinh sống, yêu cầu chuyển toàn bộ tiền tiết kiệm trong ngân hàng sang một tài khoản khác để phục vụ công tác điều tra.
Ông N. là cán bộ tổ dân phố, từng tham gia tuyên truyền cho cư dân về một số hành vi lừa đảo trên mạng xã hội nhưng vẫn bị thao túng tâm lý và sập bẫy lừa. Chẳng hạn, kẻ lừa đảo xưng họ tên trùng khớp với một cán bộ công an phường, đọc chính xác số tiền tiết kiệm mà ông đang có trong ngân hàng. Sau khi chuyển tiền, ông N. mới bừng tỉnh, trình báo công an thì tiền đã bị chiếm đoạt hết.
Thông tin cá nhân bị mua bán công khai
|
Tình trạng nhận cả chục tin nhắn, cuộc gọi từ kẻ lạ mỗi ngày là khá phổ biến đối với nhiều chủ thuê bao điện thoại di động ở Việt Nam - Ảnh: Anh Ngọc |
Chị V.T., ông H.N. đều có chung băn khoăn: “Sao người lạ lại biết rõ họ tên, số điện thoại, địa chỉ của người dân để quấy rầy, lừa đảo? Tại sao chúng lại nắm được những thông tin thuộc dạng bí mật - như số tiền đang có trong tài khoản ngân hàng - để lên kịch bản lừa đảo?”. Theo một chuyên gia an ninh mạng, đó là do sự bất cẩn, sơ suất của các cá nhân, cộng với sự tiếp tay của những tổ chức, cá nhân chuyên thu thập, mua bán thông tin, dữ liệu cá nhân trên không gian mạng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên mạng xã hội Facebook, có nhiều nhóm mua bán thông tin cá nhân, mỗi nhóm có hàng chục ngàn thành viên, như “Kho data khách hàng tiềm năng”; “Data khách hàng tiềm năng”, “Data khách hàng”, “Mua bán data khách hàng tiềm năng”... Trên nhóm, người ta rao bán đủ loại dữ liệu khách hàng theo nhu cầu của người mua, gồm dữ liệu về học sinh, người đi làm, người có khoản tiền lớn trong ngân hàng, giám đốc doanh nghiệp, chủ đầu tư chung cư, thậm chí người có vấn đề sinh lý. Ngoài số điện thoại, số căn cước công dân, các thành viên còn mua bán ảnh chụp 2 mặt căn cước công dân.
|
Thông tin cá nhân bị rao bán tràn lan trên mạng - Ảnh chụp màn hình Facebook |
Trên nhóm “Data khách hàng tiềm năng” (27.000 thành viên), tài khoản Long Nguyễn quảng cáo: “Mình có data (dữ liệu) khách giàu, chủ doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên toàn quốc đầy đủ thông tin tên, di động, ngày sinh, email, căn cước, vốn, thông tin công ty, khu vực... Cho test (kiểm tra) trước thoải mái, nhận data trước khi thanh toán, lọc theo yêu cầu”. Đăng kèm theo đó là hình ảnh một số thông tin của cá nhân trong kho dữ liệu với tên doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp, mã ngành, số điện thoại di động, email, chức vụ, số căn cước công dân, ngày sinh, vốn điều lệ công ty, mã số thuế, địa chỉ...
Trong vai chủ một trung tâm tiếng Anh cần mua dữ liệu học sinh, phụ huynh học sinh, chỉ vài phút, chúng tôi nhận được tin nhắn báo giá của hàng chục tài khoản. Một tài khoản tên T. cho hay, giá bán sỉ (trên 1.000 số điện thoại) là 350 đồng/số có kèm tên tuổi của phụ huynh và học sinh, giá dưới 1.000 số là 400 đồng/số. Tài khoản T.A. quảng cáo, có số điện thoại của học sinh 56 trường ở TP Hà Nội, có thể lọc độ tuổi theo nhu cầu của khách hàng, giá 500 đồng/số. Một tài khoản khác khẳng định, có số điện thoại của học sinh khắp nước, sẵn sàng “bao check” cho khách hàng trước khi thanh toán.
Sớm ngăn chặn hành vi làm lộ, mua bán thông tin
Ông Nguyễn Minh Chính - Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) - cho biết, tình trạng làm lộ thông tin, mua bán dữ liệu cá nhân đang diễn ra phổ biến, công khai, gồm cả dữ liệu thô và dữ liệu đã qua xử lý.
Hồi tháng 3/2024, cục đã phối hợp với công an các tỉnh Phú Yên, Bình Dương triệt phá đường dây chuyên thu thập, sử dụng thông tin cá nhân để mua bán, mở tài khoản ngân hàng trực tuyến trái phép. Tháng 10/2024, Công an tỉnh Tuyên Quang cũng khởi tố kẻ mua bán hơn 800.000 dữ liệu cá nhân của hơn 60.000 người.
Theo ông, khi thông tin cá nhân bị lộ, kẻ xấu có thể lợi dụng thông tin này để lừa đảo hoặc chiếm quyền điều khiển các tài khoản mạng xã hội. Kẻ xấu cũng có thể dùng số căn cước công dân, số bảo hiểm xã hội, số thẻ tín dụng, mật khẩu bị lộ để mạo danh, thực hiện hành vi phạm tội dưới danh nghĩa của người khác. Người bị lộ thông tin có thể bị nợ tín dụng đen, chịu trách nhiệm pháp lý cho những hành vi mà mình không thực hiện. Những thông tin cá nhân nhạy cảm như hình ảnh, video riêng tư bị lộ có thể bị chia sẻ trên mạng xã hội, gây ra những hậu quả xấu. Các tổ chức để lộ thông tin cá nhân của khách hàng có thể làm giảm lòng tin của khách hàng, có thể mất khách hàng và doanh thu.
Trong kỳ họp thứ tám đang diễn ra, Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật Dữ liệu. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần có quy định bảo vệ quyền riêng tư và thông tin cá nhân. Theo đại biểu Trình Lam Sinh (tỉnh An Giang), tình trạng làm lộ, lọt thông tin đã khiến số vụ lừa đảo gia tăng: “Tôi không hiểu sao kẻ lạ lại có đầy đủ tên tuổi, số điện thoại, công việc, chức vụ của tôi để nhiều lần gọi điện thoại đe dọa nhằm lừa đảo. Họ biết cả việc tôi thanh toán tiền điện, tiền nước cho nhà mình và nhà cha mẹ mình. Nghĩa là những thông tin này có thể đã bị lọt ra ngoài”. Ông kiến nghị, luật nên có điều khoản giao Chính phủ quy định chi tiết các hành vi bị cấm, nhằm ngăn chặn kịp thời tình trạng làm lộ, lọt thông tin, mua bán thông tin.
Đại biểu Đào Chí Nghĩa (TP Cần Thơ) kiến nghị, dự thảo Luật Dữ liệu phải quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc áp dụng các biện pháp bảo mật thông tin, dữ liệu. Mặt khác, phải có chế tài nghiêm khắc đối với các vi phạm liên quan đến công tác bảo mật dữ liệu. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu dữ liệu cá nhân bị rò rỉ hoặc bị đánh cắp do sơ suất trong quá trình bảo mật.
Nhà nhà thu thập thông tin cá nhân Hiện nay, có hiện tượng “nhà nhà thu thập thông tin cá nhân”. Tôi đi thay kính cận, người ta cũng hỏi tên, tuổi, địa chỉ, nghề nghiệp. Họ tư duy theo hướng có thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu khách hàng mà chưa hiểu rằng, về mặt pháp luật, khi thu thập thông tin thì phải xin phép, phải có hệ thống bảo mật an toàn thông tin, có quy chế nội bộ để khai thác... Do đó, cần phổ biến Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, trong đó nêu rõ trách nhiệm của những người thu thập thông tin cá nhân. Năm 2023 và 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức nhiều đoàn thanh tra về việc bảo vệ dữ liệu cá nhân và phát hiện nhiều sai sót. Chúng tôi đã công bố rộng rãi các sai phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, từ đó nhắc nhở mọi doanh nghiệp là phải làm đúng quy định pháp luật khi thu thập thông tin. Hiện nay, chúng ta đã có Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng và nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Sắp tới, nghị định này sẽ được nâng cấp thành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông |
Không được mua bán dữ liệu cá nhân dưới mọi hình thức Theo Bộ Công an, trong hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam, chỉ có Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2024 đưa ra định nghĩa về dữ liệu cá nhân và bảo vệ dữ liệu cá nhân, chưa có văn bản luật nào quy định về vấn đề này. Do đó, Chính phủ đã xây dựng dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân và lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân. Trong tờ trình xây dựng luật, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho hay, trên thực tế, có nhiều tổ chức, doanh nghiệp thu thập thừa dữ liệu cá nhân so với yêu cầu của ngành nghề, sản phẩm, dịch vụ kinh doanh, thiếu cơ sở pháp lý khi thu thập dữ liệu cá nhân, không xác định được các luồng xử lý dữ liệu; thu thập, xử lý dữ liệu cá nhân mà chưa có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu. Dự thảo luật quy định, không được mua, bán dữ liệu cá nhân dưới mọi hình thức. Dự thảo cũng có điều khoản quy định, tùy theo mức độ, cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự. Việc xử lý dữ liệu cá nhân của khách hàng để kinh doanh dịch vụ tiếp thị phải được sự đồng ý của khách hàng, trên cơ sở khách hàng biết rõ nội dung, phương thức, hình thức, tần suất giới thiệu sản phẩm. |
Có thể bị phạt tù nếu tiết lộ bí mật đời tư Theo khoản 37, điều 1, Nghị định 14/2022/CP-NĐ, tổ chức làm lộ bí mật đời tư của người khác trên mạng xã hội mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị xử phạt vi phạm hành chính 20-30 triệu đồng và buộc phải gỡ bỏ thông tin; cá nhân có hành vi như trên thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức. Theo điều 159 Bộ luật Hình sự năm 2015, tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác có thể bị phạt tù tới 3 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5-20 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1-5 năm. Luật sư Trần Hoàng Vũ - Giám đốc Công ty luật AEC, TP Hà Nội Anh Ngọc (ghi) |
Minh Quang