Khi thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng đến thói quen mua sắm

05/10/2024 - 06:33

PNO - Theo quan niệm thông thường, mùa nóng là thời điểm thuận lợi cho tiêu dùng. Nhu cầu về đồ uống lạnh thường tăng cao, chưa kể đến các phụ kiện làm mát và các sản phẩm chăm sóc da. Trong khi đó, chi tiêu liên quan đến du lịch thường tăng vọt khi người tiêu dùng tham gia lễ hội hoặc tìm kiếm những địa điểm tránh nóng. Tuy nhiên, ở Nhật Bản, điều này chỉ đúng vào một thời điểm nhất định.

Năm ngoái, khi Nhật Bản trải qua nhiệt độ cao kỷ lục, chuỗi siêu thị Maruyasu đã giới thiệu chương trình mōsho-wari hay “giảm giá khi thời tiết nắng nóng” để thu hút những người mua sắm không muốn ra khỏi nhà dưới ánh nắng gay gắt.

Một nhân viên đang phun nước để làm mát  trước cửa hàng
Một nhân viên đang phun nước để làm mát trước cửa hàng

Vào những ngày dự báo nhiệt độ cao nhất của Yahoo! Weather tại những khu vực có 1 trong 7 cửa hàng Maruyasu ở Tokyo và tỉnh Saitama lân cận vượt quá 35 độ C tính đến 9g sáng, các cửa hàng sẽ giảm giá dựa trên chữ số cuối cùng của nhiệt độ, nếu là 35 độ C sẽ giảm 5%; nếu là 37 độ C sẽ giảm 7%…

Yukiko Matsui - 1 trong 2 người sáng lập doanh nghiệp chuyên bán các sản phẩm giảm giá sắp hết hạn hoặc có bao bì bị hư hỏng nhằm giải quyết tình trạng thất thoát thực phẩm - cho biết: “Chúng tôi đã phát động chiến dịch tương tự vào mùa hè này để thu hút lượng khách hàng đang giảm. Nếu chúng tôi không làm gì đó thì các cửa hàng của chúng tôi sẽ trở nên vắng khách vì mọi người không ra ngoài mua sắm trong thời tiết nóng bức này”.

Thói quen chi tiêu thay đổi

Các nghiên cứu gần đây cho thấy thói quen chi tiêu có thể thay đổi khi nhiệt độ tăng đến mức không thể chịu đựng, khiến khách hàng không muốn rời khỏi ngôi nhà có máy lạnh. Thêm vào đó, tần suất ngày càng tăng của những trận mưa rào cục bộ, đột ngột được gọi là “mưa rào du kích” và cường độ ngày càng mạnh của các cơn bão theo mùa đang tạo ra một mô hình mới cho người tiêu dùng Nhật Bản.

Ryo Takesawa - 43 tuổi, một cư dân Tokyo và là cha của một đứa trẻ mới biết đi - cho biết anh đã hạn chế đi đến các cửa hàng và siêu thị vào ban ngày trong kỳ nghỉ để tránh cái nóng oi ả. “Điều đó cũng gây nguy hiểm cho con tôi” - anh nói.

Từ tháng 4 - 10/2023, tổng cộng 1.232 cảnh báo say nắng đã được Cơ quan Khí tượng Nhật Bản và Bộ Môi trường ban hành trên toàn quốc. Những cảnh báo này được ban hành khi nhiệt độ cầu ướt (WBGT) - một chỉ số được sử dụng để đo các yếu tố nhiệt như nhiệt độ, độ ẩm và nhiệt bức xạ - vượt quá 33 độ C.

Bắt đầu từ năm nay, một cảnh báo say nắng “đặc biệt” đã được đưa ra khi chỉ số WBGT dự kiến đạt 35 độ C hoặc cao hơn tại tất cả các điểm giám sát trong một tỉnh, cho thấy tình trạng nắng nóng chưa từng xuất hiện có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, nghĩa là không ra ngoài trừ khi thực sự cần thiết. Cho đến nay, chưa có cảnh báo tương tự được đưa ra.

Một người  giao hàng nghỉ ngơi bên lề đường.  Đơn đặt hàng giao đồ ăn có xu hướng tăng khi mưa rào buổi chiều ập đến
Một người giao hàng nghỉ ngơi bên lề đường. Đơn đặt hàng giao đồ ăn có xu hướng tăng khi mưa rào buổi chiều ập đến

Yoshiki Shinke - chuyên gia kinh tế cấp cao tại Viện Nghiên cứu Dai-ichi Life - nói rằng, cho đến những năm gần đây, mùa nóng nực vẫn được coi là yếu tố tích cực cho việc tiêu dùng. Nhưng đó là khi chúng ta đang trải qua những mùa hè tương đối ôn hòa. “Nhiệt độ cực cao có thể gây ra những tác động tiêu cực, nhất là khi dự báo thời tiết đã được cải thiện đáng kể về độ chính xác và chính phủ đang tích cực cảnh báo người dân về nguy cơ say nắng” - ông nhấn mạnh.

Một trong những khoản chi tiêu chính đè nặng lên các hộ gia đình trong mùa nóng là hóa đơn tiền điện. Khi những chi phí này tăng lên, mọi người có xu hướng cắt giảm các khoản chi tiêu khác, dẫn đến việc tiêu thụ chậm lại. Giá rau và ngũ cốc thiết yếu tăng cũng có thể kìm hãm sức mua, làm giảm thêm mức tiêu thụ chung và tác động tiêu cực đến tâm lý người tiêu dùng.

Nhiệt độ cực cao có ảnh hưởng nhiều đến tổng chi tiêu?

Một nghiên cứu vào năm 2021 được công bố trên Tạp chí Thời tiết, Khí hậu và Xã hội đã phân tích gần 1 triệu hồ sơ mua hàng từ Trung Quốc, xem xét mối liên hệ giữa nhiệt độ và lượng thức ăn tiêu thụ, phát hiện rằng nhiệt độ tăng 1 độ C sẽ khiến lượng thức ăn tiêu thụ giảm 0,11%, tương đương với 4,2 triệu USD chi tiêu cho thực phẩm hằng ngày trên toàn quốc.

Trong khi đó, một báo cáo do các nhà nghiên cứu Yoshiaki Hachiya và Kyouka Haga (Viện Nghiên cứu hình thành vốn của Ngân hàng Phát triển Nhật Bản) công bố vào tháng 11/2023 chỉ ra rằng nhiệt độ cực cao có tác động đáng chú ý hơn đến hành vi của người tiêu dùng ở Nhật Bản so với tổng chi tiêu. Hachiya và Haga đã phân loại những ngày nóng thành “những ngày cực kỳ nóng” (với nhiệt độ tối đa là 35 độ C hoặc cao hơn), “những ngày rất nóng” (nhiệt độ từ 30-35 độ C) và “những ngày bình thường” (nhiệt độ dưới 30 độ C).

So sánh chi tiêu tiêu dùng, họ thấy rằng chi tiêu cho trái cây, kem và đồ uống tăng vào những ngày cực nóng so với những ngày rất nóng và bình thường. Trong khi đó, mọi người có xu hướng tránh các hoạt động giải trí ngoài trời trong thời tiết quá nóng. Vào những ngày đó, phí chơi gôn giảm nhưng phí tham quan các cơ sở văn hóa như bảo tàng tăng. Ví dụ, con trai của Hachiya là thành viên câu lạc bộ bóng đá của trường nhưng việc luyện tập vào mùa hè này thường xuyên bị dừng lại khi nhiệt độ đạt đến mức không thích hợp cho các môn thể thao ngoài trời.

Tuy nhiên, khi xem xét tổng chi tiêu, con số là 6.703 yên vào những ngày cực kỳ nóng, 6.518 yên vào những ngày rất nóng và 6.529 yên vào những ngày bình thường. “Nói cách khác, nhiệt độ cực cao không dẫn đến sự tăng hoặc giảm rõ ràng trong tổng mức tiêu thụ. Thay vào đó, nó gây ra những thay đổi trong các loại mặt hàng và sản phẩm mọi người chi tiêu” - Hachiya lý giải.

Một đứa trẻ che mặt khi đi dạo  ở khu Ginza, Tokyo vào một ngày nắng
Một đứa trẻ che mặt khi đi dạo ở khu Ginza, Tokyo vào một ngày nắng

Dựa trên dữ liệu về việc sử dụng thẻ tín dụng theo loại ngành tại khu vực Tokyo từ năm 2019 đến 2023, Hiệp hội Thời tiết Nhật Bản đã phân tích tác động của điều kiện thời tiết hằng ngày đến mức tiêu dùng.

Ví dụ, trong quý I-III, lượng mưa hằng ngày tăng 10mm đã dẫn đến mức giảm khoảng 6% trong mức tiêu thụ hằng ngày tại các trung tâm mua sắm, công viên giải trí, cửa hàng bách hóa, siêu thị, hiệu thuốc, cửa hàng quần áo… Trong khi đó, lượng mưa hằng ngày tăng 10mm đã dẫn đến mức tăng từ 8 - 10% trong tiêu dùng lĩnh vực vận tải và giao thông (chủ yếu là taxi) và dịch vụ lưu trú (chủ yếu là khách sạn).

Domino's Japan - chuỗi cửa hàng pizza lớn nhất cả nước - cho biết khối lượng giao hàng tăng trong những ngày mưa lớn. Ayumi Matsubara - Giám đốc điều hành tại Domino's Nhật Bản - cho hay: “Khi trời mưa, mọi người có xu hướng ở nhà, dẫn đến nhu cầu dịch vụ giao hàng tăng cao và nhiều đơn giao hàng hơn so với mua mang về”.

Dù mưa hay nắng, thời tiết khắc nghiệt đang làm gián đoạn hành vi mua sắm theo những cách chưa từng có, sẽ tác động đến thị trường tiêu dùng trong nhiều năm tới khi điều kiện thời tiết khắc nghiệt trở nên bình thường.

Thụy Ngọc - Ảnh: Johan Brooks

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI