Khi thơ vẫn lặng lẽ chờ tri âm

09/09/2023 - 07:19

PNO - Thi ca như mạch ngầm vẫn chảy mạnh mẽ trong dòng chảy chung của văn học nghệ thuật, thế nhưng điều đó lại không tỉ lệ thuận với sức lan tỏa.

Thời gian qua, Hội Nhà văn TPHCM tổ chức rất nhiều buổi giao lưu, ra mắt tác phẩm của nhiều nhà thơ. Trường ca, tác phẩm in riêng hay tuyển tập thơ đều được giới thiệu. Nhờ thế, bạn đọc được gặp lại những người thơ của thế hệ trước: nhà thơ Trúc Phương với tập trường ca đồ sộ Từ hai phía mặt trời, nhà thơ Hoài Vũ trở lại cùng Thì thầm với dòng sông, nhà thơ Quang Chuyền vừa có buổi ra mắt tập Thơ và đời…

Nhiều tác phẩm thơ ra mắt nhưng rất ít tác phẩm có cơ hội lan tỏa
Nhiều tác phẩm thơ ra mắt nhưng rất ít tác phẩm có cơ hội lan tỏa

Mới đây, Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM tổ chức buổi giao lưu, ra mắt tuyển tập Tình thơ một thuở (với các nhà thơ Hồ Thi Ca, Lương Minh Cừ, Trương Nam Hương, Lê Thị Kim và Lê Minh Quốc) tại Đường sách TPHCM. Trước đó, nhiều tuyển tập thơ cũng có những buổi ra mắt, chủ yếu trong không gian ấm cúng của quán cà phê và người tham dự hầu hết là bạn thơ với nhau. 

Thi ca như mạch ngầm vẫn chảy mạnh mẽ trong dòng chảy chung của văn học nghệ thuật, thế nhưng điều đó lại không tỉ lệ thuận với sức lan tỏa. Sự đọc lẫn nhau, những lời khen ngợi, những tôn vinh chủ yếu diễn ra trong vòng bè bạn văn chương. Con đường đến với công chúng của thi ca không được rộng mở như văn xuôi hay nhiều thể loại khác của văn học nghệ thuật. Đó thực sự là điều rất đáng tiếc.

Tuyển tập thơ Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân) có nhiều bài hay. Đặc biệt có thể nhắc đến bài Đất Nước của nhà thơ Nam Hà - một người lính từng chiến đấu ở chiến trường miền Đông. “Đất Nước bốn ngàn năm không nghỉ/ Những đạo quân song song cùng lịch sử/ Đi suốt thời gian/ Đi suốt không gian…; Đất Nước của những câu chuyện đều làm ta rưng rưng nước mắt/ Đã trở thành bài ca không bao giờ tắt/ Trên con đường mỗi thôn xóm ta qua/ Từ non ngàn cho tới biển xa…”.

Trường ca Từ hai phía mặt trời của nhà thơ Trúc Phương như một sử thi về Trái đất và loài người, với rất nhiều cảm xúc và thi tứ: “Một nén hương trầm mây khói cũ/ Cổ nhân nghìn thuở biệt tương hề…; Bài tình ca hát vào nhau là những ngọn gió hoang/ Rụng vào giấc ngủ của người nằm xuống…”.

“Những câu thơ vang lên chứa một vẻ đẹp u huyền. Những bài thơ lục bát của nhà thơ Quang Chuyền đã đặt ông vào những nhà thơ viết lục bát xuất sắc trong các nhà thơ đương đại” - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nhận định về tác phẩm Thơ và đời.

Tầm vóc của nhà thơ Hoài Vũ được thể hiện qua sự tôn vinh ông và tác phẩm trong chương trình thơ - nhạc “Thì thầm với dòng sông”. Thơ hay có thể ở lại rất lâu trong lòng người đọc. Nhưng bất luận là những giá trị cao đẹp, nhân văn cùng vẻ đẹp của ngôn từ, thi tứ, thơ vẫn cứ chìm khuất. Ngược lại, dễ lan tỏa và chia sẻ nhanh chóng trên mạng xã hội lại là thơ… dở, gây cười hoặc dễ trở thành đề tài châm biếm của cộng đồng. Việc “thơ chỉ để tặng” một thời gian dài trở thành ý niệm mặc định trong lòng công chúng cũng vô tình làm giảm giá trị của thi ca.

Khi mọi thứ đều thay đổi, chuyển động thì thơ vẫn lặng lẽ chờ tri âm. Con đường thơ phải đi là đâu, giữa thời đại công nghệ với mạng xã hội, rất nhiều ứng dụng, nền tảng phục vụ chuyển đổi số, nhanh chóng tạo xu hướng (trend), lan truyền nhanh (viral)? Câu trả lời dành lại cho người làm thơ cùng người yêu thơ, thay cho sự mong chờ… 

Song Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI