Khi thế giới của trẻ trở nên trống rỗng...

26/04/2025 - 20:38

PNO - Chỉ đến khi những đứa trẻ lần lượt chọn cách rời bỏ thế giới này, những bậc làm cha mẹ mới giật mình tự hỏi: vì đâu?

Những đứa trẻ vừa lớn với thế giới trống rỗng trước mắt (Ảnh minh họa)
Những đứa trẻ vừa lớn với thế giới trống rỗng trước mắt (ảnh minh họa)

Khi thế giới trở nên trống rỗng

Nhiều nghiên cứu tâm lý đã được thực hiện chỉ để giúp người ta bóc tách từng lớp những tầng sâu bí mật trong thế giới kín bưng của lứa tuổi teen - tuổi “khó ở” nhất trong đời.

Thế nhưng, cho dù có nghiên cứu kỹ càng ra sao, nếu người lớn không có sự thấu hiểu, cảm thông, đứa trẻ của họ buộc phải tự xoay trở trong thế giới sâu thẳm của chúng.

Những đứa trẻ lỡ bị thương tổn, chúng sẽ lấy thương tổn của chính mình để làm tổn thương người khác. Hoặc chúng sẽ tự tay kết thúc mọi thứ.

Lâu nay, người ta vẫn mặc định tuổi dậy thì là tuổi nổi loạn. Lứa tuổi của những hành động và suy nghĩ bồng bột, dễ bị kích động, bị hấp dẫn bởi những thứ thiếu lành mạnh nhưng nội tâm lại vô cùng phức tạp.

Người ta chỉ ra hàng loạt lý do để chứng minh cho những hành vi “kỳ cục” của bọn trẻ: áp lực điểm số, bị ba mẹ kỳ vọng quá mức, bị gia đình bỏ rơi, bị bạn bè xa lánh, cô lập, không được công nhận, không được lắng nghe, không được trao quyền, không được chia sẻ, thiếu niềm tin… Nhưng người ta vẫn mãi chưa thể làm được gì để ngăn những đứa trẻ tìm cách trốn chạy khỏi cuộc sống này.

Trong cuốn “Trồng một người cha, gieo lên người mẹ”, nhà báo Hoàng Anh Tú cho rằng: Trong đầu của những đứa trẻ tuổi teen, kể cả cái chết cũng dễ như một tin nhắn gửi bạn “Nhảy nhé!”, rồi nhảy.

“Có nhiều đứa trẻ đến việc tâm sự với người khác cũng không. Chúng giữ rịt nỗi niềm trong lòng, biến nó thành vết thương sâu thẳm, mưng mủ, đến tận 30 - 40 tuổi vẫn không lành lại được, nếu chúng không chết ở tuổi 16”.

Những đứa trẻ vừa lớn luôn có một niềm tin mãnh liệt rằng chúng làm được mọi thứ, kiểu như “siêu nhân”. Nhưng ai sẽ cho chúng thành “siêu nhân”? Tuổi này, trẻ có phần lệch lạc khi hiểu về giá trị của bản thân.

Trong mắt chúng, giá trị của chúng đang bị định đoạt bởi người lớn: chúng sẽ không làm được gì nếu ba mẹ ngừng chu cấp, lo lắng, ngừng nuôi dưỡng. Đồng nghĩa với việc chúng như “tầm gửi” và mất quyền tự quyết.

Với những đứa trẻ không giỏi, không có vẻ ngoài hoàn hảo, không có tài năng, áp lực về giá trị bản thân càng nặng nề hơn khi chúng sử dụng mạng xã hội. Sự lấp lánh của bạn đồng trang lứa trong thế giới ảo khiến các em có cảm giác mình bị lu mờ, và thế là càng thu mình lại.

Một khi niềm tin và hy vọng của đứa trẻ bị cự tuyệt, nó như cái bong bóng đang căng phồng chỉ chực nổ bùm. Mọi thứ trước mắt con chỉ còn là sự trống rỗng.

Sự trống rỗng ngày càng lớn dần, đến mức chúng có thể bước vào đó, như bước vào thế giới khác mà không cần một sự công nhận nào về bản thân chúng nữa.

Vậy, đâu là thứ “vật liệu” để “trám” nỗi trống rỗng của con, và lấp đầy bằng cách nào?

Hiện diện - món quà và “vật liệu” quý giá

Có một câu chuyện nhỏ làm tôi nhớ mãi. Cậu bé nọ hỏi ba của em rằng một ngày làm việc của ông giá bao nhiêu tiền, để cậu lấy hết tiền nuôi heo mua một ngày của ba? Cậu nhóc khao khát sự hiện diện của người ba, dù chỉ một ngày.

Và sau này, là chuyện của chính con gái tôi. Năm đó, con tôi học mầm non, tôi đi làm nên nhờ chị gái đưa đón bé. Hôm ấy, cô giáo gọi cho tôi rất trễ, hỏi sao không thấy người nhà đón bé, cả trường đã về hết, chỉ còn mình cô và chú bảo vệ. Tôi điện cho chị gái. Chị xin lỗi rối rít vì đang kẹt công việc, chưa về đón bé kịp. Con tôi gần như bị bỏ rơi, vì cô giáo cũng không thể chờ, cô còn con nhỏ ở nhà.

Tối đó con không khóc, nhưng cũng không nói năng vui đùa như ngày thường. Tôi thắt lòng nhìn con, mới tí tuổi, con đã phải kiên nhẫn chờ đợi trong nỗi sợ hãi.

Sự hiện diện của ba mẹ chính là vật liệu quý giá trám thế giới trống rỗng của con kịp thời (Ảnh minh họa)
Sự hiện diện của ba mẹ chính là "vật liệu" quý giá "trám" thế giới trống rỗng của con kịp thời (Ảnh minh họa)

2 chuyện ám ảnh tôi, là nguồn cơn khiến tôi lui về làm việc tự do để dành toàn bộ thời gian cho những đứa con. Lựa chọn nào cũng phải trả giá. Thu nhập giảm hơn một nửa, nhưng sự hiện diện đã giúp tôi “lời” về tình thương và sự an toàn gần như tuyệt đối của con. Chỉ cần nhìn thấy con bình an, vui vẻ đi qua đoạn đường trưởng thành, tôi thấy nhẹ lòng.

Khi con lớn, tôi ra quy ước với con: mẹ chỉ có thể đồng hành cùng con đến giai đoạn này. Từ đây về sau, mẹ chỉ hiện diện bên con, không phải đồng hành 24/24 nhưng là hiện diện bất cứ khi nào con cần. Con càng ngày càng lớn, cũng cần những khoảng trời riêng để “thở”. Còn tôi, tôi cần thời gian để hoàn thành những dự định dang dở. Con có thể nhắn tin, nhờ vả, xin trợ giúp, hỏi ý kiến, cần lời khuyên... tất tần tật mọi thứ mà không phải kiêng dè.

Lớp con có một cô bé có vấn đề về tâm lý. Con nói, nếu bạn nào lỡ nói đến những từ ngữ mà bạn ấy không thích, bạn sẽ “phản ứng cực mạnh” bằng việc lao vào túm tóc, đánh, chửi tục, đe dọa... Có hôm, bạn xõa tóc rũ rượi đứng chắn trước cửa nhà vệ sinh nữ của trường vào giờ nghỉ trưa, khiến các bạn gái một phen sợ “hú vía”. Thầy chủ nhiệm mời phụ huynh cô bé lên trao đổi để giải pháp nhưng gần hết năm học, phụ huynh vẫn bặt tăm.

Nghe con kể mà tôi thực sự lo lắng và thương cô bé ấy. Lẽ nào, phụ huynh đã quên mất họ có một đứa con cần để mắt, để tâm?

Và ngoài kia, còn bao nhiêu ba mẹ đã và đang “lỡ” quên sự hiện diện của mình bên con, cho đến khi thế giới trống rỗng đã kề bên đôi chân run rẩy của con mình.

Khi đó, “vật liệu” có dư thừa cũng không còn cách nào “trám” kịp cái thế giới trống rỗng kia nữa!

Trà An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI