Khi thành tích học tập không đi đôi với cơ hội việc làm

18/04/2023 - 05:57

PNO - Việc cha mẹ tạo áp lực lên con cái để chúng học và thi thật tốt, giành suất vào các trường học danh tiếng là điều phổ biến ở châu Á. Tuy nhiên, với tỉ lệ thất nghiệp cao như hiện nay, có vẻ như kết quả học tập đã không còn là tiêu chí quan trọng nhất đối với nhà tuyển dụng.

 

Học sinh nhiều nước châu Á đang chịu áp lực học tập rất lớn từ gia đình (ảnh minh họa)
Học sinh nhiều nước châu Á đang chịu áp lực học tập rất lớn từ gia đình (Ảnh minh họa)

Phụ huynh, học sinh đều mệt mỏi

Theo Christian Davies - Trưởng văn phòng tại Seoul, Hàn Quốc của tờ Financial Times - áp lực cực độ mà cha mẹ đặt lên vai con cái, yêu cầu chúng đạt điểm cao trong các bài kiểm tra nhằm đảm bảo suất vào các trường danh tiếng là một chủ đề phổ biến ở xứ sở kim chi.

Những nỗ lực trước đây nhằm kiểm soát nạn gia sư riêng và người dạy thêm ở Hàn Quốc chỉ thành công một phần. Các học viện tư nhân - tiếng Hàn gọi là “hagwon” - đã bị cấm từ những năm 1980 nhưng lệnh cấm này không thể được thực thi do nhu cầu khổng lồ từ phụ huynh. Năm 2008, Hàn Quốc quy định thời gian hoạt động tối đa cho các học viện là từ 5 - 22g. Nhưng 5 năm sau, vẫn có nhiều báo cáo về việc học sinh đến những nơi này sau 22g để tiếp tục học cho đến 2g sáng, trước khi quay trở lại trường vào ngày hôm sau.

Ye-seul (29 tuổi) đã trải nghiệm hệ thống hagwon với vai trò là học sinh, giáo viên và sau đó là người đồng sáng lập một học viện. Cô giải thích rằng có một vòng tròn về áp lực. Khi đứa trẻ không thể đạt được những kỳ vọng của gia đình, cha mẹ sẽ quở trách giáo viên, giáo viên sẽ tạo áp lực lên đứa trẻ và đứa trẻ quay trở lại oán trách cha mẹ. Điều này kéo theo tỉ lệ tự tử gia tăng ở thanh thiếu niên Hàn Quốc.

Có lần, cô Ye-seul thấy học sinh thông minh nhất lớp của cô đứng trên mái nhà của học viện, định kết liễu cuộc đời. Dù chăm chỉ và sáng tạo, em luôn phải vật lộn với các bài kiểm tra và khi không vào được các trường đại học danh giá, mẹ em nhẫn tâm nói cậu không đáng giá bằng bộ quần áo đang mặc trên người.

Việc chạy theo các thành tích học tập cũng đang gây ra các vấn đề mang tính hệ thống rộng lớn hơn. Chi phí cho lớp học ngoài giờ là một trong những lý do dẫn đến tỉ lệ sinh thấp kỷ lục của Hàn Quốc. Thống kê của chính phủ cho thấy, số tiền chi cho các học viện tư nhân ở Hàn Quốc đạt kỷ lục 20 tỉ USD vào năm 2022, tăng 10,8% so với năm 2021.

Sự bất bình đẳng cũng trở nên trầm trọng hơn khi các gia đình giàu có thuê những gia sư giỏi và cho con học ở những trường luyện thi tốt nhất. Cô Ye-seul nhận định, điều trớ trêu nhất là nỗi ám ảnh về các bài kiểm tra tiêu chuẩn - vốn được đưa ra để đảm bảo tuyển sinh công bằng - lại khiến những đứa trẻ rơi vào một cuộc đua đầy bất công.

Cần kinh nghiệm hơn bằng cấp

Tại Trung Quốc, chính phủ đã cấm các lớp học tư nhân nhằm khuyến khích trẻ em tận hưởng thời gian vui chơi. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh nói lệnh cấm không giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Họ lập luận rằng chừng nào hệ thống trường học vẫn còn mang tính cạnh tranh cao, trẻ em sẽ phải dành thời gian cho việc học.

Khi sinh viên Trung Quốc bước vào trường đại học, họ cảm thấy như quay trở lại bầu không khí căng thẳng của năm cuối cấp, với nhiều người thậm chí không thể kết bạn vì bận học. Điều này dẫn đến việc sinh viên lựa chọn khóa học không phải vì đam mê hoặc nhu cầu tuyển dụng, mà là khóa học giúp họ đạt điểm cao như kỳ vọng của cha mẹ, có được bằng cấp từ một trường đại học hàng đầu…

Thực tế, thị trường việc làm của Trung Quốc hiện đã tràn ngập những người tìm việc không thành công. Yang Yang - vừa tốt nghiệp năm 2022 từ Trường đại học Hồng Kông danh tiếng - chia sẻ: “Tôi đã gửi gần 100 hồ sơ xin việc nhưng đến nay vẫn chưa nhận được đề nghị phỏng vấn nào”.

Theo khảo sát của nhà cung cấp dịch vụ nhân sự trực tuyến Moka, vào kỳ tuyển dụng mùa thu năm 2022, khoảng 45% sinh viên mới tốt nghiệp không nhận được lời mời làm việc nào. Các công ty chứng khoán được coi là một trong những nhà tuyển dụng hấp dẫn nhất đối với sinh viên mới tốt nghiệp, nhưng họ muốn những ứng viên có kinh nghiệm hơn là bằng cấp.

Ngược lại, sinh viên tốt nghiệp trường dạy nghề như thợ hàn và sửa ống nước lại thuận tiện hơn khi tìm việc, với 95% tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp. Một báo cáo gần đây từ Viện Khoa học xã hội Trung Quốc kết luận: “Tỉ lệ thất nghiệp gia tăng cho thấy sự không phù hợp giữa việc mở rộng các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và loại công việc mà thanh niên mong muốn, đặc biệt là ở nhóm những người có trình độ học vấn cao”. 

Linh La

(theo Financial Times, Nikkei Asia, SCMP, Bloomberg)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI