Mang hình dáng USB, cây bút nên phụ huynh khó phát hiện
Ngày 27/12, tại TPHCM, trong hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá, bà Nguyễn Thị Thu Hương - Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá Bộ Y tế - cảnh báo, nữ giới hút thuốc lá điện tử từ giai đoạn 2014-2021 đã tăng từ 0,2 lên 0,8%. Tỉ lệ hút thuốc lá điện tử ở học sinh tại Việt Nam từ năm 2019-2021 tăng từ 2,6% lên 3,5%. Trong đó, học sinh nam hút thuốc lá điện tử tăng từ 3,6% lên 4,3% và ở học sinh nữ từ 1,5% lên 2,8%.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Hoàng - giảng viên Trung tâm Giáo dục y học Trường đại học Y Dược TPHCM - nghiên cứu cho thấy độ tuổi sử dụng thuốc lá điện tử nhiều nhất là từ 15-24 tuổi (73%). Bác sĩ Hoàng còn cho biết: “Nếu học sinh hút thuốc lá điện tử thì phụ huynh không thể phát hiện, bởi nó không có mùi thuốc lá và được trá hình dưới hình dạng như một chiếc USB hay cây bút chì”.
|
Thuốc lá điện tử có hình dáng USB hay cây bút nên phụ huynh khó phát hiện |
Bác sĩ Hoàng kể về một bệnh nhân cai nghiện thuốc lá của mình. Cậu này 21 tuổi, hút thuốc lá điện tử từ 8 năm về trước. Chi phí của em cho thuốc lá điện tử mỗi tháng lên tới 20 triệu đồng. Khi không đủ tiền cho thuốc lá điện tử nữa thì em đành chuyển qua hút thuốc lá điếu. Thấy con ngày càng sa lầy vào thuốc lá, ảnh hưởng về sức khỏe và kinh tế nên mẹ đã đưa em tới gặp bác sĩ để bắt đầu lộ trình cai thuốc. Cậu tâm sự mình đến với thuốc lá điện tử vì nghĩ nó không hại như thuốc lá điếu, không gây nghiện, ngoài ra cầm thuốc lá điện tử nhìn rất sành điệu. Sự thật lại hoàn toàn trái ngược, cậu chẳng thể ngờ mình nghiện thuốc lá điện tử lúc nào không biết.
Liên quan tới thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử, chị P.T.M.L. - ngụ tại quận 7 - chia sẻ mình bị nhà trường mời lên gặp vì con trai 16 tuổi hút thuốc lá điện tử trong nhà vệ sinh của trường. Nghe tin này chị L. vô cùng bất ngờ bởi ở nhà không hề thấy con hút thuốc, hay phát hiện con có thuốc lá điện tử. Hóa ra con trai chị L. giấu thuốc lá điện tử được trá hình như một chiếc USB để trong hộp bút. Chị L. cũng chưa từng nhìn thấy sản phẩm thuốc lá điện tử nên không thể biết được. Sau đó, cậu bé thú thật với mẹ rằng mình đã sử dụng thuốc lá điện tử được một năm. Mỗi tuần, cậu hút hết 1 chai tinh dầu (mua trên mạng) với giá 250.000 đồng.
Những khái niệm bị đánh tráo
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hoàng, sau 10 năm Việt Nam nỗ lực phòng chống tác hại của thuốc lá thì tỉ lệ hút thuốc lá ở thanh thiếu niên có giảm, thế nhưng lại đang có sự chuyển hướng từ thuốc lá điếu sang thuốc lá kiểu mới, trong đó có thuốc lá điện tử. Nguyên nhân chính bởi những khái niệm bị đánh tráo.
|
Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá Bộ Y tế - cho rằng, Việt Nam nên cấm thuốc lá điện tử ẢNH: THANH HUYỀN |
Thuốc lá kiểu mới chia làm 3 loại là thuốc lá nhẹ, thuốc lá nung nóng và thuốc lá điện tử. Đối với thuốc lá nhẹ, điếu thuốc lá nhỏ hơn, hàm lượng nicotin thấp hơn và có mùi hương như mùi thảo mộc, bạc hà… Nhiều người nghĩ rằng chuyển từ thuốc lá điếu thông thường sang thuốc lá nhẹ giúp họ cai thuốc lá. Họ tin tưởng khi hút loại này sẽ ít hại hơn thuốc lá điếu truyền thống. Điều này hoàn toàn sai lầm. Không có chuyện dùng thuốc lá nhẹ cai được thuốc lá. Điếu thuốc bình thường chứa từ 1 - 2mg nicotin. Còn điếu thuốc lá nhỏ sẽ chứa khoảng 0,5mg nicotin. Đối với người đang hút loại thuốc lá điếu truyền thống thì chỉ cần rít nhẹ là đạt được lượng nicotin cơ thể đang đòi hỏi. Tuy nhiên, khi chuyển qua loại thuốc lá điếu nhỏ họ sẽ phải rít mạnh hơn mới đạt được lượng nicotin đang cần, từ đó khói đi vào phổi sẽ nhiều hơn, sâu hơn và gây hại hơn.
Tiếp đến, thuốc lá nung nóng được quảng cáo là không đốt cháy ở nhiệt độ cao như thuốc lá điếu truyền thống nên ít gây hại. Điều này là không chính xác. Thuốc lá điếu truyền thống là dạng sợi, còn thuốc lá nung nóng bản chất vẫn là sợi thuốc lá được nghiền ra thành bột. Thuốc lá điếu truyền thống khi đốt cháy nhiệt độ khoảng 6000C, còn thuốc lá nung nóng nhiệt độ chỉ từ 250-3000C. Tuy nhiên, cần hiểu thuốc lá khi đốt cháy sẽ có 3 luồng hơi. Hơi đầu tiên là độc hại nhất vì các chất chưa cháy hoàn toàn tạo ra khí CO thay vì CO2. Luồng hơi thứ hai được hít vào và sau đó luồng hơi thứ ba được phả ra. Như vậy, không phải nhiệt độ đốt cháy thuốc lá thấp hơn sẽ ít độc hại hơn.
Cuối cùng là thuốc lá điện tử, tưởng vô hại mà hại không tưởng. Thuốc lá điện tử tạo ra hơi sương (chất lỏng hóa hơi) thay vì được đốt nhiệt như thuốc lá điếu, thuốc lá nung nóng. Khi ta hít phải luồng hơi nóng thì hệ hô hấp sẽ có phản xạ ho. Thế nhưng đối với làn hơi sương của thuốc lá điện tử thì hệ hô hấp không hề bị kích thích, khó chịu. Thế nên thuốc lá điện tử dễ gây nghiện nhất trong tất cả dạng thuốc lá và tỉ lệ hút thuốc lá điện tử thụ động cũng cao nhất.
Ngoài những ảnh hưởng về sức khỏe đối với hệ hô hấp, tim mạch, não bộ do thuốc lá điện tử gây ra thì giới trẻ còn phải đối mặt với các hiểm họa khác như sản phẩm bị pha trộn ma túy trá hình, cháy nổ pin, hút phải những loại tinh dầu làm giả, làm nhái…
Nên cấm thuốc lá điện tử Một người để nghiện thuốc lá điếu thì mỗi ngày phải hút 1 gói trong vòng 3 năm. Thế nhưng thuốc lá điện tử dễ dàng gây nghiện hơn rất nhiều, đối tượng chính sử dụng loại thuốc lá này lại là thế hệ thanh thiếu niên, tương lai của đất nước. Bà Nguyễn Thị Thu Hương và bác sĩ Nguyễn Hữu Hoàng cho rằng giải pháp tốt nhất là Việt Nam nên cấm thuốc lá điện tử. “Chúng ta không thể kiểm soát được thuốc lá điện tử. Chúng ta mất 10 năm nỗ lực để tỉ lệ hút thuốc lá điếu giảm nhưng bây giờ nếu không ngăn cấm thuốc lá điện tử thì bao công sức thời gian qua sẽ đổ sông đổ biển”, bác sĩ Hoàng nhấn mạnh. |
Thanh Huyền