Chạy đua giữa năng lực y tế và sự lan truyền dịch
Người mẹ 81 tuổi của anh N.T. (quận 1, TPHCM) bị mắc COVID-19, được chuyển vào Bệnh viện Hồi sức COVID-19 ở TP. Thủ Đức vào hôm 14/7 - ngay trong những ngày đầu nhận bệnh của trung tâm chuyên về hồi sức COVID-19 1.000 giường của TPHCM. Anh N.T., 55 tuổi, cũng đã mắc COVID-19 cách đây bảy ngày. Tại Bệnh viện Điều trị COVID-19 Lê Văn Việt, sau những cơn ho rát cổ, anh tìm cách liên lạc để hỏi thăm sức khỏe mẹ nhưng vẫn không biết được cụ thể.
Hiện tại, những bác sĩ, điều dưỡng giỏi nhất tại các bệnh viện lớn ở TPHCM đang được chi viện đến Bệnh viện Hồi sức COVID-19. Mục tiêu như tuyên bố của lãnh đạo Sở Y tế TPHCM, là sẽ cứu lấy mạng sống của những trường hợp nguy kịch.
|
Tiêm vắc xin được xem là cách hiệu quả nhất để chiến thắng dịch COVID-19 - Ảnh: Tam Nguyên |
Mẹ của anh N.T. là một trong số 20.411 trường hợp đang được chăm sóc tại các cơ sở y tế ở TPHCM.
Trong hơn một tháng qua (tính từ ngày 15/6 - đợt bùng phát dịch trong cộng đồng), TPHCM đã liên tục chuyển đổi công năng từ các bệnh viện, ký túc xá, chung cư thành cơ sở tiếp nhận người mắc COVID-19. Hiện có 10 bệnh viện dã chiến thu dung (tiếp nhận), 15 bệnh viện điều trị, cùng một bệnh viện hồi sức COVID-19 quy mô 1.000 giường.
Trong nhiều ngày qua, hàng loạt các bác sĩ, điều dưỡng của các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế tại TPHCM đã chia thành từng tốp nhỏ chi viện cho khắp các bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19.
Bác sĩ Lê Quang Mỹ, Khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 2, chia sẻ vui: 21 ngày với 800 người tiếp xúc gần F1 vừa qua là bài test căng thẳng và mình đã vượt qua. Bài test thứ hai còn khó hơn, đó là một bệnh viện dã chiến với 5.000 người mắc COVID-19.
Lần trước, mái tóc của bác sĩ Lê Quang Mỹ được cạo sạch. Lần này, anh hy vọng, kết thúc 21 ngày đối đầu với virus corona, tóc mình chắc sẽ dài ra như trước kia.
20.000 ca nhiễm, dự báo đến sớm
Số ca mắc COVID-19 tính đến ngày 15/7 là hơn 20.000 người, một dự báo đến quá sớm so với thông tin từ các nhà khoa học đưa ra vào cuối tháng 6/2021.
Ngày 1/7, TPHCM công khai kết quả dự báo COVID-19 của nhóm nghiên cứu từ Đại học Fulbright (gồm tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, là trưởng nhóm; tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu y khoa Woolcock tại Việt Nam, giảng viên cao cấp Trường đại học Sydney, Úc, và các cộng sự là các nhà nghiên cứu người Việt trong và ngoài nước).
Với kịch bản 1 (áp dụng Chỉ thị 10 trong hai tuần tháng Bảy và sau đó nới lỏng dần), tổng số ca của cả đợt dịch là khoảng 11.000 ca. Số giường bệnh dự kiến là 7.000. Kể từ đầu tháng Tám, chỉ còn rải rác vài ca/ngày. Dịch sẽ kết thúc vào cuối tháng 8/2021.
Với kịch bản 4 (áp dụng Chỉ thị 16 trong một tuần, kể từ cuối tháng Sáu, đầu tháng Bảy, sau đó nới lỏng dần), tổng số ca của cả đợt dịch là khoảng 7.000 - 10.000 ca. Số giường bệnh dự kiến là 7.000. Kể từ đầu tháng Tám, chỉ còn rải rác vài ca/ngày. Dịch sẽ kết thúc vào giữa tháng 8/2021.
Theo nhận định của tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, số ca nhiễm tại TPHCM hiện đang tăng theo cấp số nhân, với tốc độ tăng trưởng trung bình trong tuần là 10%/ngày, cao gấp 1,5 lần so với ba tuần trước đó. Ông cho rằng, khi TPHCM chạm ngưỡng 20.000 ca, số trường hợp nặng có thể lên đến hơn 600, số ca nguy kịch cần phải dùng đến ECMO có thể 30 người, cao gấp đôi so với số ECMO hiện có của thành phố.
Ông cũng cho rằng, số ca nhiễm sẽ không dừng lại ở đây. Theo một số dự báo khác nhau, số lượng người mắc COVID-19 tại thành phố có thể tăng đến 30.000 người vào tuần cuối của tháng Bảy và 40.000 người trong đầu tháng 8/2021.
Chuẩn bị sẵn sàng cho 50.000 ca nhiễm
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), TPHCM đang trải qua hai đợt dịch: từ ngày 26/5 đến 14/6 với sự bùng phát của chuỗi dịch truyền giáo Phục hưng và từ ngày 15/6 đến nay với nhiều chuỗi dịch trong cộng đồng. Đặc biệt, từ ngày 1/7 đến nay gồm 17.987 ca ghi nhận trong 15 ngày, trung bình mỗi ngày phát hiện 1.199 ca. Từ 6g ngày 14/7 đến 6g ngày 15/7, TPHCM ghi nhận 2.017 trường hợp dương tính SARS-CoV-2, phần lớn là khu vực cách ly và khu vực phong tỏa.
Các trường hợp có triệu chứng đi khám ở các cơ sở y tế với tổng số ca phát hiện 2.769 ca, cao điểm ngày 6/7 là 373 ca. Điều này cho thấy, tác nhân gây bệnh đã có ở khắp thành phố và số ca bệnh trong vùng phong tỏa ngày càng tăng nhanh, cần phải có những biện pháp quyết liệt để kiểm soát dịch bệnh.
Sở Y tế TPHCM thậm chí đã “chuẩn bị tâm lý” cho trường hợp 50.000 người mắc COVID-19. Ngày 15/7, Sở Y tế TPHCM đã kêu gọi sự chung tay của toàn ngành y vào chống dịch. Theo đó, bệnh viện đa khoa, chuyên khoa khẩn trương xây dựng phương án “bệnh viện tách đôi”, với một nửa dành để tiếp nhận người mắc COVID-19; đảm bảo hai khu vực tách biệt và có cổng đi riêng. Bệnh viện phải hoàn thiện kế hoạch và sẵn sàng kích hoạt.
Với cuộc chiến chống COVID-19, lãnh đạo TPHCM đã thay đổi nhiều chiến lược cho kịp thời với tình hình mới.
Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thu Anh cho biết, bà có nhận được các ý kiến cho rằng dự báo của nhóm nghiên cứu là chưa sát với tình hình tại TPHCM. Theo bà, kịch bản kết thúc dịch vào cuối tháng Tám là kịch bản tốt, tuy nhiên, đây là dự báo có điều kiện. Nghĩa là nếu TPHCM thực hiện nghiêm Chỉ thị 10 thì dịch sẽ hết trong tháng Tám hoặc đầu tháng 9/2021.
Song, trên thực tế, trong thời gian thực hiện chỉ thị này, các hoạt động tụ tập vẫn diễn ra, khiến virus SARS-CoV-2 phát tán rất nhanh. Thậm chí, khi đang thực hiện Chỉ thị 16, vẫn còn tồn tại những hoạt động có nguy cơ lây lan dịch.
|
Hiếu Nguyễn