edf40wrjww2tblPage:Content
Thà chết chứ không cho mổ
Tại giường số 10 khoa Hồi sức tích cực - chống độc nhi, Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, bé trai Trần Vũ H. (18 tháng tuổi, ngụ xã Tân Phú Trung, H.Củ Chi, TP.HCM) bắt đầu uống được sữa, không còn co giật từng cơn vì bệnh uốn ván. Ống thở đã được rút khỏi cơ thể và bé đã tự thở bằng miệng. Vậy mà cách đây không lâu, cha mẹ bé đã cự tuyệt bác sĩ (BS), đòi đưa con về nhà để chờ chết.
Trước đó, bé H. được người nhà lấy ráy tai, chẳng may bị thủng màng nhĩ và một tuần sau đó, bé đang bình thường bỗng dưng bỏ bú, khi khóc miệng há rất nhỏ. Vài ngày sau, bé bắt đầu xuất hiện vài cơn co gồng. Khi bé nhập viện BV Đa khoa khu vực Củ Chi, các BS chẩn đoán bé bị uốn ván và được chuyển tiếp lên BV Bệnh Nhiệt đới. Ngay ngày đầu nhập viện, H. đã phải đặt nội khí quản, hỗ trợ thở máy.
Các BS tiên lượng vài ngày nữa, bé H. sẽ rơi vào giai đoạn toàn phát. Lúc đó, các cơ bị co cứng rõ ràng hơn như: co thắt cơ họng và thanh quản gây khó nuốt, khó thở; trong cơn giật, bệnh nhân (BN) có thể tím tái do suy hô hấp, có thể rách cơ, cứng thanh quản, co thắt họng gây ngạt và tử vong đột ngột, có thể biến chứng lên phổi gây suy hô hấp, xẹp phổi, nghẽn mạch phổi, trụy tim mạch, suy tim, tắc mạch, xẹp đốt sống…
Đúng như dự tính, sau đó bệnh nhi rơi vào giai đoạn uốn ván toàn phát. Lúc này, các BS thông báo cho gia đình bệnh nhi rằng phải tiểu phẫu mở một đường nhỏ ở cổ để giúp bé thở tốt hơn, tránh liệt cơ hô hấp gây tử vong. Thế nhưng, ba mẹ bé H. đã đòi “quậy” BV nếu mổ ở cổ bé. Dù các cô y tá, hộ lý khuyên giải nhưng gia đình vẫn đòi đưa bé về nhà, “thà chết chứ không mổ”.
BS Phan Tứ Quí, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc nhi cho biết: “Có lẽ người nhà bệnh nhi sợ con đau nên không cho mổ, không hiểu phác đồ điều trị của bệnh phải thích ứng với từng giai đoạn. Ngay khi hay tin người nhà bệnh nhi không hợp tác, tôi phải thuyết phục gia đình bé H. Sau đó một giờ, gia đình bệnh nhi đã đồng ý để BS cứu người. Thế nhưng, sau năm phút ký vào giấy đồng ý mổ ở cổ, ba mẹ bé H. lại tìm gặp các điều dưỡng hăm dọa, đòi lại giấy đã ký và không muốn mổ. Lúc này chúng tôi tiếp tục vận động nhưng bất thành, đành nhờ công an vào cuộc thì gia đình mới để mổ nhưng tỏ vẻ ấm ức”.
Bé H. khi còn nằm điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới
Cuộc thuyết phục kéo dài 5 ngày
Cũng nhờ sự quyết liệt của BS mà ông Phạm Văn Tr. (74 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) mới sống đến ngày nay. Chiều cuối năm Giáp Ngọ, khi BS Nguyễn Tế Kha, Phó khoa Niệu A, BV Bình Dân TP.HCM gọi điện thoại hỏi thăm sức khỏe, giọng ông Tr. vui mừng cho biết khỏe mạnh. Vậy mà 10 năm trước, khi ông Tr. đến BV Bình Dân khám chứng đi tiểu lắt nhắt về đêm, các BS phát hiện ông bị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn sớm.
Mới cầm kết quả xét nghiệm, chưa kịp gặp BS điều trị tư vấn, ông Tr. đã lủi thủi rời khỏi BV. BS Kha cho biết: ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn sớm vốn “hiền lành” và tiến triển chậm, chỉ cần điều trị đúng cách như phẫu thuật cắt triệt để tuyến tiền liệt tận gốc qua nội soi ổ bụng thì BN có thể khỏi bệnh và sống khỏe mạnh như người bình thường.
Phẫu thuật này phức tạp nhưng có thể thực hiện thành công với tỷ lệ rất cao tại khoa Niệu, BV Bình Dân. Sau mổ, BN không cần hóa trị, xạ trị. Nếu không điều trị sớm, ung thư di căn sẽ diễn tiến, đặc biệt là tâm lý người bệnh sẽ làm bệnh suy sụp nhanh hơn.
“Để tránh người bệnh hiểu sai về bệnh tình, tôi đã lục hồ sơ bệnh án, tìm địa chỉ của người bệnh và gọi vào số điện thoại liên hệ để khuyên BN. Đồng thời, tôi phát hiện BN này thường làm công tác từ thiện, hay tham gia các hoạt động cộng đồng nên nhờ một số BN từng làm việc chung với ông Tr. để cùng động viên ông đến BV điều trị. Cuối cùng, ông Tr. mới chịu đến gặp BS để cắt bỏ tuyến tiền liệt. Bây giờ, ông Tr. vẫn xét nghiệm đều đặn ở BV Bình Dân, kết quả các xét nghiệm tầm soát và theo dõi ung thư ở mức độ khỏi bệnh”.
Kịch tính hơn là trường hợp của bà Trần Thị B. (70 tuổi, ngụ H.Củ Chi, TP.HCM). Bà B. nhập viện trong tình trạng sốc nhiễm trùng, nhiễm độc do thận phải ứ mủ vì có sỏi. BN đã hôn mê và bị cùng lúc nhiều bệnh nền kết hợp như tiểu đường, cao huyết áp, suy tim đến viêm phổi.
Để thoát lưu ổ mủ nhiễm trùng, các BS chỉ định phải thực hiện tiểu phẫu mở thận qua da khoảng 1-2cm để đưa ống thông vào thận dẫn mủ ứ đọng ra ngoài, giúp giảm bớt tình trạng nhiễm trùng, nhưng người nhà của BN nhất quyết không đồng ý. Họ cho rằng bệnh của bà đã quá nặng, chỉ nên điều trị nội khoa; còn nếu phẫu thuật sẽ có nguy cơ tử vong trên bàn mổ.
Cùng lúc, BS Kha vừa thuyết phục người nhà vừa cho BN sử dụng các loại kháng sinh, kháng viêm mạnh nhất để duy trì tính mạng. Sau năm ngày hồi sức nội khoa tích cực cùng với sự giải thích cặn kẽ của các BS, các con của bà mới đồng ý cho phẫu thuật. Sau 80 ngày điều trị, bà B. đã tỉnh táo, chính thức thoát khỏi án tử và trở về với cuộc sống bình thường.
Còn nước còn tát
BS Phan Tứ Quý băn khoăn: nếu gặp những trường hợp cấp cứu hoặc những ca BN bị người nhà bỏ rơi, không có người thân thì luật vẫn cho BS tự quyết định điều trị.
Thế nhưng, với những ca cần điều trị để thoát khỏi án tử nhưng người nhà không đồng ý với chỉ định của BS, buộc BS phải nhờ cơ quan chức năng can thiệp, chứ bản thân BS hay BV không thể tự xử lý. Trong y khoa thường có những rủi ro, BS không dám khẳng định 100% ca bệnh sẽ được cứu sống; do đó nếu người nhà không đồng ý thì ai sẽ bảo vệ BS?
Vì vậy, với những trường hợp bệnh có nguy cơ tiến triển nặng, BS và ban lãnh đạo BV sẽ tư vấn và thuyết phục người nhà trước, tránh trường hợp để đến khi BN rơi vào nguy kịch mới thương lượng thì có khi cấp cứu không kịp.
BS Nguyễn Tế Kha trăn trở: khi điều trị cho người bệnh, BS chỉ có quyền đưa ra chỉ định. Nếu BN tỉnh táo thì BS chỉ cần sự đồng ý của người bệnh để phẫu thuật; nhưng nếu BN đã rơi vào tình trạng hôn mê thì phải có sự đồng ý của người nhà. Nếu không được đồng ý mà tự phẫu thuật, chẳng may BN tử vong thì chắc chắn BS đó sẽ bị kiện tụng, nhất là những ca thập tử nhất sinh.
“Nhiều trường hợp BN nhập viện trong tình trạng ngưng tim ngưng thở, tưởng chừng sẽ chết nhưng cuối cùng chúng tôi vẫn cứu sống thành công. Do đó, khi gặp một ca bệnh nặng, nhất là những ca đứng giữa lằn ranh sống chết thì đòi hỏi người nhà, BN phải đồng lòng cùng BS hướng tới mục tiêu “còn nước còn tát”. Để có được điều này, BN và người nhà phải có niềm tin vào cuộc sống và khát khao được sống, chứ bản thân BS không bao giờ từ chối điều trị cho người bệnh dù chỉ còn 1% hy vọng” - BS Kha chia sẻ.
VĂN THANH