Những đợt mưa, bão lớn vừa qua đã khiến những rừng dương - được xem là tấm khiên cản gió bão cho các xã biển của tỉnh Thừa Thiên - Huế bị triều cường cuốn đi khá nhiều, mở đường cho sóng biển chạm tới thềm nhà. Biết nguy hiểm nhưng người dân ven biển vẫn phải bám đất, giữ làng.
|
Rừng phi lao ven biển xã Đức Minh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi ngày càng xác xơ do bị chiếm nuôi tôm, trồng rau… nên mất dần chức năng chắn gió bão - Ảnh: Lê Đình Dũng |
Động cát không còn, rừng dương biến mất
Dẫn tôi đi dọc bờ biển xã Phú Thuận, huyện Phú Vang sau những ngày mưa lũ, ánh mắt lão ngư Ngô Đức Trật - ở thôn An Dương 1, xã Phú Thuận - đượm buồn khi nhìn rừng dương liễu được bà con dân làng An Dương chăm chút hai mươi năm qua giờ chỉ còn lác đác những gốc cây to, nằm lấp ló trên thảm cát.
Ông Trật kể, người dân làng An Dương vẫn an toàn qua mỗi trận bão tố và có được cuộc sống ấm no như hôm nay cũng nhờ rừng dương ven biển chắn gió. Nhưng rồi, cứ sau mỗi trận bão, rừng dương càng thưa thớt, triều cường được dịp lấn sâu thêm vào đất liền.
“Không biết răng (sao) nữa chú nờ. Xưa giờ có khi mô (nào) như năm ni (nay), thời tiết khắc nghiệt quá. Sau đợt bão, lụt vừa rồi, triều cường dâng cao làm rừng dương sạt lở cách bờ biển hơn 10m, bà con thôn An Dương rất lo lắng, nhất là những hộ ở gần miếu thờ cá ngài” - ông Trật thở dài.
Xã biển Phú Thuận có biển hở, phía ngoài không có vịnh bao quanh. Người dân nơi đây sống bằng nghề chài lưới, buôn bán nước mắm. Dù đã xây bờ kè chắn sóng nhưng những ngày gần đây, tình trạng biển nuốt đất đang diễn ra nghiêm trọng, kéo dài hơn 5km qua các thôn An Dương 1, An Dương 2, An Dương 3 của xã Phú Thuận.
Tại thôn An Dương 1 nằm ở đầu múi kè chống sạt lở Phú Thuận, tình trạng sạt lở diễn ra mạnh nhất, nước biển lấn sâu vào đất liền hơn 5m với tổng chiều dài 400m, ảnh hưởng trực tiếp 30 hộ dân và làm hàng trăm cây dương nhiều năm tuổi trên bờ bị bứng gốc, bị kéo xuống biển.
|
Người dân thôn An Dương 1, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang lo biển nuốt nhà |
Ở đầu múi kè, liên tục có sóng lớn và triều cường làm nhiều động cát bị sạt. Theo báo cáo của UBND xã Phú Thuận, có gần 4.300 hộ dân sinh sống gần bờ biển bị sạt lở, trong đó, có 600 hộ bị ảnh hưởng. “Lo lắng đến mất ăn mất ngủ chú ơi. Mưa bão càng lúc càng nhiều và nặng hơn, sạt lở gần tới nhà rồi. Chắc ít bữa nữa, nhà sập thôi” - chị T., ở thôn An Dương 2, lo lắng.
Đang thu gom những gốc dương bị sóng đánh bật, trôi xuống mép nước biển, ông Nguyễn Văn Nhân - Trưởng thôn Tân An, xã Phú Thuận - cho biết những năm trước, nhà dân núp sau hàng dương nên khá an toàn.
Bây giờ, mỗi khi có bão, người dân không có chỗ để ghe, thuyền bởi rừng dương ngày càng thưa thớt, trong khi đê chắn sóng bị biển lấn ngày một sâu. Điển hình, các mái chòi kinh doanh của gia đình anh Trần Quốc Huy vừa rồi bị bão số 9 quật ngã, thiệt hại ước tính hơn 10 triệu đồng. Trong khi đó, thu nhập chính của gia đình anh là từ việc kinh doanh dịch vụ trên bãi biển.
“Tui nhớ rất rõ, 15 năm trước, bờ biển ở ngoài xa, cách nơi dân sống hiện nay khoảng 100-150m. Sạt lở khiến đồi cát cao nằm cách bờ biển 150-200m bị xóa sổ. Bà con mong sớm có một bờ kè ven biển để ổn định nơi ăn chốn ở, bảo đảm tính mạng trong mùa mưa bão” - anh Huy nói.
Trước tình trạng sạt lở bờ biển, từ cuối năm 2014, Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu đã đầu tư 100 tỷ đồng xây dựng công trình kè chống xâm thực bờ biển ở xã Phú Thuận với tổng chiều dài 830m, chia làm hai giai đoạn. Tuy nhiên, công trình chưa hoàn thành đã bị tình trạng xâm thực mạnh phá hỏng.
Biển tiếp tục nuốt đất làng
Có mặt tại vùng biển thôn Mỹ Cảnh, xã Giang Hải, huyện Phú Lộc những ngày sau bão số 9, chúng tôi ghi nhận, sóng biển làm sạt lở, ăn sâu vào đất liền, chỉ còn cách Tỉnh lộ 21 khoảng 15-20m.
Lãnh đạo UBND huyện Phú Lộc cho biết, đang chỉ đạo các lực lượng theo dõi chặt diễn biến của tình trạng biển xâm thực tại xã Giang Hải. Trong khi đó, người dân xã Giang Hải luôn lo biển sẽ nuốt đất và nhà, bởi cứ đến mùa mưa bão, sóng biển lại nuốt chửng nhiều đất đai ven bờ.
|
Bờ biển xã Giang Hải bị xâm thực nặng |
Trước thực tế sạt lở xảy ra dọc bờ biển, nhiều năm qua, chính quyền hai xã Phú Thuận và Giang Hải đã cho trồng thí điểm cây đước, cây bần nhưng các loại cây này không sống được do không hợp thổ nhưỡng. Hai địa phương này đã tăng cường trồng dương, nhưng giải pháp căn cơ là phải đầu tư thêm bờ kè để chống sạt lở.
Ông Đặng Tiến Tùy - Chủ tịch UBND xã Phú Thuận - cho biết, tốc độ sạt lở bờ biển diễn ra rất nhanh: “Lực lượng chức năng xã vừa lên phương án di dời khẩn cấp 12 hộ với hơn 40 nhân khẩu ra khỏi nơi nguy hiểm do bờ biển bị xâm thực nghiêm trọng. Với tốc độ xâm thực như hiện nay, khoảng 500 cây dương liễu phòng hộ có khả năng bị sóng xô ngã, cuốn trôi. Sau khi khảo sát thực địa, chúng tôi sẽ có báo cáo cụ thể lên các cấp để có phương án ứng phó trước mắt cũng như lâu dài”.
Mấy cơn bão kèm mưa lớn vừa qua đã làm đường bờ biển ở nhiều địa phương của tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục sạt lở nặng, ăn sâu vào đất liền từ 5-10m, dài hơn 6,2km. “Tỉnh Thừa Thiên - Huế có 127km bờ biển thì 30km bị sạt lở, trong đó, 10km bờ biển các xã Hải Dương, Phú Thuận, Vinh Hải bị sạt nghiêm trọng và kéo dài. Một số bờ biển bị sạt lở nặng như xã Vinh Hải, Quảng Công đang được làm bờ đê. Chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu thêm phương án khắc phục, hạn chế sạt lở bờ biển để trình lên cấp trên phê duyệt” - ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết.
(Còn tiếp)
Bão liên tiếp đổ bộ vào miền Trung
Ngày 10/11, bão Etau (bão số 12) đã đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận với sức gió mạnh nhất cấp 8, giật cấp 10 sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Dù vậy, nhiều khu dân cư, các tuyến đường ở Phú Yên, Khánh Hòa đã ngập sâu, hàng loạt cây xanh bị bật gốc, người đi đường bị gió quật ngã.
Trong khi bão số 12 vừa vào bờ, cơn bão số 13 (Vamco) lại đang áp sát Biển Đông. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, hồi 13g ngày 10/11, vị trí tâm bão ở khoảng 14,0 độ vĩ bắc; 128,0 độ kinh đông, cách phía nam đảo Luzon (Philippines) khoảng 700km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 12.
Theo dự báo, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh thêm. Đến 13g ngày 11/11, vị trí tâm bão ở khoảng 14,8 độ vĩ bắc; 124,0 độ kinh đông, cách phía nam đảo Luzon (Philippines) khoảng 270km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150km/giờ), giật cấp 16.
|
Thuận Hóa