Thương nhau ngày gian khó

Khi tâm hồn cần nơi an trú

10/08/2021 - 06:31

PNO - “Em gái tớ phát điên rồi!”. Tôi nhận được tin nhắn, ngỡ là câu bông đùa, may sao kịp “phanh” khi định gửi cho bạn một hồi đáp dí dỏm như thường lệ.

Đó là lúc tôi nhớ Duyên - cô em của bạn tôi - có sức chống chịu tâm lý kém. Thi trượt đại học, Duyên đau buồn, nhốt mình trong phòng riêng, đập phá mọi thứ. Thất tình, em bảo muốn quyên sinh…

Bạn tôi kể, Duyên về TPHCM làm việc từ đầu năm. Dịch bệnh ập đến, em nằm trong số nhân sự bị cắt giảm, hai tháng qua sống bằng trợ cấp từ người thân. Nán trụ lại thành phố, Duyên sống trong một phòng trọ nhỏ xíu, không cửa sổ. Có lẽ sự bí bách khiến Duyên không chịu được nên gây sự với mọi người. Phòng bên ồn, em hét lên la mắng; chủ nhà sang hỏi thăm, em “tố” họ làm phiền. Gia đình cố gắng đăng ký cho Duyên được về quê, em không chịu nhưng lại suốt ngày hờn trách gia đình đã bỏ rơi em.

Ảnh mang tính minh họa SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa SHUTTERSTOCK

Tôi “gửi” Duyên cho một chuyên gia tâm lý, nhờ anh giúp. Từ cuộc gọi… vờ nhầm số, anh chuyển sang kết bạn, từng bước gỡ những khúc mắc trong Duyên. Thì ra cái em đang cần là tình thương phải được hiển lộ của người thân - lời động viên, thăm hỏi, quan tâm, để em cảm thấy mình được yêu thương, dù “kẹt” giữa thành phố nhưng luôn có gia đình bên cạnh.

Dịch bệnh tác động lên mọi mặt đời sống. Chúng ta vừa chứng kiến cuộc “quay về” ngoạn mục của tầng thứ nhất tháp nhu cầu Maslow, tức các nhu cầu căn bản nhất thuộc “thể lý” con người như thực phẩm, nơi an trú. Nhưng, đồ rằng những chấn thương tâm lý trong tháng ngày dịch bệnh cũng len lỏi đâu đó trong cuộc sống của không ít cá nhân và gia đình họ. Cuộc cự cãi vô lý với nguyên nhân nhỏ xíu, một trạng thái suy sụp trước thu nhập về 0 hay rơi vào thứ tâm trạng “heo héo” trước thông tin tiêu cực… Khi tâm lý có dấu hiệu bất ổn, việc chữa trị sớm giúp giảm thiểu những hệ lụy khó lường.

Người bạn chuyên gia tâm lý của tôi nói từ đợt dịch năm ngoái đến nay, anh đã phải “điều trị” tâm lý cho hơn 300 trường hợp chịu tác động của dịch bệnh. Ngay từ đầu đợt dịch lần thứ tư này, tiến sĩ Phạm Thị Thúy, chuyên viên tâm lý trị liệu, đã “chào mời” người dân tại thành phố, bất cứ khi nào, đều có thể liên hệ chị nếu cần một phép giải cho các tổn thương. Trung bình mỗi ngày, tiến sĩ Phạm Thị Thúy tiếp nhận và giúp ba trường hợp. Lịch xin tư vấn của chị kín đến… tháng sau.

Theo các chuyên gia tâm lý, dù mỗi trường hợp là một cuộc khủng hoảng tâm lý riêng, triệu chứng riêng nhưng điểm chung là các “nạn nhân” thấy thiếu thốn tình yêu, tình thương, sự thấu cảm, chia sẻ, động viên - một chỗ nương vịn cho tâm hồn trong tháng ngày dịch bệnh.

Trước thiên tai, loài người thường rơi về bản ngã yếu đuối với đủ cung bậc cảm xúc: âu lo, bất an, khắc khoải. Tính đồng loại, sự gắn kết, nương đỡ cũng theo đó trở thành sức mạnh giúp mỗi cá thể được vững vàng.

“Bình thường, người ta chỉ mỉm cười, xúc động trước một nghĩa cử đẹp đẽ. Giờ đây, trong dịch bệnh, họ bật khóc khi thấy một điều tốt lan truyền” - anh bạn chuyên gia tâm lý khẳng định sau khi chuyển cho tôi hàng trăm lời bình luận đầy cảm xúc biết ơn trước những chiến sĩ cảnh sát giao thông giúp dân thay vì xử phạt, nhường bữa cơm cho một thanh niên đói lả, động viên một người cha vất vả mang bình ô-xy cho cậu con trai mắc bệnh… Hay có người dân đặt sẵn hàng chục chai nước suối được nấu với chanh sả bên vệ đường…

Sau mỗi trải nghiệm với tình thương như vậy, ta được tiếp nạp rất nhiều rung cảm tốt, như thứ vắc xin cho tâm hồn, nội lực. Với một tâm hồn khỏe mạnh và nội lực vững vàng, ta còn sợ gì những nơi chốn chưa phải là nhà theo nghĩa an trú cho “thể lý”. 

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI