Màn đêm dày đặc le lói ánh đèn, những tiếng bước chân dồn dập, giọng người hối hả: “Mau lên, tàu sắp chạy rồi!”. Đôi vợ chồng trẻ cùng đứa con còn quấn tã xuất hiện trên bến tàu. Nhìn con tàu bé nhỏ lắc lư trên sóng, người chồng chồn chân khuyên vợ: “Nguy hiểm lắm, thôi đừng đi nữa!”. Cãi vã xảy ra và cuộc giằng co kết thúc với hình ảnh người chồng ôm đứa con ở lại gào tên người vợ đang theo tàu xa dần.
Vở diễn Chạy do Nhà hát Sân khấu Nhỏ 5B đầu tư dàn dựng (từ kịch bản đạt giải A trại sáng tác Hội Nghệ sĩ TP.HCM 2019) diễn ra ngày 27/11 vừa qua, đã mở đầu đầy kịch tính như thế.
|
Vở kịch Chạy được xây dựng từ sự đổ vỡ của gia đình ông Nguyên chỉ nên dừng lại ở một bi kịch gia đình thuần túy, hơn là nâng tầm vấn đề về số phận con người giữa biến cố lịch sử |
Năm 1975 là cột mốc khó phai trong lịch sử - ngày đất nước thống nhất. Đi hay ở và mỗi lựa chọn đã tác động đến số phận của con người thế nào? Đã lâu rồi, làng kịch thành phố mới lại có tác phẩm đặt vấn đề gai góc đến thế.
Nhiều năm trôi qua, ông Nguyên - người cha năm nào - đã nuôi dạy Khôi thành tài, trở thành bác sĩ ưu tú, hiện điều trị riêng cho Thiện - một nữ vận động viên điền kinh quốc gia. Nhận thấy đôi trẻ nảy sinh tình cảm, ông Nguyên không ngại buông lời nặng nhẹ Thiện và nhắc Khôi nhớ lời hứa với mình: “Không bao giờ được yêu đàn bà Việt Nam!”.
Hình như có gì đó sai sai? Mạch kịch hé lộ dần, khán giả cũng hoang mang dần đều. Ông Nguyên hận bà Tỵ - người vợ bạc tình trốn chạy khỏi đất nước - nên đâm ra hận đàn bà và cấm con không được yêu phụ nữ Việt Nam, đồng thời chuẩn bị mọi thứ để Khôi có thể ra nước ngoài sinh sống và lập gia đình. Logic ở đây là gì?
Chị Ái Liên, một khán giả ở Q.1, đưa ra hàng loạt thắc mắc: “Bỏ qua những điều trên, vở kịch cũng hoàn toàn thiếu tình tiết cho thấy thời cuộc đã tác động đến số phận, tâm lý của người đi - kẻ ở như thế nào, nhất là ông Nguyên. Sự mâu thuẫn giữa cha con ông Nguyên chỉ xoay quanh nỗi “hận đàn bà” và sự áp đặt lệch lạc của người cha về tình yêu, không liên quan đến thế giới quan hay góc nhìn xã hội của hai thế hệ.
Tôi không thấy hiện thực nào tác động để ông Nguyên - một con người truyền thống, cố gắng giữ gìn nghề làm cốm gia truyền - phải bức bối đến mức đẩy đứa con với tương lai rộng mở “chạy” khỏi đất nước. Tình huống bà Tỵ về nước tìm con, cũng là lúc, ông biết rằng mình không phải cha ruột của Khôi. Vậy thì có hay không sự kiện năm 1975, ông Nguyên vẫn bị vợ phản bội.
Và như thế, vở kịch vốn xoáy sâu vào bi kịch gia đình hơn là khắc họa số phận thăng trầm của những con người bị xoay vần bởi thời cuộc trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt. Nhân vật được xây dựng hợp lý nhất là “cựu gái bán hoa” Thúy, nhưng tiếc là những cảm xúc nhân vật đem lại không đủ để cân bằng mạch kịch”. Theo chị Ái Liên, Chạy đã mang một “chiếc áo quá rộng”.
Với những khán giả yêu thích nghệ thuật sân khấu, việc xem một vở diễn không hay nhưng hợp lý cũng không khó chịu bằng gặp những vở diễn đặt vấn đề rất hay, nhưng lại “đầu voi đuôi chuột”, hoặc khai thác “trớt quớt”.
Tương tự, trước đây, Hội Sân khấu TP.HCM cũng đầu tư dàn dựng vở cải lương Nghề nuôi quan - kịch bản đạt giải A trại sáng tác Hội Sân khấu TP.HCM 2018. Tác phẩm có cái tứ mới lạ là: trước sự nhũng nhiễu của bọn quan lại khi pháp luật chưa đủ nghiêm, người dân cũng biết cách làm chủ vận mệnh của mình bằng cách “nuôi quan”.
Mượn mô-típ Lã Bất Vi “buôn vua”, kịch bản xây dựng câu chuyện về Trần lão gia đón những cậu học trò nổi tiếng văn hay chữ tốt mà nghèo rớt về nuôi ăn học, chăm lo đầy đủ đến ngày ứng thí với hy vọng khi đạt bảng vàng, các tân quan sẽ nhớ ơn mà đền đáp.
Đáng tiếc, với cách đặt vấn đề độc đáo như thế, thay vì xoáy sâu vào những thủ đoạn chốn quan trường, những toan tính của Trần lão gia có đủ để điều khiển những “con chim đã đủ lông đủ cánh”, những vị quan được “dân nuôi” này có gì khác biệt… thì vở diễn lại chuyển hướng khai thác bi kịch tình yêu của Trần tiểu thư với các nho sinh được nuôi ăn học. Cảm giác hụt hẫng khi xem là không thể tránh khỏi khi thay vì nâng cao tính chính luận của tác phẩm, không hiểu tại sao phần sau của Nghề nuôi quan lại trở thành một tuồng “trinh thám pha ngôn tình”?
Vẫn biết từ kịch bản trên giấy đến tác phẩm sân khấu biểu diễn có một khoảng cách khá xa, nhưng việc những kịch bản mang ý tưởng độc đáo, mới lạ, đã qua thẩm định của các hội đồng nghệ thuật uy tín, khi dàn dựng lại ra chất lượng thành phẩm không như ý, thì quả thật đáng tiếc và lãng phí.
Có lẽ, tốt nhất người làm sân khấu nên chọn “chiếc áo vừa phải” cho tác phẩm của mình. Một đề tài bình thường được khai thác vừa đủ, và tình tiết hợp logic, vẫn hơn một chủ đề “đao to búa lớn” nhưng lại đánh đố người xem.
Đông A