Khi ta tuyệt vọng

07/09/2016 - 15:52

PNO - Kỳ tuyển sinh vừa rồi, con tôi chỉ đạt 13 điểm, tan giấc mơ vào giảng đường một đại học yêu thích nên không còn thiết sống.

“Con gái tôi đang trải qua những ngày dài chán nản. Kỳ tuyển sinh vừa rồi, con chỉ đạt 13 điểm, tan giấc mơ vào giảng đường một đại học yêu thích nên không còn thiết sống. Tôi không biết phải làm gì khi mới đây phát hiện con, sau mấy ngày rảo quanh các nhà thuốc, đã gom mua 30 viên thuốc an thần seduxen. Cố gắng canh chừng mà lòng tôi luôn bất an, lo con làm điều dại dột”.

Chị T.B. (Q.Tân Bình, TP.HCM) đau đớn sẻ chia dòng trạng thái qua trang facebook kín Hội những người chán sống.

Khi giảng đường đại học vẫn được coi là lựa chọn duy nhất, một khởi đầu tốt đẹp cho hành trình vào đời, thì việc công bố kết quả sẽ mang đến không ít nụ cười và bao trái tim tan vỡ. Với những thí sinh không may, khó tránh khỏi hụt hẫng, chán chường, tuyệt vọng.

Bi kịch tự tử do thi cử không thành là chọn lựa của một số em, để lại bao tiếc xót, đau đớn cho người thân, xã hội. Thực tế đã chỉ ra đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công như nhiều người quan niệm.

Khi ta tuyet vong
Ảnh mang tính minh họa: Shutterstock

Bạn tôi, là học sinh giỏi nổi bật suốt 12 năm phổ thông, mang giấc mơ trở thành nữ chính khách. Năm 2000, bạn chọn trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM làm nấc thang đầu đời cho hành trình chạm đến giấc mơ, song, kết quả thi trượt như một cú tát chí mạng lên bạn.

Đau đớn hơn khi bạn đối diện với tiếng đời dè bỉu. Bạn suy sụp, tủi hổ, mất niềm tin. Ngày bạn bè nhập học cũng là ngày bạn quyết định cắt đứt mọi liên lạc, tập trung ôn luyện để thi lại năm sau. Vậy mà, cánh cửa giảng đường lần nữa không mở ra đón bạn.

Trong cơn quẫn trí, mặc cảm, bạn ra sông, tìm đến cái chết. Ý định chưa kịp thực hiện thì mẹ bạn bất ngờ xuất hiện, chỉ để nhờ con về vá giúp bà chiếc áo. Bạn về. Nhìn con gái tỉ mẩn bên đường kim mũi chỉ, mẹ khen bạn vá đẹp, hỏi rằng có muốn học may để… giết thời gian chờ mùa thi năm tới.

Buổi đầu, bạn đến với nghề may như một cách giải khuây, chẳng ngờ lại nảy lòng yêu thích. Một năm sau, bạn tập trung “tốt nghiệp” khóa học may thay vì lại ghi danh thi cử. Sau đó, bạn mở cửa tiệm riêng, trở thành cô thợ may tài hoa...

Bạn viết: “Ngưỡng cửa vào đời chỉ rộng đón những ai giàu nghị lực, biết vượt qua thất bại. Trên hết, nên hiểu rằng không đi được đường này ta sẽ đi con đường khác, dù là đường vòng. Khoảng thời gian làm quen với chỉ kim vải vóc, tôi chủ động tham gia rất nhiều hoạt động xã hội. Hai năm sau, khi không ít bạn bè chật vật xoay xở tìm việc sau tốt nghiệp, tôi vừa là chủ xưởng với hơn chục nhân công và còn trở thành phó chủ tịch Hội Phụ nữ phường ở tuổi 23. Tôi hạnh phúc với con đường lựa chọn thay vì ý nghĩ chăm bẵm vào nấc thang đại học”.

Harold Kushner - tác giả người Mỹ có nhiều đầu sách bán chạy như Khi điều tồi tệ xảy ra với người tốt, Sống xứng đáng, Khi tất cả vẫn là chưa đủ… nói rằng: “Bạn không thể kiểm soát điều gì sẽ xảy ra trong đời mình, nhưng bạn hoàn toàn có thể kiểm soát cách đón nhận cũng như cách phản ứng cho mọi tình huống”.

Cuộc đời của nhiều người lắm khi còn rớt xuống những bi kịch bất ngờ, tưởng chừng dồn họ vào bế tắc, những tưởng sẽ buông xuôi. Tương lai đang rộng mở với công việc ai nhìn vào đều mơ ước, vậy mà, mọi thứ bỗng chốc đóng sập lại với cô gái Lê Dương Thể Hạnh - tác giả cuốn sách Có một mặt trời không bao giờ tắt đang bán chạy.

Căn bệnh ung thư não như đẩy Hạnh từ đỉnh cao xuống vực sâu. Hạnh rơi vào tột cùng đau đớn, chán nản và đã tính đến quyên sinh. Nhưng rồi Hạnh nghĩ, chết thì dễ, sống mới khó. Hạnh chọn đứng lên, đương đầu với số phận, tuyên chiến với tử thần. Hạnh từng bước lần đi trong nghịch cảnh.

Hạnh tập thích nghi với cảm giác mù lòa - di chứng từ căn bệnh, tiếp đến tìm việc làm mưu sinh, rồi cống hiến cho cộng đồng những người có hoàn cảnh như mình. Hạnh viết sách, không ngừng làm nhiều hơn những việc mang ý nghĩa cho đời.

Nhìn Hạnh của hôm nay, người ta hiểu rằng, đó hoàn toàn không phải một phép màu hay may mắn nào đó do cuộc đời mang lại, mà là nhờ thái độ sống, cách Hạnh đương đầu, chọn ứng xử với bi kịch. Không ít người băn khoăn, rằng, trong tình cảnh tuyệt vọng, dễ gì lóe lên ý nghĩ tích cực.

Triết gia Đức, Friedrich Nietzsche khuyên: “Hãy nghĩ đến người thân”. Gia đình, người thân là chốn nương thân luôn sẵn sàng chờ đón, rộng tay ôm lấy khi ta rơi vào trạng thái tâm lý mọi thứ dường như vô nghĩa, cảm giác không còn nơi nào có thể “chấp chứa” mình. Nghĩ đến yêu thương cùng trách nhiệm tương quan trong quan hệ gia đình, cha mẹ, mỗi người sẽ ý thức hơn về mình.

Quyết định dại dột sẽ trở thành cuộc bạo hành dai dẳng nhất đối với người thân. Bạn tôi chia sẻ , trong khoảnh khắc nghĩ quẩn, nếu không có mẹ xuất hiện nhờ vá lại chiếc áo, có lẽ tên của bạn giờ chỉ còn trong ký ức.

Bạn nhận ra người mẹ nông dân của mình - vốn vụng về bày tỏ tình yêu, lại lặng lẽ quan sát nhất cử nhất động của con để lầm lũi theo sau lúc con ra sông và kịp thời “đưa” trở về.

Hay, với Lê Dương Thể Hạnh, ngoài nỗ lực bản thân, còn có sự song hành của cha mẹ trong những ngày cô rơi vào tuyệt vọng. Trong mỗi bữa cơm, họ đều khuyên Hạnh hãy tìm cách viết ra tâm sự, nỗi lòng ẩn sâu dù là đau khổ nhất; hãy nghĩ mình chưa từng có khởi đầu tốt đẹp trước đó lẫn viện dẫn bao cái tên không gục ngã. Họ thổi vào Hạnh sự ham sống, tạo động lực để cô muốn làm lại cuộc đời và cống hiến nhiều hơn…

Phong Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI