Khi ta cùng già

05/11/2015 - 06:59

PNO - Con đường chung hai ông bà đang đi mỗi lúc một ngắn lại và chẳng biết khi nào một trong hai người sẽ không đủ sức bước tiếp…

Mờ sáng ở ghế đá trước nhà, ông bà ngồi bên nhau cùng uống trà và chuyện trò rầm rì. Xế trưa, ông bà rủ nhau đi chợ, về nhà loay hoay nấu ăn. Chiều đến, cả hai lại hối nhau ra công viên tập thể dục.

Những ngày mới dọn về đây ở, tôi thường thấy cặp đôi già ấy bên nhau như hình với bóng. Một lần tình cờ bắt chuyện bà cụ, tôi tò mò: “Ngày trẻ chắc hai bác phải yêu thương nhau lắm”. Bà cụ cười móm mém, khẽ lắc đầu: “Ngày xưa, ổng đào hoa nên gái theo nhiều, tui cũng lên bờ xuống ruộng với ổng”.

Khi ta cung gia
Ảnh mang tính minh họa - Nguồn: Internet

Người phụ nữ tóc đã ngả màu trắng kể lại những lần đánh ghen chồng bằng cái giọng điệu nhẹ nhàng, thản nhiên như thể chuyện của ai. Bà bảo ông đẹp trai lại có máu nghệ sĩ, mê đàn hát, nên thời trai tráng phụ nữ cứ tình nguyện sà vào lòng. Mặc dù ở nhà, ông là người chồng, người cha có trách nhiệm với vợ con, nhưng ra đường ông lại là tình nhân của không ít phụ nữ.

Bà nhớ có lần ông cặp kè với một phụ nữ góa bụa trẻ trung. Bà nghe hàng xóm rỉ tai. Ngay tức thì chiều ấy, bà cùng hai người em gái, chạy đến tận nơi phục kích và bắt quả tang tại trận. Bà không làm ầm ĩ mà lẳng lặng lôi chồng về nhà, “đóng cửa dạy chồng”.

Sau khi dằn mặt chồng xong, hôm sau bà mới đến nhà người phụ nữ kia để nói phải trái. Bà thừa nhận nhiều lần trầy da tróc vảy với ông chồng đào hoa. Bà khẳng định: “Vì ổng cũng có nhiều tính tốt nên tui mới giữ lại, không thì cũng... tiễn lên đường lâu rồi”.

Ai rồi cũng phải già đi, cũng không còn sức lực để mải mê theo đuổi những thú vui bên ngoài. Bà thuộc típ phụ nữ đã “tha” thì sẽ “thứ”. Quá khứ của chồng, giờ bà nhắc lại như những kỷ niệm vui và chẳng bao giờ đem ra chì chiết.

Không biết có phải vì lý do ấy không mà ông đâm ra mang ơn bà. Có khi bước qua bên kia dốc cuộc đời, người ta thường hay hối lỗi. Ngày trẻ, bà đằng đẵng chờ cơm chồng, đêm đêm trằn trọc khi chồng chưa về thì khi già ông lại luôn trong cảnh chờ bà mòn mỏi.

Con cái lập gia đình tứ xứ nên mỗi khi nhớ con, bà lại đón xe đi. Mỗi kỳ bà lên thăm con cháu từ một-hai tháng, ông ở nhà ruột như xát muối, hết đi ra lại đi vào, nhìn quanh căn nhà cô quạnh, ở đâu cũng thấy bóng bà. Ông lại viện lý do “bị bệnh” để bà về với ông.

Nhiều khi bà giận dỗi: “Ông muốn đi lên con cháu chơi, tui đâu có cản, sao tui đi ông cứ kiếm chuyện…”. Đến lượt ông lên ở với con cháu, chỉ được vài ba ngày lại nôn nao, một hai đòi về nhà. Ông sợ những khi ông vắng nhà, bà lên tăng - xông té ngã sẽ không ai biết. Chỉ khi hai vợ chồng cùng đi, ông mới thoải mái.

Bà bị tiểu đường, cao huyết áp nên hằng ngày ông làm công việc “kiểm tra” gắt gao từng món ăn của bà. Bà mới ngủ trưa dậy, ông đã vội nhắc nhở: “Bà đừng tắm liền, khéo bệnh đó”.

Bà càu nhàu: “Tui biết rồi… Tui đâu phải trẻ con mà ông cứ hở chút là nhắc”. Trước khi đi thể dục, tôi hay thấy ông mang sẵn đôi giày để trước cửa cho bà, còn lúi húi giúp bà mang giày. Ông biết bà sức khỏe yếu, đi đứng chậm chạp, lại thêm đủ bệnh trong người nên không muốn bà phải cúi, với lấy bất cứ thứ gì.

Mỗi lần nghe bà nói nhức đầu, chóng mặt, ông lại bần thần lo lắng. Có lần, ông thủ thỉ tâm sự: “Tui đọc báo thấy bác sĩ nói bịnh của bà lên máu dễ chết đột ngột. Tui lo lắm”. Nghe ông dặn dò với vẻ mặt buồn bã, bà không giấu được nụ cười.

Nhiều khi bà đùa: “Sao hồi trẻ ông không sợ tui bỏ mà giờ già ông lại sợ tui chết trước?”. Ông cười trìu mến: “Tại giờ bà bỏ thì tui không gặp được bà nữa". Nghe ông nói, tự dưng nước mắt bà chảy dài trên đôi má nhăn nheo.

Có lẽ con đường chung hai ông bà đang đi mỗi lúc một ngắn lại và chẳng biết khi nào một trong hai người sẽ không đủ sức bước tiếp… Ý thức được cuộc sống ngắn ngủi nên ông bà trân quý từng phút giây bên nhau, chia sẻ với nhau mọi điều.

Những lần gia đình của con cái xào xáo, cãi vã, bà chỉ khuyên ngắn gọn: “Vợ chồng gắng mà sống tử tế với nhau, cuộc đời này ngắn ngủi, làm sao coi cho được, kẻo tới lúc già hối tiếc”.

Nguyễn Nga

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI