Khi ta có tình yêu, thậm chí nước lã cũng ngọt…

05/12/2021 - 18:15

PNO - Một câu chuyện về ba thế hệ phụ nữ trong một gia đình Trung Quốc trải dài suốt thế kỷ XX đầy biến động, bi thương. Thế nhưng trên hết, đây là tác phẩm tràn đầy cảm hứng về lòng dũng cảm và tình yêu, về những phụ nữ không bao giờ khuất phục trước mọi khó khăn, thiếu thốn và cả những cấm túc về mặt tinh thần.

Cuốn hồi ký của tác giả Jung Chang (Trương Nhung) xuất bản lần đầu vào năm 1991, tiêu thụ 10 triệu bản, được đánh giá là cuốn sách giàu chất liệu lịch sử của Trung Quốc. Thiên Nga hoang được xem là hiện tượng trong ngành xuất bản khi mang lại thành công cho một tác giả từng làm đủ nghề, từ nông dân, “bác sĩ chân đất” ở một vùng quê, thợ điện trong một nhà máy cho đến khi trở thành sinh viên Khoa tiếng Anh tại Đại học Tứ Xuyên. 

Sau khi đọc Thiên Nga hoang dã, cựu đệ nhất phu nhân, Ngoại trưởng Mỹ - bà Hillary Clinton đã phải thốt lên rằng đây là “câu chuyện đầy cảm hứng về những phụ nữ đã sống sót sau mọi khó khăn, thử thách của chính trị mà vẫn giữ trọn vẹn được nhân tính”. Ba thế hệ phụ nữ, từ bà ngoại, đến mẹ rồi tác giả đã sống sót và đi qua một Trung Hoa của thế kỷ XX đầy biến động. Nó không chỉ có máu và nước mắt mà còn có nỗi bi thương dân tộc dài đằng đẵng. Trong 100 năm ấy, đầy ắp những sự kiện lịch sử đã diễn ra. 

Viết nên lịch sử không chỉ có những vĩ nhân mà còn có những người bình dân. Và để lịch sử giữ được căn tính con người, đối mặt với hàng loạt đau thương, mất mát, quả tình chỉ có trái tim vị tha, bao dung của phụ nữ. Cho dù đối mặt với tất cả lề thói, tập tục, rào cản, xung đột giữa tư tưởng, lối sống cũ và mới, truyền thống và hiện đại, có những lúc buồn bã, nản lòng… những con người ấy chưa bao giờ tuyệt vọng, không hề vơi bớt tình yêu thương, bởi: “Khi ta có tình yêu, thậm chí nước lã cũng ngọt…”.

Giữa không khí ngột ngạt và đầy áp bức, tâm hồn những phụ nữ ấy vẫn bay lên, thánh thiện và trong ngần, kiên cường và mềm mại như những cánh thiên nga giữa hồ nước mênh mông. Theo thời gian, họ đã thay đổi, từng bước làm chủ được số phận, từ những phụ nữ bị coi thường đến mức không được đặt tên cho đến khi Jung Chang trở thành người Tứ Xuyên đầu tiên nhận được học bổng du học Anh vào năm 1949 và là người đầu tiên kể từ thời Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhận bằng tiến sĩ tại một trường đại học ở Anh vào năm 1982.

Tất nhiên, là câu chuyện mang dáng dấp gia đình nhưng phản ánh lịch sử đất nước suốt chiều dài thế kỷ XX, Thiên Nga hoang dã từng bị xem là một mối đe dọa và bị cấm xuất bản ở Trung Quốc. Thế nhưng cuối cùng, cái kết có hậu cũng đến với Jung Chang và tác phẩm. Hiện nay, hằng năm, bà vẫn thường trở về Trung Quốc tiếp tục hành trình viết lách. Quan trọng hơn, câu chuyện trong sách đã lan tỏa sức mạnh phi thường và tình cảm nồng ấm đến hàng triệu trái tim người đọc trên toàn thế giới, trong đó có rất nhiều phụ nữ đang đối mặt với nghịch cảnh.

Minh Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI