Sinh viên ngành y không đứng ngoài cuộc
Sáng 18/5, 12 sinh viên (SV) Khoa Y Trường đại học Nguyễn Tất Thành (TP.HCM) chính thức được tham gia phòng, chống dịch COVID-19 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC). Các bạn trẻ được phân vào làm việc ở ba khu cách ly: nhóm quản lý khu cách ly khách sạn, nhóm quản lý khu cách ly quận, huyện và nhóm quản lý khu cách ly quân đội. Công việc của các bạn SV là tham gia vào công tác rà soát, sàng lọc COVID-19 như điều tra dịch tễ, tổng hợp số liệu, thu thập thông tin về dịch bệnh ở các vùng dịch trong nước phục vụ cho hướng dẫn khai báo y tế và giám sát…
Phó giáo sư - tiến sĩ Lê Thị Kim Nhung, Trưởng khoa Y, cho hay, mỗi SV học ngành y đều biết về lời thề Hippocrates. Mỗi khi có thiên tai, dịch bệnh, các y bác sĩ dấn thân để giúp đỡ cộng đồng. Đây không chỉ là thực hiện trách nhiệm của công dân, của người học và sẽ hành nghề y mà còn là cơ hội để các SV tiếp cận lâm sàng, thực hành nghề nghiệp bằng những việc phù hợp. Trước đó, SV đã được tập huấn, giảng dạy các kiến thức về vi-rút, trong đó có SARS-CoV-2, vệ sinh dịch tễ, ứng phó dịch bệnh…
|
Sinh viên Trường đại học Nguyễn Tất Thành làm công tác hỗ trợ điều tra dịch tễ, thực hành lấy mẫu... |
12 SV được tham gia tuyến đầu chống dịch đã được lựa chọn từ gần 150 SV Khoa Y tình nguyện đăng ký. Nhà trường cùng với Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng TP.HCM tổ chức tập huấn công tác phòng, chống dịch bệnh cho những SV này, sau đó sàng lọc và chọn 12 SV đầu tiên.
Lọt thỏm trong bộ đồ bảo hộ PPE, bạn Võ Thị Đông Đông, SV năm thứ tư ngành y học dự phòng, chia sẻ: “Tôi thấy vinh hạnh khi được thay mặt rất nhiều SV khối ngành sức khỏe tham gia phòng, chống dịch, nhất là trong lúc dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. SV y khoa có kiến thức về y tế, dịch bệnh và tâm thế của người sẽ làm nhiệm vụ chữa lành vết thương cho người khác… Thử hỏi, giữa cơn đại dịch cấp bách, lực lượng dự bị, hỗ trợ khi ngành y tế cần nếu không phải SV y khoa thì là ai? Ngoài ra, tôi còn học hỏi được nhiều kinh nghiệm và rèn luyện các kỹ năng cần thiết cho nghề”.
Phụ huynh của Bùi Quý Nam, SV năm thứ ba ngành y đa khoa, cho biết: “Khi con gọi điện báo tin mình có tên trong danh sách SV tham gia vào đội quân phòng, chống dịch của HCDC. Thật tình, tôi lo lắng và không muốn cho con đi khi mà tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp. Nhưng con thuyết phục rằng, mình học y nên biết cách giữ cho bản thân khỏe và mong muốn được đóng góp vào công cuộc phòng, chống dịch, nên tôi đã đồng ý”.
17 tuổi đòi đi chi viện chống dịch
Khi tỉnh Bắc Giang trở thành địa phương có số ca mắc COVID-19 cao kỷ lục thì cũng là lúc nơi này có nhiều khu vực bị phong tỏa, phải cách ly y tế. Cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn, lực lượng trực tiếp chống dịch thì căng mình, kiệt sức. Tỉnh đoàn Bắc Giang phải thông báo tuyển gấp tình nguyện viên tham gia hỗ trợ y, bác sĩ ở tuyến đầu trong việc lấy mẫu xét nghiệm, chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, chỗ nghỉ cho các y, bác sĩ; tham gia công tác hậu cần, vận chuyển lương thực, thực phẩm, nước uống... Thông báo phát đi vào tối 16/5, chỉ trong 24 giờ đã có gần 400 tin nhắn, cuộc gọi, đơn đăng ký xin đi chi viện cho Bắc Giang chống dịch.
SV Nguyễn Thị Thu Hiền, Trường cao đẳng Ngô Gia Tự (tỉnh Bắc Giang), cũng mong muốn làm gì đó cho quê hương. Vậy là, Hiền làm đơn xin được gia nhập đội quân tình nguyện làm công tác hỗ trợ. “Tình hình dịch bệnh phức tạp, tiếp tục lan rộng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Các lực lượng tuyến đầu đang căng mình chiến đấu với dịch bệnh, khó khăn nhiều hơn, nhiệm vụ nặng nề hơn. Là một SV, người con của Bắc Giang, tôi thấy mình cần góp sức cùng lực lượng tuyến đầu chiến đấu chống dịch”, Hiền nói.
Trong đơn xin tình nguyện tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại tỉnh Bắc Giang, Lê Hoàng Thao, học sinh lớp 11 Trường THPT Chi Lăng (tỉnh Gia Lai), viết: “Hình ảnh các bác cựu chiến binh ngày đêm trực chốt tại các tổ dân phố, các bạn SV căng mình ra sức hỗ trợ tại các khu vực cách ly… khiến cho tôi - một đoàn viên, thanh niên có sức khỏe, sức trẻ - rất băn khoăn, trăn trở muốn đóng góp sức mình vào công tác phòng, chống dịch tại Việt Nam và cụ thể là tại các tuyến đầu của tỉnh Bắc Giang dưới sự tổ chức của Tỉnh đoàn Bắc Giang… Chính vì vậy, tôi xin Tỉnh đoàn Gia Lai, Bắc Giang và Sở Y tế Gia Lai duyệt đơn này để tôi được tham gia công tác phòng, chống dịch tại Bắc Giang”.
Thao còn tính toán cả phương án để di chuyển ra Bắc Giang bằng cách đi từ Gia Lai ra Hà Nội rồi nhập đoàn các nhóm tình nguyện chính quy để đến Bắc Giang.
Sau lời kêu gọi, từ những nơi xa xôi nhất, những cánh tay tình nguyện đã không ngừng giơ lên. Thấy cái phản ứng rất “phong trào” này, nhiều người cảm thán: có lẽ chưa khi nào mà “hiệu ứng đám đông” lại khiến chúng ta thấy hạnh phúc và tự tin như vậy. Một loại niềm tin sẽ chống được giặc dịch.
Cô giáo gạt quyền ưu tiên tình nguyện tham gia chống dịch
Cô Nguyễn Thị Thương là giáo viên Trường mầm non tư thục Ánh Ban Mai (tỉnh Vĩnh Phúc), lại có hai con nhỏ. Đúng ra, cô thuộc diện ưu tiên không có tên trong danh sách lực lượng tham gia phòng, chống dịch của Đoàn Thanh niên xã Bình Định. Nhưng khi chứng kiến sự vất vả của lực lượng chức năng, cô Thương gạt bỏ “quyền ưu tiên” xung phong tham gia phòng, chống dịch.
|
Đơn xin đi chi viện của cô Nguyễn Thị Thương (tỉnh Vĩnh Phúc) |
“Hình ảnh các cựu chiến binh trực chốt các tổ dân phố, các bạn SV căng mình hỗ trợ khu cách ly… khiến tôi trăn trở muốn góp sức mình cho địa phương. Lúc đầu, gia đình tôi phản đối do lo ngại nguy cơ lây lan dịch bệnh cho ông bà và con cái. Sau khi thuyết phục rằng bản thân có kỹ năng, lại được trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ như mũ chống giọt bắn, găng tay, khẩu trang… cùng với hiểu được tình hình dịch bệnh cấp bách nên gia đình đã ủng hộ”, cô Thương chia sẻ. Đáp ứng nguyện vọng của cô, ngành chức năng đã phân công cô hỗ trợ chốt kiểm soát dịch tại thôn Yên Quán.
Đã ngoài 70 tuổi nên cô giáo hưu trí Nguyễn Thị Nga (TP.Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) mặc nhiên cũng nằm ngoài danh sách phải tham gia chi viện. Thế nhưng, cả tuần nay, ngày nào cô cũng có mặt tại bếp ăn của Trường mầm non Hội Hợp A từ 5 giờ rưỡi sáng phục vụ ở tổ tình nguyện viên hậu cần chuẩn bị bữa ăn cho những người trực tại 11 chốt kiểm soát dịch COVID-19 của quê mình.
Cô Nga thừa hiểu mình có tuổi, không thể trực tiếp tham gia phòng, chống dịch được thì vẫn có thể góp sức, chăm sóc bữa ăn cho đội ngũ tuyến đầu ở tổ hậu cần P.Hội Hợp. Lúc đầu, khi hay chuyện, các con cô không đồng ý. Nhưng thấy mẹ quá thiết tha nên đã “vi hành” đến bếp ăn của tổ hậu cần một buổi, sau đó yên tâm để cô đến phụ. Bởi ở đây, mọi người đều tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Rồi từ đó, cô “lôi kéo” cả con gái và con dâu trở thành thành viên của tổ hậu cần. Tổ hậu cần của P.Hội Hợp có hơn 60 tình nguyện viên, chia thành các nhóm, luân phiên nhau làm nhiệm vụ, phục vụ khoảng 200 suất ăn/ngày.
Hay như cô Nguyễn Thị Thúy Tình, giáo viên U70 đã nghỉ hưu (P.Liên Bảo, TP.Vĩnh Yên), khi dịch bùng phát mạnh, cô cùng cán bộ khu phố đi đến từng nhà tuyên truyền người dân thực hiện cách ly và tuân thủ thực hiện 5K của Bộ Y tế. Khi TP.Vĩnh Yên bị cách ly, cô cũng không ngại xung phong ra điểm chốt kiểm soát phụ giúp… Những hình ảnh này có khác nào tinh thần “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”. Khi dịch ập đến, lúc cộng đồng cần thì dù là học sinh, sinh viên, hay thầy cô không chuyên môn y tế đều có thể chung tay vì đại cuộc.
Nhóm phóng viên