Khi shipper về bản

26/04/2025 - 09:15

PNO - Khi người dân vùng cao dần bắt nhịp với xu hướng mua hàng online, nghề shipper cũng về tận bản làng. Không chỉ phải đối mặt với những cung đường dài nguy hiểm, shipper ở vùng cao Nghệ An còn không ít lần “dở khóc, dở cười” khi đi giao hàng.

Thu nhập khá từ nghề shipper

Mới sáng sớm, anh Lữ Văn Hà (36 tuổi, trú huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) đã chạy “con ngựa sắt” quen thuộc vòng quanh các bản ở xã Nậm Nhoóng (huyện Quế Phong) để giao hàng. Bên trong thùng hàng lớn sau xe máy là những đơn hàng mà bà con xã Nậm Nhoóng mua qua mạng ít ngày trước, từ lon sữa cho đến gói mỹ phẩm, đôi dép nhựa, xoong nồi, quần áo trẻ con…

Anh Hà đưa hàng vào bản từ sáng sớm để tăng tỉ lệ giao hàng thành công
Anh Hà đưa hàng vào bản từ sáng sớm để tăng tỉ lệ giao hàng thành công

Hoạt động mua sắm trực tuyến ngày càng phát triển, không chỉ ở thành thị, nông thôn mà ngay cả ở các bản làng vùng cao cũng không nằm ngoài xu hướng này. Nhận bộ dao 5 món với giá 150.000 đồng từ shipper, chị Vi Thị Lan (36 tuổi, trú xã Nậm Nhoóng) cho biết, thấy giá rẻ, được kiểm tra hàng trước khi thanh toán nên mua dùng thử.

Đây không phải lần đầu chị mua hàng trên mạng, nên ít nhiều đã biết cách tham khảo giá thị trường, xem người tiêu dùng đánh giá cửa hàng để tránh mua “hàng dởm”. “Trước đây, nhiều mặt hàng trong xã không có, chúng tôi phải chạy hàng chục km ra chợ huyện mua. Giờ mua online, có người giao tận nhà nên rất tiện. Nhưng nếu không biết cách thì cũng dễ mua hàng kém chất lượng, về không dùng được” - chị Lan nói.

Anh Hà cho biết: “Ở các bản vùng cao, giao hàng càng sớm hoặc càng muộn thì tỉ lệ thành công càng cao bởi lúc này bà con còn ở nhà, chưa đi làm rẫy”. Phụ trách địa bàn 2 xã cách trung tâm huyện Quế Phong 30-40km, anh thường đi nhận hàng từ 5g sáng để kịp vào bản làng.

Việc mua sắm online phát triển, kéo theo nghề shipper, tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động ở vùng cao
Mua sắm online phát triển, nhiều người lao động ở vùng cao chọn làm shipper

Tùy vào quãng đường, mỗi đơn hàng giao thành công anh nhận được 9.000-10.000 đồng, cao gấp 3-4 lần so với shipper ở thành phố. Nhận 80-90 đơn hàng mỗi ngày, anh bắt đầu công việc từ 5g sáng và thường về tới nhà khi đường đã lên đèn. Tuy nhiên, tỉ lệ giao thành công chỉ đạt khoảng 80%. “Trung bình mỗi ngày tôi giao được 60-70 đơn, sau khi trừ chi phí ăn uống, xăng xe, điện thoại… thì còn khoảng 400.000 đồng” - anh Hà nói.

Gian nan đưa hàng về bản

Hoạt động kinh doanh, mua sắm online phát triển đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động ở vùng cao Nghệ An. Ít năm gần đây, không khó để bắt gặp những chiếc xe máy cũ kỹ, bám đầy bùn đất chạy len lỏi qua những cung đường đèo dốc quanh co ở các bản làng để giao hàng. Phần lớn những người làm nghề shipper ở đây là thanh niên, có sức khỏe, chịu khó.

Theo anh Lăng, gian nan nhất của những shipper hành nghề ở vùng cao là khi giao hàng ở khu vực không có hoặc sóng điện thoại chập chờn
Theo anh Lăng, gian nan nhất là khi giao hàng ở khu vực không có hoặc sóng điện thoại chập chờn

Shipper ở vùng cao xứ Nghệ gặp rất nhiều khó khăn do nơi đây địa hình đồi núi cao, giao thông cách trở, chưa kể nhiều khu vực chưa có hoặc sóng điện thoại chập chờn.

“Cực nhất là giao hàng ở khu vực không có sóng hoặc sóng điện thoại chập chờn. Không thể liên lạc, bỏ đi thì không được mà hỏi nhà khách hàng thì rất mất thời gian. Đó là chưa kể nhiều khi gặp trời mưa, sạt lở đất đá mình mắc kẹt lại trong bản” - anh Hà nói.

Hơn 2 năm làm shipper, anh Hà Văn Lăng (30 tuổi, trú huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An) đã gặp vô vàn tình huống “dở khóc, dở cười” khi đi giao hàng. Ngoài nguyên nhân không gặp được khách hàng, trung bình mỗi ngày anh phải hoàn 20-30 đơn với lý do: xem hàng không đúng như quảng cáo, đặt hàng cho vui, hẹn nhận hàng từ ngày này sang ngày khác… thậm chí không có tiền để nhận hàng.

Giao hàng ở khu vực không quá xa thị trấn Quỳ Châu, anh Lăng được nhận thù lao 3.000-5.000 đồng/đơn giao thành công. “Có khi 1 đơn phải đi 3,4 lần mới giao thành công vì họ lên rẫy, hẹn mãi mới gặp được. Không ít lần khi tìm tới tận nhà để giao thì khách bỏ trốn, ở trong nhà nhưng không nghe điện thoại, gọi không trả lời. Tôi vào hỏi thì họ nói lỡ đặt, giờ không có tiền để nhận” - anh Lăng nói.

Không liên lạc được với khác, nhiều shipper phải dò hỏi nhà, đưa hàng vào tận nhà cho khách hàng
Không liên lạc được với khách, nhiều shipper phải hỏi nhà, đưa hàng vào tận nơi

Quãng đường xa xôi, gập ghềnh, “con ngựa sắt” phải hoạt động liên tục mỗi ngày, nên ngoài chi phí xăng xe, điện thoại, shipper hành nghề ở vùng cao còn phải đều đặn thay dầu nhớt, ruột xe, lốp, nhông xích… mỗi 2 -3 tháng một lần. Theo anh Lăng, với các cung đường núi, không phải đâu cũng có tiệm sửa xe nên hầu hết shipper phải chuẩn bị bơm, dụng cụ vá xe để tự “cứu mình”. Đây cũng là những khoản chi phí không hề rẻ.

Anh Lăng cho hay, sau khi trừ chi phí, thu nhập mỗi tháng còn khoảng 7-8 triệu đồng, tương đương lương công nhân trước đó của anh. “Tuy mệt nhưng tôi thích công việc này hơn vì mình được làm ở quê, lại chủ động được thời gian” - anh nói.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI