Khi Quốc hội có chủ tịch là nữ

01/04/2016 - 10:54

PNO - Quốc hội khóa XIV có một chủ tịch là nữ. Đó là dấu hiệu của một “sự đổi mới của Đảng và Nhà nước”

Trong ngày bà Nguyễn Thị Kim Ngân nhậm chức chủ tịch Quốc hội, khắp nơi là những dòng chia sẻ hào hứng: bà Ngân không chỉ đã nổi tiếng với những phát biểu và hành động đầy tính trách nhiệm nơi nghị trường, mà việc cơ quan quyền lực cao nhất của quốc gia, do một phụ nữ lãnh đạo, là điều chưa từng có trong lịch sử nước ta.

Bình đẳng giới vẫn đang là một vấn đề nghiêm trọng của xã hội Việt Nam. Trong chương trình PTTH, sách giáo khoa Ngữ văn có truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, kể chuyện người phụ nữ trên con thuyền ấy bị chồng bạo hành thường xuyên, đến nỗi tạo thành một mối thù hận cho đứa con trai - đứa con muốn giết cha mình. Thế nhưng kết truyện, là hình ảnh của nạn nhân van xin nhà chức trách đừng bắt chồng mình, để con chị còn có cha... Nguyễn Minh Châu đã để câu chuyện kết ở đấy, bởi nó là thực tế: ở khắp nơi trên đất nước này, ta có thể bắt gặp những phụ nữ khốn khổ vì định kiến giới; vì họ không thể phản kháng được trước nắm đấm của người chồng; sự chèn ép của họ mạc; sự thờ ơ của cộng đồng…

Ở Quảng Ngãi, bạn có thể bắt gặp chị Hương - bị chồng đuổi ra khỏi nhà bằng những nắm đấm rách mặt, nhưng không thể viết đơn đòi trợ cấp nuôi con, vì chị mù chữ. Ở Long An, bạn có thể bắt gặp bà Sáu, đã hơn 20 năm một mình nuôi đứa con bị bại não. Bà phải ôm đứa trẻ tội nghiệp ấy ra khỏi nhà sau những trận đòn của người cha. 20 năm - một đồng trợ cấp nuôi con bà cũng không có và cũng chẳng ai có ý định lên tiếng về điều đó. Bạn có thể đã gặp một gương mặt như thế ở bất kỳ đâu và đó là lý do khi chủ tịch Quốc hội là một phụ nữ, nhiều người cảm thấy đó là một tin mừng.

Khi Quoc hoi co chu tich la nu
Quốc hội khóa XIV có một chủ tịch là nữ. Đó là dấu hiệu của một “sự đổi mới của Đảng và Nhà nước - Ảnh: Hoàng Hà

Theo một nghiên cứu của ĐH Quốc gia Singapore, cơ quan lập pháp của nước nào có tỷ lệ phụ nữ đông hơn thì các chính sách về việc bảo vệ con người và môi trường sẽ được thông qua nhiều hơn so với những cơ quan lập pháp có ít đại diện là phụ nữ. “Bảo vệ con người và môi trường” cũng đang là những vấn đề nghiêm trọng nhất mà hệ thống chính sách nước ta phải đối mặt.

Cần nói thêm rằng, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII nhiệm kỳ 2011-2016 là 24,4%, thấp nhất trong bốn nhiệm kỳ vừa qua. Từ trước tới nay, chỉ có riêng Quốc hội khóa V đạt tỷ lệ đại biểu nữ là 30%. Nếu xét đến tỷ lệ phụ nữ tham chính nói chung, thì Việt Nam đã liên tục “rớt hạng” từ năm 2005 đến năm 2011 về tỷ lệ phụ nữ tham chính. Quốc hội khóa XIV, kỳ Quốc hội do bà Ngân lãnh đạo, mục tiêu đặt ra là đưa tỷ lệ đại biểu nữ lên lại con số 30%. Đó là một mục tiêu có thể đạt được, nhưng sẽ là chỉ bước đầu tiên trong nỗ lực thúc đẩy bình quyền ở Việt Nam.

Trước mắt chúng ta là rất nhiều chính sách cần đến ý kiến của những người phụ nữ, để đảm bảo vai trò và quyền lợi của người phụ nữ. Đơn cử như Luật Trẻ em (sửa đổi), cái dự thảo đã được treo trên trang lấy ý kiến của Quốc hội từ mấy năm nay, nhưng suốt một năm qua chỉ có chín ý kiến của sáu người dân. Hoặc, một trong những vấn đề nghiêm trọng của nền kinh tế gia công, là tỷ lệ nữ công nhân cao hơn rất nhiều so với nam công nhân trong các khu công nghiệp/khu chế xuất. Những nữ công nhân ấy đang đối mặt với nhiều vấn đề và trong nhiều trường hợp, chỉ có chính những người phụ nữ mới thấu hiểu và đại diện được cho họ.

Quốc hội khóa XIV có một chủ tịch là nữ. Đó là tín hiệu đáng mừng cho cả xã hội vì nam nữ bình quyền không chỉ là lợi ích của phụ nữ mà còn để đảm bảo sự phát triển chung. Quốc hội khóa XIV có một chủ tịch là nữ. Đó là dấu hiệu của một “sự đổi mới của Đảng và Nhà nước” - như phát biểu của đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình).

Sau nhiệm kỳ Quốc hội này, hy vọng gương mặt của người phụ nữ Việt Nam xuất hiện trong những báo cáo quốc tế, không còn là những Chiếc thuyền ngoài xa, cô Sáu, chị Hương.

Đức Hoàng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI