Khi quảng cáo sản phẩm đi luôn vào thoại phim

08/03/2024 - 19:17

PNO - Việc phải xem quảng cáo sản phẩm chèn vào phim là trải nghiệm không mấy vui vẻ với người xem. Hình thức quảng cáo sản phẩm giờ đây không chỉ dừng ở việc sản phẩm xuất hiện như một đạo cụ, hình ảnh trong các cảnh phim mà thông qua cả lời thoại.

Bộ phim Chúng ta của 8 năm sau đã kết thúc ngày 6/3, qua 51 tập phát sóng. Ấn tượng lớn nhất đọng lại ở phần 2 của phim là việc lồng ghép sản phẩm quảng cáo một cách lộ liễu, thô thiển. Không còn dừng ở việc tạo dựng những cảnh phim thừa thãi để chèn hình ảnh sản phẩm mà lần này diễn viên phải quảng cáo sản phẩm luôn bằng lời thoại. 

36 tập phim ở phần 2 của Chúng ta của 8 năm sau quảng bá tích cực cho 1 thương hiệu bánh ngọt và 1 sản phẩm mì ăn liền. Trong một cảnh Dương chở mẹ con Nguyệt và bé Cam về nhà, cả 3 dừng lại trước chung cư để bé Cam tặng quà cho Dương là hộp bánh ngọt. 2 cô cháu cùng bóc quà tại chỗ, ống kính quay cận cảnh tên hộp bánh. Dương xé bánh ăn ngon lành, không quên cảm thán: “Yummy”. Bé Cam nhanh nhảu nói: “Bánh ngon lại còn có cả quà đặc biệt nữa đấy ạ. Giải thưởng gồm có 5 xe máy SH, 20.000 túi bánh, 10.000 thẻ cào điện thoại”. Dương tiếp lời: “Đây nhá, nếu con cào không trúng, có thể sưu tập 5 chữ cái là có thể được thưởng nửa chỉ vàng”.

Quảng cáo sản phẩm trong phim Chúng ta của 8 năm sau đi luôn vào lời thoại của nhân vật
Quảng cáo sản phẩm trong phim Chúng ta của 8 năm sau đi luôn vào lời thoại của nhân vật

Quảng cáo sản phẩm mì gói trong phim này gây ức chế hơn vì tần suất khá nhiều, các nhân vật ăn mì từ nhà cho đến công ty. Nhân vật Mai là người tích cực thoại nhất để quảng cáo sản phẩm. Khi thấy Dương làm việc khuya, cô nấu mì gói cho đồng nghiệp ăn. Trong lúc cả 2 chuẩn bị ăn, Mai tận tình giới thiệu với đàn chị gói mì. “Có tận 4 gói gia vị, đặc biệt có thêm gói ớt riêng để điều chỉnh độ cay. Chua chua cay cay ăn là mê ngay” - Mai tấm tắc.

Ở một cảnh khác, Mai cùng các đồng nghiệp chuẩn bị nấu mì gói. Khi mở gói mì ra, cô hớn hở: “Tận 4 gói gia vị luôn, đặc biệt có gói bột xúp nên nước xúp mì đậm đà. Mà để dùng chấm trái cây cũng đậm đà luôn”, xong cô vui vẻ tuyên bố sẽ đi mua trái cây. Gói gia vị đặc biệt này cũng được nhân vật Tùng nhắc đến trong một cảnh phim anh cùng vợ con ăn tối với món mì gói. 

Việc phải xem quảng cáo sản phẩm chèn vào phim là trải nghiệm không mấy vui vẻ với người xem. Hình thức quảng cáo sản phẩm giờ đây không chỉ dừng ở việc sản phẩm xuất hiện như một đạo cụ, hình ảnh trong các cảnh phim mà thông qua cả lời thoại. Việc tạo dựng tình huống để đưa hình ảnh sản phẩm vào cảnh phim lâu nay đã không được làm khéo léo, hay lạc quẻ với diễn tiến phim. Giờ việc lồng ghép được “nâng tầm” bằng cách đưa vào thoại, càng gây phản cảm.

Vẫn trong Chúng ta của 8 năm sau, có đoạn quảng cáo cho một sản phẩm nước tẩy rửa nhà vệ sinh. Các nhân vật bước vào nhà vệ sinh của nữ chính và khen thơm tho, sạch sẽ. Có điều, ở thời điểm này, nhân vật nữ chính được miêu tả là một cô gái sống bất cần đời, ưa uống rượu, không chăm sóc bản thân hay nhà cửa. Cách lồng ghép sản phẩm vào phim lúc này hoàn toàn bất hợp lý với hoàn cảnh, tâm lý của nhân vật.

Dạo Đừng nói khi yêu phát sóng, bộ phim cũng vấp phải phản ứng tiêu cực của người xem vì chuyện lồng ghép sản phẩm vào thoại một cách lãng nhách. 2 nhân vật trước đó vừa ngồi ở ngoài đường ăn kem, cảnh sau đã kéo vào phòng khám nha khoa và vị bác sĩ thao thao bất tuyệt giới thiệu công dụng tính năng của một sản phẩm kem đánh răng. 

Đưa sản phẩm quảng cáo vào phim để bù chi phí sản xuất là lý do chính đáng. Tuy nhiên, việc lồng ghép cần ý nhị để người xem thấy dễ chịu. Một khi chưa xây dựng được tình huống hợp lý để đưa sản phẩm vào mà đã vội đưa nội dung quảng cáo vào lời thoại sẽ càng tạo ra hiệu quả ngược. Diễn viên gượng miệng, khán giả gượng xem. 

Nguyễn Ngọc 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI