Khi phụ nữ trở thành nạn nhân của thú tiêu khiển 'ném đá trên mạng xã hội'

22/08/2017 - 06:56

PNO - Đầu năm nay, khi một thiếu nữ Malaysia 15 tuổi thổ lộ trên Twitter ước mơ trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của đất nước, cô đã bị cộng đồng “xâu xé” trên mạng vì không mang khăn trùm đầu.

Việc phụ nữ dù bất kỳ ở đâu cũng dễ bị ngược đãi trên mạng không phải là một điều gì bí mật.

Ở Malaysia, phụ nữ mọi sắc tộc đều có thể bị bạo hành trên Internet, nhưng do những kỳ vọng xã hội nhất định, phụ nữ Hồi giáo luôn là “mục tiêu” hàng đầu.  

Juana Jaafar, một nhà vận động nữ quyền theo dõi vụ việc của cô gái 15 tuổi, nói rằng "chúng ta đang thấy xu hướng phụ nữ Hồi giáo ở Malaysia bằng cách này hay cách khác trở thành mục tiêu tấn công, đặc biệt là do cách thức họ tự giới thiệu bản thân”.

Khi phu nu tro thanh nan nhan cua thu tieu khien 'nem da tren mang xa hoi'
Phụ nữ Hồi giáo ở Malaysia ngày càng trở thành đối tượng tấn công trực tuyến - Ảnh: AFP

Bà Jaafar nói cô gái phải chịu các vụ tấn công tàn nhẫn, cô buộc phải xóa tài khoản cá nhân của mình và tìm kiếm sự trợ giúp bên ngoài mạng xã hội. "Nếu bạn có một cái tên Mã Lai, bạn sẽ ngay lập tức bị nhận ra”, bà nói.

Tiến sĩ Alicia Izharuddin, chuyên gia cao cấp nghiên cứu về giới tại Đại học Malaya, nói: "Chuyện tương tự xảy ra khắp toàn cầu, nhưng ở đây nó được bổ sung thêm một “lớp vỏ Malaysia”, một sự nhân danh đạo đức có cội nguồn từ cách lý giải hẹp hòi của tôn giáo”. Đáng buồn là những phát ngôn thù hận và đe dọa trực tuyến được che đậy dưới hình thức ẩn danh.

Ngày càng nhiều phụ nữ Malaysia trẻ tuổi tham gia truyền thông xã hội, đặc biệt là Twitter, để nói về các vấn đề của phụ nữ, và những trường hợp quấy rối cũng trở nên thường xuyên hơn.

Khi phu nu tro thanh nan nhan cua thu tieu khien 'nem da tren mang xa hoi'
“Cơ thể phụ nữ đã trở thành bãi chiến trường vô tận cho nam giới bàn cãi” - Ảnh: AFP

Maryam Lee, một người sử dụng Twitter 25 tuổi mới đây quyết định không mang khăn trùm đầu của phụ nữ Hồi giáo, cô lập tức bị “đánh đòn hội đồng” trên mạng. Trang Twitter của cô tràn ngập sự viếng thăm của những kẻ lạ mặt và cô nhận được lời đe dọa về an toàn cá nhân.

"Đó không đơn thuần là người ta không thích quan điểm của bạn, người ta còn muốn xóa bỏ sự tồn tại cũng như nhân phẩm của bạn”, Lee thổ lộ. Khi cô công khai tuyên bố ủng hộ nữ quyền, sự tấn công nhắm vào cô ngày càng tàn bạo hơn.

Trong những trường hợp khác, như trang điểm quá đậm hay mặc quần áo bó sát, hay đơn giản chỉ là mặt mũi trông “mũm mĩm”, cũng đều trở thành tội để người ta ngược đãi phụ nữ.

Dyana Sofya, thành viên ban chấp hành đảng Thanh niên xã hội trung tả (DAP), không xa lạ gì trên các trang mạng đơm đặt ở địa phương, nơi cô bị “bôi bẩn” về trang phục và ngoại hình. Sofya từng nói các cộng sự nam giới của cô cũng không bị đối xử tàn nhẫn như vậy.

Khi phu nu tro thanh nan nhan cua thu tieu khien 'nem da tren mang xa hoi'
Dyana Sofya (đảng DAP) nói các cộng sự nam giới của cô cũng không bị đối xử tàn nhẫn như vậy - Ảnh: Mooreyameen Mohamad

Sofya nói rằng “cơ thể phụ nữ đã trở thành bãi chiến trường vô tận cho nam giới bàn cãi”. Theo cô, một phụ nữ có thể được che phủ từ đầu đến chân, nhưng ai đó vẫn sẽ phàn nàn rằng y phục của họ không đủ rộng và đủ dài!

Trong một trường hợp khác, người sử dụng Twitter Nalisa Alia Amin bị tấn công vì quan điểm chống thói gia trưởng và ủng hộ cộng đồng đồng tính, dị tính và chuyển giới (LGBT), cũng như từ chối tuân thủ hình ảnh được chấp nhận rộng rãi của "một phụ nữ Hồi giáo lý tưởng ở Malaysia".

"Những người không chấp nhận quan điểm của tôi đã tấn công ngoại hình của tôi, đặc biệt là cơ thể tôi vì tôi là một phụ nữ trông mũm mĩm", cô than phiền. Người dùng mạng xã hội phóng to vết nám trên đùi cô và tung hình ảnh này lên mạng, hoặc đăng ảnh cô ngồi bên cạnh một con vật để so sánh.

Hầu hết phụ nữ đều nói rằng họ bị những người đàn ông Hồi giáo quấy rối trực tuyến. Trong trường hợp này, nạn nhân sẽ không bị thương tổn về mặt thể xác, những họ bị thương tổn về mặt sức khỏe tâm thần.

Khi phu nu tro thanh nan nhan cua thu tieu khien 'nem da tren mang xa hoi'
Nalisa Alia bị tấn công vì quan điểm chống thói gia trưởng và ủng hộ cộng đồng LGBT - Ảnh: Nalisa Alia Amin

Arlina Arshad, một người dùng Twitter và Instagram, thú nhận việc cộng đồng mạng tấn công trọng lượng của cô đã dẫn đến việc cô suy nghĩ về chuyện tự tử.

Hiện tại, Malaysia không có luật về giới để bảo vệ phụ nữ khỏi bạo lực trực tuyến, phần lớn là do nhận thức rằng những gì xảy ra trên mạng không được coi là "cuộc sống thực".

Trong khi đó, Đạo luật Truyền thông và đa phương tiện hiện hành đôi khi chống lại quyền tự do Internet bằng cách trừng phạt người dùng đăng thông điệp được coi là không phù hợp với đường lối chính trị hay tôn giáo của chính quyền.

Thanh Vân (theo BBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI