Khi phụ nữ nghĩ khác về hôn nhân

23/07/2024 - 20:49

PNO - Những năm gần đây, khi ngày càng nhiều thanh niên Hàn Quốc có xu hướng né tránh vấn đề lập gia đình, có hai phụ nữ với lối suy nghĩ cởi mở đang nỗ lực “phá vỡ” tư duy bảo thủ về hôn nhân.

Trong sự kiện giao lưu – thảo luận về quyển sách bán chạy của nữ tác giả Sunwoo Hwang và Hana Kim, xoay quanh cuộc sống như 2 người bạn độc thân chung nhà tại Hàn Quốc, một người đàn ông đứng dậy, buông lời chỉ trích.

Người này cho rằng, câu chuyện Hwang và Kim chia sẻ đang khiến tỉ lệ sinh ở quốc gia Đông Á – vốn đã rơi xuống mức thấp nhất thế giới – trở nên tệ hơn.

“Anh ta biện hộ rằng, sau khi đọc cuốn sách, phụ nữ có thể muốn xây dựng lối sống độc thân như chúng tôi”, Hwang nói. “Điều mỉa mai là, người đàn ông đó, ở tuổi ngoài 40 như chúng tôi, cũng chưa lập gia đình. Vì sao đang có nhiều người trưởng thành quyết định không kết hôn hay có con, nhưng phụ nữ thường bị đổ lỗi hơn cả cho tình trạng này?”

Kim (trái) và Hwang, 47 tuổi, không phải một cặp đôi. Họ đang sống cùng nhà như hai người bạn độc thân, cùng xây dựng “tổ ấm” chung bình đẳng.
Kim (trái) và Hwang, 47 tuổi, không phải một cặp đôi. Họ đang sống cùng nhà như hai người bạn độc thân, cùng xây dựng “tổ ấm” chung bình đẳng.

“Đánh đổ” tư duy gia trưởng

Xã hội Hàn Quốc chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi tư duy gia trưởng và khuôn mẫu gia đình truyền thống. Chính phủ cung cấp hàng loạt lợi ích – liên quan đến thuế thu nhập, nhà ở, bảo hiểm và những ưu đãi khác – dành cho người đã lập gia đình. Ngược lại, gia đình được xem là “nền tảng” gánh vác phúc lợi xã hội, như chăm sóc người thân ốm đau, tàn tật, người cao tuổi.

Các chuẩn mực lâu đời này có thể sẽ sớm thay đổi. Ngày 18/7 vừa qua, Tòa án Tối cao Hàn Quốc đưa ra phán quyết mang tính bước ngoặt: những cặp đôi đồng giới đủ điều kiện nhận trợ cấp từ dịch vụ bảo hiểm y tế nhà nước.

Với việc hàng triệu người dân xứ Hàn đang tỏ thái độ tránh né kết hôn – sinh con, tư tưởng đặt nặng vai trò gia đình có dấu hiệu bị “lung lay”. Bên cạnh tỉ lệ sinh xuống thấp đến mức đáng quan ngại, Hàn Quốc có tỉ lệ người tự tử cao nhất trong số các quốc gia phát triển.

Để hướng mọi người đến một lối sống tinh thần lành mạnh hơn, xoa dịu sức ép cố hữu liên quan đến hôn nhân, Kim và Hwang – đang sống cùng nhà như hai người bạn đơn thuần – muốn tái lập khái niệm về gia đình.

Quyển sách họ đồng sáng tác, Hai phụ nữ sống cùng nhà (xuất bản năm 2019), trở nên nổi tiếng chính bởi thông điệp này. Sách cùng chương trình trò chuyện trực tuyến hằng tuần của cả hai đã thu hút hàng trăm ngàn độc giả, thính giả khắp cả nước. Lấy cảm hứng từ Hwang và Kim, nhiều phụ nữ bắt đầu nghĩ đến giải pháp tìm bạn sống chung nhà để thoát khỏi áp lực hôn nhân.

Gắn bó nhưng không ràng buộc

Với hiện trạng giá nhà đất và chi phí giáo dục tăng phi mã tại xứ Hàn, ước tính gần 42% các hộ gia đình chỉ bao gồm 1 thành viên.

Kim và Hwang mô tả họ như một “gia đình tự lập”. Lối sống nương tựa, chia sẻ vui buồn cùng nhau nhưng không lệ thuộc hay trói buộc, khác với khuôn mẫu gia đình truyền thống, đã khơi gợi nên lựa chọn mới cho những phụ nữ xung quanh họ. “Chúng tôi không muốn đánh mất sự tự do của người độc thân, nhưng đồng thời có thể tìm được lợi ích chung khi ở cùng nhà”, Kim cho biết.

“Khi tôi còn trẻ, mọi người hỏi thăm việc hôn nhân, con cái của tôi bình thản như đang nói về chuyện thời tiết”, Hwang nói. “Phụ nữ khi đến độ tuổi trung niên như chúng tôi đều được gán cho các xưng hô của người đã có gia đình, dẫu người ngoài không biết gì chúng tôi”.

Đôi bạn trung niên dù khác biệt về sở thích và phong cách sống, vẫn tìm thấy điểm chung để san sẻ, trải nghiệm cùng nhau.
Đôi bạn trung niên dù khác biệt về một số sở thích và phong cách sống, vẫn tìm thấy điểm chung để san sẻ, trải nghiệm cùng nhau.

“Điều chúng tôi muốn diễn đạt thông qua câu chuyện của bản thân là, dù đã qua tuổi xuân xanh và không kết hôn đi nữa, phụ nữ vẫn có quyền tự hào về bản thân họ”, Kim nhấn mạnh.

Dongwan Kook, một nghệ sĩ mỹ thuật 44 tuổi làm việc tại Seoul, yêu thích chương trình talkshow của Kim và Hwang “vì những nội dung thảo luận thẳng thắn, dễ gây đồng cảm”.

Một phụ nữ trưởng thành khác kết luận rằng, thành công của chương trình “cho thấy sự thiếu hụt tiếng nói của những phụ nữ chọn cách không kết hôn hay đơn giản là yêu lối sống độc thân”.

Trong một cuộc khảo sát tiến hành bởi Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc năm 2020, gần 70% người được hỏi tin rằng những người sống cùng nhà, chia sẻ trách nhiệm và chi phí cuộc sống “nên được xem là một gia đình” dù họ không có quan hệ hôn nhân hay cùng huyết thống.

Cũng qua khảo sát này, các cặp đôi yêu nhau nhưng không kết hôn tiết lộ họ thường thấy hạnh phúc hơn, san sẻ công việc nhà bình đẳng hơn các cặp vợ chồng chính thức.

“Chúng tôi tin mình có thể chờ đến ngày Hàn Quốc tiếp nhận cởi mở hơn lối sống của chúng tôi”, Hwang bày tỏ.

Như Ý (theo NYTimes)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI