Khi phụ nữ lãnh đạo thế giới

08/11/2018 - 06:00

PNO - Đã đến lúc nhìn vào lịch sử, tìm hiểu những người phụ nữ quyền lực của Ai Cập cổ đại đã nhiều lần cứu độ người dân, để ngẫm nghĩ về nữ quyền và vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong thời đại hiện nay.

Những ngày này, đọc tin tức là công việc gây ức chế và lo âu. Xả súng hàng loạt, bom thư, ám sát, và trên hết là biến đổi khí hậu ám ảnh các diễn đàn.

Nguồn gốc của tàn ác trong xã hội hiện đại thường giống nhau: các lãnh đạo nam muốn duy trì quyền lực kinh tế, chính trị và tôn giáo bất kể cái giá phải trả. Liệu tình hình có khác đi nếu quyền lực tối cao nằm trong tay phụ nữ, và khác như thế nào? Câu hỏi ấy – lịch sử đưa ra câu trả lời – là có.

Khi phu nu lanh dao the gioi
Cuốn sách When Women Ruled the World (Khi phụ nữ cai trị thế giới), giáo sư Ai Cập học Kara Cooney

Trong cuốn sách When Women Ruled the World (Khi phụ nữ cai trị thế giới), giáo sư Ai Cập học Kara Cooney (Đại học California, Los Angeles) khám phá cuộc sống của sáu nữ pharaoh nổi bật, từ đó đặt ra câu hỏi về nữ quyền trong thời đại hiện nay. 

Trong quá khứ, người Ai Cập cổ đại tin tưởng giao cho nữ lãnh đạo trọng trách cai trị và bảo vệ đất nước tại những thời điểm khó khăn. Thật vậy, khi có một cuộc khủng hoảng chính trị, họ chọn phụ nữ để lấp đầy khoảng trống quyền lực, chính vì phụ nữ thường là lựa chọn ít rủi ro nhất, là biện pháp bảo vệ tốt nhất cho chế độ phụ hệ trong giai đoạn bất ổn.

So với các đế chế khác cùng thời đại, vương quốc Ai Cập rất khác biệt. Nó được ranh giới tự nhiên của sa mạc và biển bảo vệ khỏi những cuộc xâm lược, chiến tranh và căng thẳng liên tục đe dọa Mesopotamia, Syria, Ba Tư, Hy Lạp và Rome. Ở những vùng đất này, nếu một đứa trẻ lên ngôi, cả cộng đồng sẽ kêu gọi cạnh tranh quân sự để chiếm lấy ngai vàng.

Nhưng tại Ai Cập, nhà lãnh đạo dù nhỏ tuổi đến đâu đều được tôn kính như vua chúa, bởi họ có phụ nữ bảo vệ. Thay vì xem đứa trẻ là trở ngại đến quyền lực, các bà mẹ, cô dì, chị em sẽ đảm bảo vị trí trung tâm của bánh xe quyền lực cho đứa trẻ. Xu hướng ổn định này được áp dụng nhiều lần xuyên suốt lịch sử Ai Cập.

Khi phu nu lanh dao the gioi
Tượng bán thân Nữ hoàng Ai Cập Nefertiti

Trong triều đại đầu tiên (khoảng năm 3000-2890 TCN), khi chồng là Đức vua Djet qua đời, Nữ hoàng Merneith bước vào cuộc chơi quyền lực thay cho con trai nhỏ, không cho phép một người chú làm nhiếp chính và thao túng hoàng tử. Căn cứ vào tài liệu lịch sử còn sót lại thì Merneith là nữ hoàng đầu tiên đưa con trai lên ngôi thành công cũng như bảo đảm ổn định ở Ai Cập.

Trong triều đại 12 (khoảng năm 1985-1773 TCN), khi không có thái tử kế vị ngai vàng, Neferusobek - vợ của vị vua đã băng hà - bước lên cai trị và dẫn dắt Ai Cập cho đến khi người thừa kế sẵn sàng tiếp quản.

Đến triều đại 18 (khoảng năm 1550-1295 TCN), khi nhà vua băng hà chỉ sau ba năm tại vị khiến đứa bé mới tập đi trở thành pharaoh, người cô đã phá vỡ luật lệ để bắt đầu thời đại của Hatshepsut. Bà lãnh đạo Ai Cập hơn hai thập kỷ, là nữ hoàng tại vị dài nhất trong lịch sử, và chỉ rời bỏ vương quốc khi đất nước phát triển thịnh vượng.

Cũng trong triều đại 18, khi vua Akhenaten áp đặt chủ nghĩa cực đoan tôn giáo lên người dân, ông biến vợ là Nefertiti thành người đồng cai trị. Bà chắc hẳn là lựa chọn an toàn nhất để nắm giữ quyền lực, và có tranh luận rằng bà đã phải vất vả dẹp yên những rắc rối do chồng gây ra.

Khi phu nu lanh dao the gioi
Được khắc họa như một nhân sư, pharaoh Hatshepsut sở hữu bờm sư tử và bộ râu của một vị vua truyền thống.

Trong triều đại 19 (năm 1295-1186 TCN), Nữ hoàng Tawosret được chọn làm nhiếp chính cho vị vua nhỏ tuổi, vốn không phải con trai của bà, và thậm chí được phép cai trị như vua sau khi ông qua đời. Tuy nhiên, do không vừa mắt lãnh chúa, bà bị trừng phạt và đoạt quyền.

Nổi tiếng nhất là Nữ hoàng Cleopatra của triều đại Ptolemaic (305-285 TCN). Bà đã loại bỏ anh chị em để đoạt lấy ngai vàng, rồi nỗ lực hết sức để gây dựng triều đại tốt đẹp cho các con.

Ngay cả nhân vật quyến rũ nhất trong số các nhà lãnh đạo La Mã này cũng có đường lối cai trị khác với chồng Marc Antony. Trong khi ông là kẻ xâm lược bại trận tại Parthia, bà ở lại Ai Cập và giữ yên ổn bờ cõi. Trong khi đức ông chồng tham gia vào Trận chiến Actium, bà cùng quân đội chạy thoát về Ai Cập để thực hiện những việc có ý nghĩa hơn.

Khi phu nu lanh dao the gioi
Bức tượng bazan màu đen của Cleopatra là một trong số ít những mô tả còn sót lại về vị pharaoh cuối cùng của triều đại Ptolemaic.

Lịch sử cho thấy người Ai Cập hiểu rằng phụ nữ cai trị khác với đàn ông. Và do đó, họ dùng phụ nữ để bảo vệ chế độ phụ hệ, đóng vai trò tạm thời, giữ chỗ cho đến khi người đàn ông tiếp theo sẵn sàng đảm nhận trọng trách lãnh đạo.

Nhưng dù nắm giữ bao nhiêu quyền lực hay được gọi là nữ hoàng, họ đã không thể vượt qua chương trình nghị sự phụ hệ và thay đổi cốt lõi hệ thống. Khi triều đại của họ kết thúc, cấu trúc quyền lực Ai Cập vẫn giữ nguyên.

Các nhà khoa học nhận thức cho biết não bộ của nữ giới khác với nam giới, trong khi phía khoa học xã hội khẳng định: nam giới chịu trách nhiệm cho nhiều tội mang tính bạo lực như cưỡng bức và giết người.

Nhìn chung, phụ nữ ít có khả năng phạm tội giết người hàng loạt, ít có khuynh hướng bắt đầu chiến tranh; sở hữu khả năng thông tin và thể hiện cảm xúc đa dạng, quan tâm đến sắc thái hơn là quyết định. Có lẽ đây là các phẩm chất mà người Ai Cập cổ đại phát hiện ra trong thời kỳ khủng hoảng.

Khi phu nu lanh dao the gioi
Trong hàng ngàn năm, phụ nữ đã cai trị trong các ngôi làng hẻo lánh và trị vì các đế chế lớn. Bức ảnh này là chân dung một công chúa Mông Cổ trong trang phục thiết triều chính thống những năm 1920.

Các nữ hoàng vẫy gọi từ quá khứ, thách thức chúng ta đặt phụ nữ vào quyền lực chính trị, không phải là đại diện của triều đại phụ hệ mà là những cá nhân độc lập phục vụ chương trình nghị sự của chính họ: kết nối xã hội, gắn kết tình cảm thay vì phục vụ cuộc chiến xâm lược của cha, anh em hay con trai.

Đã đến lúc nhìn vào lịch sử, tìm hiểu những người phụ nữ quyền lực của Ai Cập cổ đại đã nhiều lần cứu độ người dân. Qua bao thăng trầm, thấu cảm chân thành của họ là yếu tố cảm xúc có thể dẫn dắt nhân loại qua thử thách và khổ nạn của thế kỷ 21.

Nếu đặc điểm này được khai thác, hy vọng kết nối toàn dân hiệu quả hơn, chinh phục thỏa hiệp, gạt ngón tay khỏi cò súng có lẽ không còn xa. Nhưng lần này, phụ nữ cần đặt bản thân ở vị trí trước tiên và trung tâm.

Ngọc Anh (theo National Geographic)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI