Khi phụ nữ Iran muốn giống đàn ông

12/06/2016 - 09:19

PNO - Những ngày qua, hình ảnh phụ nữ Iran cắt phăng mái tóc dài và ăn mặc như nam giới để thoát khỏi lực lượng “cảnh sát đạo đức” đã làm nổ ra nhiều cuộc tranh luận.

Năm 1979, sau khi cuộc cách mạng Hồi giáo Iran thành công, phụ nữ nước này phải tuân theo đạo luật mặc trang phục hijab (bộ áo rộng cùng với khăn trùm kín đầu) từ năm bảy tuổi mỗi lần xuất hiện nơi công cộng. Bộ trang phục nhắn gửi phụ nữ rằng, họ rất đẹp, nhưng nếu phô trương vẻ đẹp ra bên ngoài, đồng nghĩa với cám dỗ tình dục.

Khi phu nu Iran muon giong dan ong
Cảnh sát đạo đức đang cảnh báo một phụ nữ Iran về trang phục của mình“

Từ đó, chính quyền Iran thành lập lực lượng “cảnh sát đạo đức”, kết hợp với đội tuần tra giám sát việc phụ nữ tuân thủ việc phục trang. Lực lượng này có quyền cảnh cáo, phạt, thậm chí bắt giữ người vi phạm. Ngày nay, nhiều phụ nữ Iran suy nghĩ thoáng hơn, họ không chấp nhận ăn mặc hở hang nơi công cộng mà chỉ muốn thể hiện nét đẹp riêng qua gương mặt, mái tóc.

Đó chủ yếu là phụ nữ trẻ, họ dùng phương tiện truyền thông xã hội để bày tỏ sự phản kháng của mình trước đạo luật nêu trên. Một cô đưa hình ảnh “lột xác” của mình kèm dòng chú thích: “Tôi là phụ nữ Iran. Tôi quyết định cắt mái tóc dài và khoác lên người trang phục của đàn ông để tự do xuống phố mà không sợ cảnh sát đạo đức bắt gặp”.

Khi phu nu Iran muon giong dan ong
Nhà báo Masih Alinejad

Một số nhà hoạt động xã hội khuyến khích du khách đến Iran không cần đội khăn. Người ta còn tạo ứng dụng mobile giúp phụ nữ tránh né chốt kiểm soát của cảnh sát đạo đức. Hai năm trước, nữ nhà báo Masih Alinejad hiện sống ở Mỹ đã tổ chứ c chiến dịch chống lại việc bắt buộc phụ nữ mặc hijab và đăng ảnh phụ nữ không khăn trùm đầu trên trang facebook My Stealthy Freedom của mình. Hiện có gần một triệu người theo dõi trang này, nhiều phụ nữ hưởng ứng bằng cách đăng ảnh tương tự.

Alinejad cho biết: “Mặc dù chính phủ tìm cách trấn áp nhưng các cô gái Iran vẫn muốn thể hiện phong cách sống của mình. Phụ nữ rất yêu quý mái tóc nên việc cắt phăng mái tóc dài thực sự là điều dũng cảm”. Cô Kajal (29 tuổi) đã ăn mặc như nam thanh niên từ khá lâu, cô thấy mình thật mạnh mẽ và tự do.

Kajal chia sẻ: “Tôi đến chơi nhà người thân với mái tóc cắt ngắn và không khăn trùm đầu. Từng ngày trôi qua, tóc tôi dài thêm và họ cũng quên dần việc nhắc nhở tôi phải trùm đầu. Bây giờ, gia đình đã quen với điều này, không còn khó khăn như trước. Khi trưởng thành hơn, tôi nhận ra phụ nữ thường bị xem là phái yếu, kém thông minh và không được hưởng tự do như nam giới. Tôi muốn bề ngoài của mình như đàn ông để “tồn tại” trong xã hội Iran mà không gặp rắc rối”.

Để trấn áp hành động đi ngược truyền thống đó, chính quyền Iran có nhiều hình phạt gay gắt. Năm 2014, một nhóm gồm ba người đàn ông và ba phụ nữ bị phạt 91 roi và một năm tù giam vì có hành vi nhảy múa với người khác giới và phụ nữ thì để đầu trần trong một video clip. Một nữ chính trị gia bị loại khỏi quốc hội Iran sau khi hình ảnh của cô trên trang mạng cho thấy cô không choàng khăn, mặc dù cô khẳng định đó là hình giả mạo.

Khi phu nu Iran muon giong dan ong

Gần đây, tám người mẫu Iran bị cảnh sát bắt giữ khi đăng ảnh bị cho là “thô tục” với mái tóc không được trùm kín. Một người trong số họ phải công khai xin lỗi trên truyền hình quốc gia. Không chỉ chính quyền mà các vụ tấn công axí t từ những người quá khích còn tạo thêm bất an cho phụ nữ, chẳng hạn năm 2014, khoảng bốn đến tám vụ tạt axít nhắm vào những phụ nữ mặc hijab không đúng cách (như để hở tóc quá nhiều) ở thành phố Isfahan.

Trên thực tế, Tổng thống Iran Hassan Rouhani từng thể hiện mong muốn nới lỏng đạo luật so với những người tiền nhiệm và đề nghị hạn chế lực lượng cảnh sát đạo đức. Tuy nhiên, ông chưa có lập trường rõ ràng. Khi xem hình ảnh từ trang mạng của Alinejad, ông chỉ có thể nói: “Tất cả những ai đang sống ở Iran cần phải tuân theo luật lệ của đất nước”.

Liệu sự nghiêm khắc mà chính quyền Iran áp đặt lên phụ nữ có góp phần duy trì truyền thống văn hóa, đạo đức? Lối sống hiện đại của phụ nữ nên được chấp nhận theo hướng nào? Đây vẫn là vấn đề không thể giải quyết một sớm một chiều.

Nguyễn Khanh (Theo Independent, Mei.edu, The Guardian, BBC, milk.xyz)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI