edf40wrjww2tblPage:Content
Một gia đình đến đóng góp cho chương trình đồng lòng hướng về biển đảo thiêng liêng của Báo Phụ Nữ
TÒA SOẠN MỘT LÒNG
Còn nhớ, đó là buổi sáng ngày 7/5, khi cả nước lặng đi trước sự kiện tàu Trung Quốc (TQ) phun vòi rồng vào tàu kiểm ngư và cảnh sát biển Việt Nam, không khí ở tòa soạn Báo Phụ Nữ cũng trở nên căng thẳng hơn mọi ngày. Không có lệnh triệu tập, nhưng gần như tất cả phóng viên (PV) đều tụ về tòa soạn; tâm trạng bồn chồn như chỉ muốn được nhận ngay một nhiệm vụ nào đó để góp tiếng nói về chủ quyền quốc gia, dân tộc… Mọi người đã nhất trí về đường lối thông tin: “Cập nhật mọi thông tin về biển đảo; hướng về hậu phương người lính...”, đó là những điều bạn đọc đang trông chờ, đang cần biết.
Các PV tỏa đi. Ngay sáng hôm sau, tờ báo tung ra rực rỡ một màu đỏ: Sóng không chỉ từ biển, Cộng đồng facebook dậy sóng, Không bao giờ bỏ biển…
Những ngày ấy, không chỉ thông tin thời sự về biển đảo mà tình hình diễn ra tại các nhà máy ở Bình Dương và TP.HCM cũng khiến các PV nhấp nhổm. Ngay khi sự kiện một số phần tử xấu lợi dụng tuần hành, kích động đập phá tài sản và hôi của của các doanh nghiệp, PV Quốc Quang đã có mặt tại Bình Dương. Trong hỗn loạn, lần nào anh giơ máy ảnh lên cũng bị đuổi, đánh. Chật vật vậy nhưng ý thức được mỗi câu chữ của mình trong tình hình này có thể bị kẻ xấu lợi dụng, xuyên tạc, anh vẫn rất cẩn trọng lọc từng thông tin để gửi về tòa soạn.
Trong khi Quốc Quang “cắm” ở “điểm nóng” Bình Dương thì tại các khu công nghiệp Bình Tân, Vĩnh Lộc (TP.HCM), hai PV Quỳnh Mai, Phan Trí cũng bị những kẻ quá khích truy đuổi, không cho tác nghiệp. Trở về từ “thực địa” trưa 15/5, Phan Trí, Quỳnh Mai vui mừng: “Công nhân ở các KCX-KCN đã trở lại làm việc…”.
Nhớ lại những ngày làm báo, đồng lòng vì biển đảo thiêng liêng ấy, PV Quỳnh Mai tâm sự: “Hôm đó, trời nắng như thiêu đốt, hơn bảy giờ đồng hồ (từ 6g sáng - 1g chiều) đứng ghi nhận, phỏng vấn giữa hàng ngàn người tập trung trước sảnh Nhà hát TP.HCM với biểu ngữ trên tay, miệng hô vang các khẩu hiệu biểu thị tình đoàn kết, quyết tâm bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; phản đối hành động ngang ngược của nhà cầm quyền TQ, chúng tôi rất xúc động và tự hào. Đó thật sự là một kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời làm báo của tôi”.
Nếu tại TP.HCM, không khí tòa soạn vừa căng thẳng, vừa cấp tập thì ở Hà Nội, các PV Quỳnh Hương, Huyền Anh cũng không bỏ sót một dòng thời sự nào. Nơi “khúc ruột miền Trung”, các PV Trung Việt, Đình Thức đau đáu hướng về những con tàu. Buổi sáng PV Trung Việt bảo đang ở cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, tối anh đã ở nhà của thượng úy Lê Trung Thành, thuyền trưởng tàu CSB 4033 tại Núi Thành, Quảng Nam để động viên gia đình, giúp anh Thành vững niềm tin chiến đấu…
PV đang tác nghiệp tại chợ Bến Thành, nhằm giúp độc giả nhận biết
rau củ quả Trung Quốc độc hại
BẠN ĐỌC ĐỒNG HÀNH
Khi đón nhận những thông tin nóng bỏng đầu tiên trên mặt báo về Biển Đông, về những người vợ, người mẹ cảnh sát biển, chị Lê Phương, một bạn đọc của báo ở Q.12 đã gọi điện thoại, giọng gần như nài nỉ: “Hãy cho chúng tôi góp chút quà cho vợ con những người lính biển. 1.000 bộ đồng phục nhé, Phụ Nữ ơi”. Lời đề nghị của chị khiến chúng tôi nhớ, việc tiếp lửa cho biển Đông không phải chỉ bằng những bài báo… Ngay ngày hôm đó, báo phát động chương trình quyên góp Đồng lòng hướng về biển đảo thiêng liêng. Chương trình còn chưa đưa lên mặt báo, trong ngày 13/5, tất cả PV, nhân viên của Báo đã gọi mời mọi nguồn lực ủng hộ. Chẳng cần công văn, giấy tờ, chỉ nghe xong cuộc gọi trao đổi vắn tắt của một PV, giám đốc một công ty giày da đã gửi tiền góp ngay cho chương trình. Thật ra, không phải cuộc vận động quyên góp nào cũng dễ dàng, nhất là vào lúc kinh tế khó khăn như giai đoạn hiện nay, nhưng như lời người đại diện công ty Minh Hưng, đơn vị trao tặng 500 chiếc mùng chống muỗi, đã nói: “Đất nước có biến, không người dân nào có thể thờ ơ”.
Từ hôm ấy, những hình ảnh cảm động của các văn nghệ sĩ, em bé, cụ già, gom góp tiền quà cho hậu phương người lính cứ liên tiếp xuất hiện ở phòng tiếp bạn đọc của Báo. Các anh chị làm việc tại phòng xuýt xoa: “Quả thật, khi nước có biến là biết liền lòng yêu nước của dân!”. Mang tiền cá nhân đến ủng hộ chương trình, nhà văn Trầm Hương nghe điều này đã nói: “Yêu nước, đó là tinh thần bất diệt của người dân Việt chúng ta mà…”.
Những món tiền “nóng” đã được trao tận tay vợ con những cảnh sát biển, kiểm ngư viên gặp khó khăn; những món quà ấm áp nghĩa tình đã theo xe của đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM ra Lý Sơn đến tận tay những gia đình đang cần chúng nhất. Cầm trên tay xấp áo sơ mi đồng phục học trò cùng những chiếc mùng chống muỗi ChamCham chuẩn bị cho chuyến ra Quảng Ngãi thăm gia đình các ngư dân, kiểm ngư và cảnh sát biển, ông Huỳnh Đăng Linh - Phó chủ tịch UBMTTQ TP chia sẻ: “Đúng là chỉ có Phụ Nữ mới nghĩ ra được những món quà thiết thực thế này!”…
BIỂN BỜ KHÔNG XA NỮA
6g30, ngày 29/5, trên đường trao tặng Mái ấm biên cương cho trung úy Dương Văn Sơn, đồn biên phòng Tân Thắng, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, bỗng chuông điện thoại của PV Nghi Anh đổ dồn. Đầu dây bên kia, giọng đại tá Trần Văn Dũng, Chính ủy Vùng cảnh sát biển 2 như đang kìm tiếng nấc: “13g30 chiều nay, các anh sẽ ra lai dắt chiếc tàu cá của ngư dân bị TQ đâm chìm vào bờ, Phụ Nữ cử phóng viên đi cùng, em nhé…”. Sáng hôm sau, Báo Phụ Nữ đã kịp xuất hiện bài viết xúc động của PV Đình Thức Đón người về từ Hoàng Sa.
Từ sự kiện Biển Đông, tin tức giữa biển và bờ thêm gần lại. Tất cả những người lính, ban chỉ huy ở các đảo khu vực Trường Sa - Hoàng Sa, hễ có thông tin gì cũng gọi về báo tin cho PV “ruột” của mình. Đại tá Nguyễn Văn Thắng, Chính ủy lữ đoàn Trường Sa cứng rắn khẳng định: “Báo Phụ Nữ đã đồng hành với Trường Sa từ rất lâu rồi. Với sự kiện Biển Đông lần này, anh em ở đảo hỗ trợ cung cấp thông tin cho Báo Phụ Nữ vừa để cùng nhau làm nhiệm vụ chính trị, vừa vì một tình cảm rất đặc biệt, không thể nào tả hết…”.
Chưa đến ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, nhưng sáng 19/6, đại tá Trần Văn Dũng từ vùng cảnh sát biển 2 vừa theo tàu cập cảng Tiên Sa đã hỏi địa chỉ tòa soạn để đến thăm và tặng hoa chúc mừng. Khi biết Phụ Nữ chưa có văn phòng đại diện ở miền Trung, mà chỉ có phóng viên thường trú, anh tiếc ngẩn ngơ: “Vậy mà đọc tin bài, xem các bạn đi xoành xoạch các nơi, anh cứ tưởng… Khâm phục và cảm ơn các bạn lắm!”.
Nhóm PV CTXH