Khi phụ nữ chọn ở cùng nhau

24/01/2025 - 06:28

PNO - Khó khăn kinh tế và sự cô đơn là 2 trong số nhiều yếu tố khiến phụ nữ chọn ở cùng nhau khi về già.

“Tối lửa tắt đèn” có nhau

Bà Sue Ronnenkamp (67 tuổi, một nhà giáo dục ở Mỹ) muốn thuê nhà với mức giá vừa phải, nơi ở có thể giải quyết được những khó khăn của tuổi già, bao gồm cả các vấn đề về sức khỏe. Sau khi chuyển từ TP Philadelphia đến TP Denver, bà bắt đầu tìm bạn cùng phòng. Giữa lúc thị trường nhà ở khó khăn, tình trạng lạm phát khó đoán, ngày càng nhiều phụ nữ lớn tuổi như bà tìm kiếm người cùng ở chung.

Theo một báo cáo năm 2023 từ Trung tâm nghiên cứu Nhà ở chung của Đại học Harvard, gánh nặng chi phí nhà ở là mối bận tâm của đa số người cao tuổi. Phụ nữ lớn tuổi cảm thấy căng thẳng về vấn đề này nhiều hơn do tiền tiết kiệm, tiền hưu của họ ít hơn so với nam giới bởi khoảng cách tiền lương và gánh nặng chăm sóc gia đình.

Carolyn Mackenzie, Pat Dunn và Faye Petherick (từ trái sang) gặp nhau trong nhóm Facebook được Dunn tạo ra khi bà tìm kiếm những người phụ nữ lớn tuổi để sống cùng - ẢNH: HAYDN WATTERS (CBC)
Carolyn Mackenzie, Pat Dunn và Faye Petherick (từ trái sang) gặp nhau trong nhóm Facebook được Dunn tạo ra khi bà tìm kiếm những người phụ nữ lớn tuổi để sống cùng - ẢNH: HAYDN WATTERS (CBC)

Jenn Jones - Phó chủ tịch Hiệp hội hưu trí Mỹ (AARP) - cho biết: “Chia sẻ nhà là cách người lớn tuổi duy trì sự độc lập của họ”. Với bà Ronnenkamp, ​​bên cạnh việc tiết kiệm chi phí khi có người sống chung còn là nhu cầu có một người bên cạnh để “tối lửa tắt đèn” có nhau.

Bà đã lập danh sách về những điều mình muốn ở một người bạn cùng nhà, không quá kén chọn. “Và rồi một người lạ xuất hiện, đó là một giáo viên đã nghỉ hưu, hơn tôi 6 tuổi” - bà kể.

Hầu hết thời gian, bà Ronnenkamp và người bạn chung nhà sống với nhau rất hòa thuận, cùng nhau ăn tối vài đêm mỗi tháng. Bà Ronnenkamp còn dành một số buổi sáng thứ Bảy chơi với đứa cháu trai 3 tuổi của bạn cùng nhà, dự lễ Tạ ơn cùng gia đình họ hằng năm.

Bà bộc bạch: “Thật tuyệt khi thức dậy và nghe ai đó nói chào buổi sáng, chúc một ngày tốt lành”.

Pat Dunn (74 tuổi) là người sáng lập tổ chức Senior Women Living Together (SWLT), trụ sở tại Ontario, Canada. Bà từng cảm thấy lạc lối sau cái chết của chồng cách đây 1 thập niên và phải sống trong xe hơi. Bà đã lập một nhóm trên mạng xã hội Facebook vào năm 2019, tìm kiếm những phụ nữ lớn tuổi khác quan tâm đến việc sống chung, chia sẻ tiền thuê nhà.

Thật bất ngờ, bà Dunn đã nhận được hàng trăm phản hồi. Hiện tại, SWLT là nhóm mở cho những phụ nữ độc thân, từ 55 tuổi trở lên và đang sống tại Ontario. Những gì thành viên cần làm là đăng ký trên nền tảng của SWLT, tạo hồ sơ cá nhân và tìm kiếm trong danh bạ thành viên.

Nền tảng cung cấp danh sách và hướng dẫn cách lựa chọn bạn cùng nhà tiềm năng. Khi đã có bạn, các thành viên trao đổi, thỏa thuận về việc chia sẻ nhà và bắt đầu tìm kiếm một nơi ở. Có thể là một thành viên sẽ chuyển đến nhà của thành viên khác, cùng thuê nhà và sẽ được SWLT hỗ trợ tìm nhà nếu cần.

Vẫn ổn dù lớn tuổi, độc thân

Một gia đình ở Hàn Quốc thường bao gồm vợ/chồng, cha mẹ và con cái. Tuy nhiên do chi phí nhà ở và giáo dục tăng vọt, gần 42% hộ gia đình trên cả nước hiện chỉ có vỏn vẹn 1 thành viên. Trong cuốn sách bán chạy nhất năm 2019 - Hai người phụ nữ sống chung - 2 tác giả Hwang Sunwoo và Kim Hana đã thảo luận về cuộc sống chung của họ với tư cách là những phụ nữ độc thân ở Hàn Quốc.

Cả hai tự mô tả mình là “một gia đình tự lập”. Cách sống của họ là một lựa chọn cho những phụ nữ không muốn sống độc thân hoặc ở trong một gia đình điển hình của Hàn Quốc - nơi người chồng chỉ dành trung bình 54 phút mỗi ngày cho công việc nhà trong khi người vợ phải dành hơn 3 giờ, ngay cả khi cả hai đều có công việc toàn thời gian. “Chúng tôi kết hợp sự tự do khi còn độc thân và lợi ích của việc sống chung” - cô Kim cho biết.

Cuốn sách của 2 người phụ nữ 48 tuổi kể lại cách họ sống cùng nhau mặc cho những khác biệt. Khi chuyển đến căn hộ mua chung vào năm 2016, cô Kim - một người theo chủ nghĩa tối giản - đã kinh ngạc trước đống quần áo và đồ đạc “chất cao như núi” của cô Hwang.

Nhưng dần dần, họ bổ sung điểm còn thiếu cho nhau. Cả hai đều thích trò chuyện và họ đã truyền tải vào podcast nội dung thảo luận về mọi thứ, từ sách và phim ảnh đến cách vượt qua lo lắng và giữ dáng ở tuổi trung niên. Hiện tại, cả hai kiếm sống bằng nghề viết lách và dẫn chương trình podcast.

Cô Kim cho biết: “Điểm chính cần rút ra là phụ nữ ở độ tuổi 40 vẫn hoàn toàn ổn nếu chưa kết hôn. Đó không phải là cuộc sống thất bại”.

Ngọc Hạ (theo The NY Times, CBC, The Washington Post, The Budgette)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI