Khi phụ huynh tham gia giám sát bữa ăn bán trú

31/10/2023 - 16:55

PNO - Các trường học tại TPHCM huy động phụ huynh, học sinh, giáo viên cùng giám sát bữa ăn bán trú.

Phụ huynh giám sát qua lớp học mở

Trong suốt tuần lễ Open house vừa qua, Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) mở cửa để phụ huynh cùng vào học, ăn bữa ăn bán trú với con, tham quan nhà bếp, quá trình chế biến bữa ăn.

Chị Huyền Trang - phụ huynh học sinh lớp 1/6, Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm nhận định: “Trực tiếp xuống bất ngờ và chứng kiến nhân viên chế biến bữa ăn trưa cho trẻ, tôi rất an tâm. Thực phẩm tươi, có nguồn gốc trong ngày. Nhân viên chế biến thực phẩm đều mặc đồ chế biến, khu vực xử lý thức ăn rất sạch sẽ…”

Phụ huynh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm giám sát bữa ăn bán trú
Phụ huynh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm giám sát bữa ăn bán trú

Theo chị Trang, hàng ngày nhà trường đều công khai danh sách các món ăn bán trú của con, nhưng tôi cho rằng như vậy là chưa đủ. Bởi, nếu chỉ nhìn vào danh sách đó, phụ huynh chỉ biết hôm nay con ăn món gì mà không thể biết được quá trình chế biến như thế nào, thực phẩm được lựa chọn ra sao… Vì vậy, việc nhà trường để phụ huynh giám sát bữa ăn bán trú là hết sức cần thiết và nên được duy trì. 

Năm học này, do thực hiện sửa chữa, Trường THCS Minh Đức (quận 1) chuyển từ nấu bếp ăn tại trường sang hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn để phục vụ bán trú cho học sinh.

Cô Trần Thuý An - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, những năm trước, khi tổ chức bếp ăn tại trường, phụ huynh trực tiếp tham gia giám sát từ khâu tiếp phẩm, bảo quản, chế biến đến phân chia thức ăn cho học sinh. Từ 5g sáng, phụ huynh đã có mặt ở cổng trường để kiểm tra tiếp phẩm, đảm bảo thực phẩm vào trường là thực phẩm tươi, sống, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

“Khi hợp đồng với bếp ăn công nghiệp, trường càng khuyến khích phụ huynh tham gia giám sát quy trình phục vụ bữa ăn bán trú cho học sinh và ăn cùng con tại trường. Mọi góp ý của học sinh, phụ huynh về chất lượng bữa ăn được nhà trường lắng nghe và trao đổi lại với đơn vị cung cấp suất ăn để làm sao đảm bảo tốt nhất chất lượng bữa ăn bán trú cho các em” - cô Thúy An nhấn mạnh. 

 

Phụ huynh Trường tiểu học Nguyễn Trường Tộ giám sát đơn vị cung cấp suất ăn bán trú
Phụ huynh học sinh Trường tiểu học Nguyễn Trường Tộ giám sát đơn vị cung cấp suất ăn bán trú

Tại Trường tiểu học Nguyễn Trường Tộ (quận 4), trong mỗi học kỳ, ban giám hiệu và ban đại diện cha mẹ học sinh có ít nhất 2 lần đến kiểm tra đơn vị cung cấp suất ăn bán trú. Mỗi ngày, khi phục vụ bữa ăn, bảo mẫu đều ghi lại những nhận xét của học sinh vào sổ, nhà trường tổng hợp và báo lại cho đối tác. Qua đó cải thiện được chất lượng bữa ăn như cơm quá khô hay nhão, canh mặn hay nhạt, món nào phù hợp, món nào chưa… 

“Toàn trường có trên 70% học sinh ăn bán trú. Hàng ngày, trường thực hiện công khai thực đơn bán trú cũng như lắng nghe những góp ý, chia sẻ của học sinh, phụ huynh về chất lượng bữa ăn để cải thiện” - thầy Tuấn nói.

Giúp bữa ăn ngon hơn, an toàn hơn 

Không chỉ phụ huynh tham gia giám sát bữa ăn bán trú, ở nhiều nhà trường, học sinh, giáo viên đóng vai trò quan trọng phản ánh về bữa ăn bán trú, góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn.

Với hơn 1.200 học sinh tham gia bán trú, năm học này Trường THPT Tây Thạnh (quận Tân Phú) thực hiện hợp đồng bữa ăn bán trú với căng tin để phục vụ học sinh.

Học sinh cùng tham gia giám sát bữa ăn
Học sinh cùng tham gia giám sát bữa ăn

Theo lãnh đạo nhà trường, hàng ngày số lượng suất ăn phải phục vụ rất lớn, để kịp thời nâng cao chất lượng bữa ăn, trường luôn khuyến khích học sinh trao đổi, góp ý về món ăn, khẩu phần ăn với ban giám hiệu để nhà trường phối hợp với căng tin điều chỉnh phù hợp. Tại Trường THPT Thanh Đa (quận Bình Thạnh), mới đây, ngay sau khi ghi nhận ý kiến học sinh phản ánh về bữa ăn bán trú chỉ có trứng chiên hay thịt nạc, thầy Lê Hữu Hân - Hiệu trưởng nhà trường - đã làm việc ngay với đơn vị cung cấp suất ăn bán trú, yêu cầu làm tốt hơn, đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh.

“Nhà trường cũng yêu cầu phó hiệu trưởng phụ trách bán trú và người quản lý suất ăn học sinh, nếu phát hiện suất ăn của học sinh có vấn đề như thiếu, ít, có vật thể lạ… thì cần ghi nhận lại, có sự chứng kiến của 3 bên (học sinh, phục vụ và nhà trường) để làm việc với bên cung cấp”. 

Ông Dương Trí Dũng - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - thông tin, ngay đầu năm học, Sở GD-ĐT đã ban hành công văn hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ công tác thể thao và y tế trường học. Trong đó, yêu cầu các trường chú trọng đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, an toàn thực phẩm (ATTP) trong bữa ăn học đường. 

Tới đây, Sở GD-ĐT sẽ phối hợp với Ban Quản lý ATTP TP tổ chức tập huấn công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại trường học, đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm theo quy định. Đồng thời, sẽ phối hợp với ngành y tế, Ban Quản lý ATTP thành lập đoàn kiểm tra, tổ chức kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo ATTP tại trường học.

Q.Trung

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI