Khi phụ huynh ngày càng “hiểu” chuyển đổi số

05/05/2024 - 06:53

PNO - Nhận thông báo về lịch học bù sau lễ được trường dạy bằng hình thức trực tuyến, chị Tú Quyên - phụ huynh lớp 10, Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) vô cùng phấn khởi.

“Trong tin nhắn, giáo viên chủ nhiệm yêu cầu phụ huynh đôn đốc, nhắc nhở con thời gian học trực tuyến. Trong trời nắng nóng gay gắt tại TPHCM, việc trường ứng dụng chuyển đổi số để dạy bù ngày nghỉ là giải pháp rất linh hoạt, hiệu quả. Qua những điều như này mới thấy chuyển đổi số giáo dục thực chất, gần gũi”- chị Tú Quyên chia sẻ.

Từ “từ khoá” đi vào đời sống

Từ năm học 2022-2023, “chuyển đổi số” trở thành từ khoá được TPHCM đưa vào nhiệm vụ quan trọng trong năm học của ngành giáo dục. Đi cùng với từ khoá này là hàng loạt các gạch đầu dòng về giải pháp, chỉ số, khung năng lực số được ngành giáo dục nêu ra, triển khai đồng bộ tại các trường.

TPHCM đặc mục tiêu đến năm 2025, ít nhất 25% nội dung chương trình giáo dục bậc tiểu học được đưa lên hình thức trực tuyến. Chỉ số này ở bậc trung học ít nhất 35%.

Học sinh TPHCM đã quen với việc sử dụng công nghệ số trong giờ học
Học sinh TPHCM đã quen với việc sử dụng công nghệ số trong giờ học

Sở dĩ việc tổ chức dạy bù bằng hình thức trực tuyến tại Trường THPT Bùi Thị Xuân được phụ huynh ủng hộ, thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng nhà trường cho biết công tác chuyển đổi số của của trường hiện nay rất đồng bộ, cả thầy và trò đều đã quen với việc tương tác trên nền tảng LMS. Phụ huynh cũng quen với việc cùng con tự học trên nền tảng LMS.

“Thời điểm đầu khi chuyển đổi số, nhiều phụ huynh còn lăn tăn về hiệu quả, hoài nghi về việc học trực tuyến. Trong mọi tiến trình dạy học, kiểm tra đánh giá với chuyển đổi số, nhà trường đều công khai đến phụ huynh để nắm, cùng giám sát. Chuyển đổi số hiện đã tham gia vào trong tất cả các hoạt động giáo dục, quản trị của nhà trường, từ công tác dạy học, kiểm tra đánh giá đến hồ sơ sổ sách. Với chuyển đổi số giúp giáo viên bớt việc, nhẹ nhàng, bài học thêm sinh động, học sinh hứng thú hơn trong học tập", thầy Huỳnh Thanh Phú nói thêm.

Sau 2 năm đưa chuyển đổi số vào nhà trường, đến nay các lớp học tại Trường THPT Nguyễn Thái Bình (quận Tân Bình) đều được trang bị ti vi, máy chiếu kết nối internet. Giáo viên chủ động thiết kế bài giảng số đa dạng, học sinh hào hứng.

Từ kinh nghiệm thực tế chuyển đổi số tại trường, thầy Huỳnh Khương Anh Dũng- Hiệu trưởng nhà trường cho rằng chuyển đổi số giáo dục để thành công cần sự đồng thuận của phụ huynh học sinh và đội ngũ. Mỗi đầu năm học, nhà trường giải thích rất rõ cho phụ huynh về vai trò, mục tiêu của chuyển đổi số giáo dục thông qua dạy và học trên hệ thống LMS. Đặc biệt, luôn làm rõ để đội ngũ hiểu về chuyển đổi số giáo dục là xu thế tất yếu…

“Điều quan trọng nhất phải bắt đầu từ lãnh đạo nhà trường. Để giáo viên, phụ huynh hiểu thì hiệu trưởng phải nêu gương đi đầu trong chuyển đổi số, giúp giáo viên nhận thức rằng chuyển đổi số mang lại hiệu quả cao, qua chuyển đổi số giúp giáo viên giảm bớt hồ sơ sổ sách, tạo điều kiện cho phụ huynh học sinh tiếp cận nhanh chóng với thông tin… Đặc biệt, luôn tạo điều kiện cho giáo viên học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau, tạo hiệu ứng để cả trường cùng chuyển đổi số…” - thầy Dũng bày tỏ.

Vượt tiến độ

Sau 2 năm triển khai, ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM thông tin, hiện nay tỷ trọng nội dung triển khai dưới hình thức trực tuyến ở bậc tiểu học thành phố đã chiếm 26,92%. Ở bậc trung học, tỷ trọng chiếm 31,67%.

Theo ông Quốc, đến năm học 2023-2024, ngành giáo dục đã hoàn thiện các nền tảng dạy học trực tuyến kết hợp với kho học liệu số dùng chung, các mô hình dạy học kết hợp, lớp học thông minh, bài giảng tương tác được triển khai nhằm mở rộng hoạt động học tập của học sinh ra ngoài phạm vi lớp học; nâng cao hiệu quả dạy học trên lớp, phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu của học sinh. Bên cạnh đó các giải pháp liên quan đến ôn tập, kiểm tra, đánh giá bằng máy tính được thí điểm tại nhiều trường phổ thông thông qua đó cho phép việc đánh giá thường xuyên dựa trên dữ liệu hành vi học tập được thực hiện một cách khách quan, khoa học.

Theo tính toán, đến năm học 2023-2024, Trường THPT Nguyễn Thái Bình đã đưa trên 50% nội dung chương trình giáo dục lên hình thức trực tuyến. Hiện 100% bài giảng ở các môn học theo Chương trình GDPT 2018 ở 2 khối 10, 11 đã được giáo viên đưa lên hệ thống LMS. Đối với khối 12 sẽ tiếp tục được hoàn thiện ngay trong hè này.

Tỷ trọng nội dung giáo dục đưa lên trực tuyến hiện nhiều trường đã vượt tiến độ
Tỷ trọng nội dung giáo dục đưa lên trực tuyến hiện nhiều trường đã vượt tiến độ

Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Bình đánh giá, việc dạy và học trên nền tảng trực tuyến đã trở thành một phần tiến trình dạy, học của cả thầy và trò. Học sinh có thể nghiên cứu bài học trực tuyến. Trong suốt năm học, các hoạt động tương tác giữa giáo viên và học sinh trên nền tảng trực tuyến được diễn ra thường xuyên, liên tục từ dạy học cho đến kiểm tra đánh giá.

100% giáo viên TPHCM đã có máy tính, đường truyền Internet

Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc thông tin, tính đến nay 100% giáo viên phổ thông thành phố đã có máy tính và đường truyền Internet (53.483 giáo viên); tổng số học sinh phổ thông có máy tính là 1.258.782 học sinh, đạt tỷ lệ 99,87%; tổng số học sinh có đường truyền Internet 1.258.303 đạt tỷ lệ 99,84 %; số lượng học sinh phổ thông tham gia sử dụng nền tảng dạy và học trực tuyến đạt tỷ lệ 92.13%.

Ngành giáo dục TPHCM đang triển khai 10 nền tảng dạy và học trực tuyến, bao gồm: K12Online, MegaSchool, Cohota, Vietschool, VNPT, LMS360, Google Classroom, Schoology, Microsoft, Shub. Mỗi cơ sở giáo dục được lựa chọn một hệ thống quản lý học tập (LMS) tích hợp các chức năng xây dựng nội dung tương tác và bài giảng số phù hợp theo nhu cầu của đơn vị và phụ huynh. Năm học 2023-2024, hơn 80% trường học đã triển khai kho học liệu số, bao gồm tất cả các trường theo mô hình tiên tiến hội nhập.

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI