Khai thác thế mạnh của phụ huynh
Từ vài năm nay, Trường mầm non Tuổi Thơ 7 (quận 3) đã xây dựng và duy trì mô hình phụ huynh đứng lớp dạy trẻ. Trong năm học, các cô giáo tùy vào từng chủ đề, nội dung bài dạy chọn mời phụ huynh có ngành nghề, chuyên môn phù hợp vào dạy trẻ.
Chẳng hạn, khi lớp dạy về kiến thức chăm sóc răng miệng thì có thể mời phụ huynh là nha sĩ trao đổi, giáo dục trẻ. Có lớp tổ chức chuyên đề dạy trẻ về vệ sinh an toàn thực phẩm thì mời phụ huynh làm ở Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố về hướng dẫn. Hoặc cô giáo nhờ một phụ huynh là giáo viên dạy hóa cấp II vào hướng dẫn những phản ứng hóa học đơn giản cho học sinh 5 tuổi...
|
Một phụ huynh là kỹ sư xây dựng vào vai giáo viên, dạy các bé ở Trường mầm non Tuổi thơ 7 (quận 3) về xây dựng thành phố - ảnh: P.T. |
Nhờ mô hình này, trường huy động được sự giúp sức nhiệt tình và khai thác được thế mạnh của từng phụ huynh. Có phụ huynh là kỹ sư xây dựng đem vào trường nón bảo hộ và các mảnh gỗ để vừa dạy vừa chơi với các bé. Khi tổ chức chủ đề chợ quê, phụ huynh tìm và đem vào những chiếc mo cau rất đặc sắc để giới thiệu cho trẻ. Hoặc có tiết học, cô giáo chiếu cho học sinh xem một clip giới thiệu cách cô đi chợ chọn rau. Ngay sau đó, mẹ và bà của trẻ xách giỏ đi chợ vào, bày rau ra bàn và hướng dẫn các bé cách nhặt rau, bảo quản rau...
Bà Vũ Đỗ Thúy Hiền - hiệu trưởng nhà trường - cho biết: Không chỉ ba mẹ mà cả ông bà của các bé cũng rất nhiệt tình tham gia giảng dạy. Mới đây, bác sĩ Lưu Đình Trứ là ông nội của một bé trong trường đã trực tiếp dạy cho học sinh cách chăm sóc sức khỏe. Hoặc bà ngoại bé cũng đến trường để dạy các bé chủ đề về động vật... “Tất nhiên, mỗi tiết học như vậy đòi hỏi các cô giáo phải chuẩn bị chu đáo về nội dung bài giảng và trao đổi với phụ huynh để chuyển tải những gì phù hợp với trẻ, trong thời lượng cho phép. Giữa giáo viên và phụ huynh sẽ có sự phân công, chỗ nào cô giáo hướng dẫn trẻ, chỗ nào phụ huynh đảm trách...” - bà Vũ Đỗ Thúy Hiền nói.
Còn tại Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), đây là năm thứ bảy nhà trường tổ chức chương trình “Một ngày làm giáo viên” để học sinh có cơ hội trải nghiệm công việc giảng dạy của thầy cô. Năm nay, trường có gần 250 học sinh tham gia giảng dạy 250 tiết học của 14 môn học. Để có được 45 phút bài giảng, học sinh phải trải qua các công việc như nghiên cứu tư liệu, soạn giáo án, thiết kế bài giảng điện tử. Các em còn phải luyện tập cách giảng bài, phong thái đi đứng sao cho “ra dáng” giáo viên.
Em Nguyễn Thảo Ánh Minh - lớp 10A16, hóa thân thành cô giáo dạy môn ngữ văn - chia sẻ em rất háo hức soạn giáo án và luyện tập trước “giờ G”. Ban đầu, Ánh Minh cứ nghĩ chỉ như một buổi thuyết trình thông thường, song khi đứng trên bục giảng “làm chủ” lớp học, giảng bài, tương tác với “học trò” thì em mới cảm thấy năng lượng như bị hút cạn, chỉ dạy 1 tiết học mà em thấy mệt cả ngày.
Thêm thấu hiểu, thêm yêu thương
Ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du - cho hay, khi học sinh trải nghiệm cảnh thâu đêm soạn bài, chỉnh giọng nói, tập tác phong như giáo viên thực thụ, các em càng thấu hiểu công sức thầy cô, yêu thương thầy cô và trân quý mỗi giờ học. Các em cũng cảm nhận được trách nhiệm và sự vinh quang của người kỹ sư “trồng người”. Việc hôm nay học sinh được “nhập vai” như một giáo viên cũng có thể khiến các em nhận ra sự đam mê, ươm mầm ước mơ nghề giáo.
Còn bà Vũ Đỗ Thúy Hiền nhận xét khi thực hiện mô hình phụ huynh “vào vai” giáo viên thì điều thích thú nhất là trẻ được học với chính ba mẹ, thậm chí ông bà mình. Nhiều trẻ khi thấy ba mẹ, ông bà xuất hiện trong lớp thì vô cùng bất ngờ, tự hào, háo hức, hãnh diện với bạn. Qua những buổi được dạy với các cô, phụ huynh cũng hiểu hơn về công việc của giáo viên, hình dung được cô giáo phải chuẩn bị như thế nào để có được một tiết học, chứ không phải chỉ dạy qua loa cho trẻ.
Có phụ huynh khi được trải nghiệm chương trình “Một ngày làm giáo viên mầm non”, được đảm nhận vai trò chính trong dạy dỗ, chăm sóc trẻ từ sáng đến chiều đã phải thừa nhận là “mệt bở hơi tai”. Nhờ vậy, phụ huynh có cái nhìn đúng và sẻ chia hơn với giáo viên mầm non.
Cách làm này cũng giúp giáo viên và phụ huynh có sự tương tác để tìm ra phương pháp giáo dục trẻ tốt hơn, đặc biệt các em gặp khó khăn về ngôn ngữ hoặc những bé mà ba mẹ quá bận rộn. Nhờ những lần “đứng lớp” dạy bé mà phụ huynh cảm thấy nên dành nhiều thời gian cho con hơn vì con thực sự rất thích thú khi được hoạt động cùng mình.
Phụ huynh cũng hiểu được những kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ, biết được nhu cầu, ước muốn của con. Theo vị nữ hiệu trưởng này, ngay cả những phụ huynh nam cũng đến trường tham gia hỗ trợ giảng dạy, chăm sóc các bé ngày càng nhiều, chứ không phó mặc chuyện dạy trẻ là của phụ nữ.
Cách làm đặc sắc trong giáo dục Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - đánh giá mô hình “đổi vai” này là cách làm mới mẻ và đặc sắc trong giáo dục. Khi học sinh thấu hiểu công việc của thầy cô thì các em sẽ có ý thức hơn trong học tập, rèn luyện. Khi phụ huynh trải nghiệm công tác giảng dạy có thể thấu hiểu, chia sẻ với thầy cô, thấy được trách nhiệm của mình trong việc giáo dục trẻ. Còn đối với nhà trường, việc mời gọi phụ huynh tham gia các hoạt động sẽ giúp nâng chất lượng giáo dục, phụ huynh với những ngành nghề đa dạng có thể hỗ trợ nhà trường cung cấp cho học sinh nhiều kiến thức chuyên môn, kỹ năng sống, kỹ năng xã hội... Theo ông, đây cũng là một hình thức xã hội hóa giáo dục. Thay vì cứ mặc định xã hội hóa là đóng góp về tài chính, thực ra mọi phụ huynh đều có thể đóng góp vào hoạt động giáo dục bằng những cách khác nhau tùy vào chuyên môn, thế mạnh riêng của mình. |
Minh Linh