“Cơm cặp lồng” các cháu mang đến trường, thường chỉ có cơm trắng, chút rau xanh. Giáo viên thì thiếu, mỗi điểm bản 1 cô phụ trách lớp ghép 2-3 độ tuổi. Phụ huynh đã thay nhau đến phụ cô giáo chăm sóc, nấu bữa trưa cho con. Họ còn được học các kiến thức cơ bản để có thể trợ giảng cũng như trở thành cô giáo ở nhà của con.
Học làm cô giáo của con
Háng Thị Mỷ (bản Sẻ Sáng, xã Cao Phạ) về nhà sau một ngày dài trên nương. Lúc ngang qua điểm trường mầm non Sẻ Sáng (thuộc Trường mầm non Khau Phạ, xã Cao Phạ), nhìn bóng mình đổ dài, nghiêng nghiêng trên tường lớp học, Mỷ bảo: “Con mình sắp hết nghỉ hè, mình lại sắp được cùng con đến lớp đấy”. Rồi Mỷ vừa đi vừa kể: “Từ năm ngoái là mỗi tháng mình đến trường điểm bản Sẻ Sáng 1 lần. Mình chải đầu, buộc tóc cho các cháu gái, rửa chân tay, mặt mũi cho các cháu nữa. Buổi trưa thì giúp cô giáo rửa bát, nấu cơm, rồi dọn chỗ cho các cháu ngủ…”.
|
Một phụ huynh xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải hướng dẫn thực hành cho các cháu mầm non - Ảnh: M.C. |
Giọng Mỷ rổn rảng khi liệt kê những việc đơn giản, bình dị ở trường điểm bản. Mỗi khi đến lượt mình tới trường, Mỷ dắt theo cả mấy đứa trẻ con trong bản. Cha mẹ các cháu gửi Mỷ để đi làm từ sớm. Việc nương rẫy, heo gà quanh năm đầu tắt mặt tối. Ngày đầu tiên cùng con đến trường, Mỷ sốt ruột lắm. Mỷ ở trường mà cứ nghĩ đến đám việc ngoài nương ngô, nghĩ đến nồi cám heo ở nhà... “Nhưng ở trường với con, chứng kiến mình cô giáo phải dạy dỗ, chăm sóc cho gần 30 cháu trong bản, mình thương lắm. Về, mình kể chuyện với các phụ huynh khác trong bản, bảo mọi người cố gắng mỗi tháng bỏ 1 ngày công đến trường; giúp đỡ cô giáo, nhưng cũng chăm sóc con mình và con em bản Mông”.
Ở xã Mồ Dề, 2 phụ huynh là Giàng Thị Lầu (bản Màng Mủ), Giàng Thị Dù (bản Mồ Dề) cũng đang khấp khởi ngóng chờ ngày con trở lại trường để cùng đến trường phụ giúp giáo viên. Cô giáo Phùng Mùi Lai một mình dạy lớp ghép ở trường điểm bản Màng Mủ, phụ trách gần 30 cháu. Những năm học trước, bao nhiêu khó khăn, áp lực của giáo viên cắm bản, cô Lai chỉ có thể chia sẻ với đồng nghiệp bám bản ở các điểm trường khác qua những lời tâm sự. Nhưng từ năm học 2022-2023, cô Mùi đã có sự sẻ chia bằng hành động của gần 30 bà mẹ - là những phụ huynh của các cháu đang theo học tại điểm trường Màng Mủ. Cô Mùi xúc động bảo: “Nhờ sự giúp đỡ tận tình của các mẹ mà công việc, áp lực của giáo viên bám bản như tôi đã giảm đi đáng kể”.
Ở xã Lao Chải, phụ huynh khắp 5 bản có 5 điểm trường lẻ (thuộc Trường mầm non Lao Chải) đã ít nhiều trở thành những ông bố, bà mẹ có kiến thức. Vợ chồng anh Sùng A Chư có con sắp sang lớp mẫu giáo 5 tuổi. Năm ngoái, vợ chồng anh Chư cùng các ông bố bà mẹ khác được đến trường, cùng học những bài học về chữ cái, về kích thước, về lá cây… Cùng tham gia những trò chơi do cô giáo thiết kế, A Chư khoe: “Mình đi học còn thấy vui. Học xong về nhà cũng biết trả lời các câu hỏi của con. Vợ mình thì thạo các công việc ở lớp lắm rồi. Mấy thí nghiệm đơn giản như đổ nước vào ống tre cao để nước chảy xuống ống tre thấp là vợ mình hướng dẫn các cháu được đấy. Còn làm dụng cụ thì các ông bố trong bản rủ nhau cùng làm”.
Bữa cơm nóng dẻo cho các cháu
Nhiều năm qua, Mù Cang Chải vẫn là một trong những huyện khó khăn nhất cả nước. Năm học vừa rồi, toàn huyện thiếu gần 100 giáo viên mầm non. Huyện có 15 trường mầm non, thì đến 14 trường thuộc vùng kinh tế đặc biệt khó khăn với 55 điểm trường lẻ. Bài toán thiếu giáo viên càng trở nên ngặt nghèo.
|
Phụ huynh xã Lao Chải hướng dẫn các cháu học ở trường - Ảnh: M.T. |
Bà Lê Hải Yến - Hiệu trưởng Trường mầm non Mồ Dề - cho biết, trường có 5 điểm lẻ, hiện đang thiếu 10 giáo viên. Những ngày đầu tiên vận động cũng gặp khó khăn, nhiều phụ huynh không thích, vì tham gia nghĩa là mất 1 ngày làm việc. Nhưng chỉ sau 1-2 lần tham gia là các phụ huynh hết sức ủng hộ. Có bà mẹ chưa đến phiên mình nhưng đã đăng ký tham gia giúp nhà trường, nên có những ngày cả hai bà mẹ cùng đến giúp.
“Nhờ sự hỗ trợ tự nguyện của các bậc phụ huynh, công tác huy động học sinh ra lớp đã đạt hiệu quả rất cao. Những công việc như dọn dẹp vệ sinh lớp học, vệ sinh cá nhân cho trẻ, giúp giáo viên quản lý trẻ trong quá trình tổ chức các hoạt động tập thể trên lớp hay hỗ trợ giáo viên khi tổ chức cho trẻ ăn và ngủ trưa - rất thiết thực, đã giúp chúng tôi giảm bớt những khó khăn trước tình trạng thiếu giáo viên, nhất là ở điểm trường lẻ, xa trung tâm” - bà Hải Yến nói.
Không chỉ góp phần vơi bớt khó khăn thiếu giáo viên, cách làm độc đáo này của Mù Cang Chải còn giải quyết được “cơm cặp lồng” cho các cháu. Những đứa trẻ vùng cao, hành trang đến trường mỗi sáng là chiếc cặp lồng. Hầu hết các bữa cơm của đa số các cháu chỉ gồm cơm trắng, chút rau xanh hoặc măng cay, thảng hoặc mới có cặp lồng thêm miếng trứng chiên bé cỡ lòng bàn tay… Rồi tất cả cùng co kéo, dè sẻn để san sẻ cho các cháu; những quỹ thiện nguyện, các nhóm tình nguyện cũng kêu gọi để các cháu có bữa cơm có thịt, có đậu hũ, có trứng.
Thay vì sắp chiếc cặp lồng cho con, 1 năm nay, các phụ huynh - tình nguyện viên - còn trở thành đầu bếp, nấu những bữa cơm nóng dẻo ngay tại trường cho các cháu. Háng Thị Mỷ rớm nước mắt: “Ngày công lao động của mình, làm sao so được với những bữa cơm các con mình được ăn ở trường. Mình chỉ biết nói “cảm ơn” thôi”.
111 phụ huynh đến hỗ trợ các trường điểm bản neo giáo viên Ông Nguyễn Anh Thủy - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Mù Cang Chải - cho biết, trước khó khăn chung của toàn ngành, cùng khó khăn đặc thù của địa phương, huyện đã huy động các cấp, các ban ngành cùng vào cuộc. Cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành GD-ĐT, hội phụ nữ, các trường mầm non… đã có những buổi tuyên truyền. Các cuộc họp bản, họp chi bộ, chi hội… được tổ chức để vận động phụ huynh hỗ trợ các cô giáo mầm non. Năm học vừa rồi, huyện có 111 phụ huynh đến hỗ trợ các trường điểm bản neo giáo viên. Các buổi tập huấn cho phụ huynh về tâm lý trẻ mầm non, nghiệp vụ công tác vệ sinh và đảm bảo an toàn cho trẻ đã được tổ chức trước khi bước vào năm học mới. |
Ngọc Minh Tâm