Khi phim Việt tăng đầu tư cho phục trang, tạo hình

24/10/2023 - 07:18

PNO - Bên cạnh kịch bản, nhiều nhà sản xuất phim Việt đang tăng đầu tư cho phục trang, hóa trang của nhân vật. Chính “lớp áo” được làm chỉn chu, bài bản giúp một số phim Việt sớm ghi điểm, tạo thiện cảm với người xem.

Càng chỉn chu, càng thuyết phục

Dù chưa ra mắt nhưng qua hình ảnh, trailer, phim Người vợ cuối cùng của đạo diễn Victor Vũ đã nhận nhiều lời khen cho phần phục trang, phục sức của diễn viên. Đây là một trong những dự án hiếm hoi mà phần phục trang xưa - bối cảnh thế kỷ XIX - được nhiều khán giả, trong đó có những người nghiên cứu lịch sử đồng tình.

Tạo hình của diễn viên Quang Thắng và Kaity Nguyễn trên phim Người vợ cuối cùng - Ảnh do đoàn phim cung cấp
Tạo hình của diễn viên Quang Thắng và Kaity Nguyễn trên phim Người vợ cuối cùng - Ảnh do đoàn phim cung cấp

Đạo diễn Victor Vũ cho biết, khi bắt tay thực hiện Người vợ cuối cùng, anh và giám đốc mỹ thuật dành nhiều thời gian để tìm hiểu về cách ăn mặc của người Việt ở thế kỷ XIX. Do nhiều tư liệu không có hình ảnh minh họa nên rất khó hình dung. Đến khi tiếp cận được một số nguồn tham khảo, trong đó có sách của một số tác giả người Pháp và thông qua các cố vấn lịch sử, Victor Vũ mới hình dung bước đầu. Nam đạo diễn cho biết anh đã rất cẩn trọng vì chỉ cần sơ suất nhỏ cũng có thể tạo cuộc tranh cãi lớn trong dư luận. Đạo diễn Victor Vũ từ chối tiết lộ kinh phí đầu tư riêng cho phần phục trang. Dù vậy, anh khẳng định, công sức đầu tư là gấp đôi những phim khác.

Không riêng trang phục, khâu hóa trang cho các nhân vật cũng được nhiều nhà sản xuất (NSX) chú trọng. Phim kinh dị Tết ở làng địa ngục của đạo diễn Trần Hữu Tấn bước đầu cũng được khen về tạo hình nhân vật. Ở thể loại kinh dị, khâu hóa trang vô cùng quan trọng vì nếu không làm tới, ngoại hình nhân vật không đủ sức gây ám ảnh, thậm chí tạo sự khôi hài. Chia sẻ với Báo Phụ nữ TPHCM, Nghệ sĩ ưu tú Hạnh Thúy cho biết, trước mỗi lần quay, nhân vật Thị Lam mà cô đảm nhận mất nhiều giờ đồng hồ để hóa trang. Đến khi hoàn thiện, nữ diễn viên ngỡ ngàng vì không nghĩ diện mạo mình trở nên kinh dị, ghê rợn đến vậy.

Đạo diễn Trần Hữu Tấn cho biết, phần hóa trang cho Nghệ sĩ ưu tú Phú Đôn là phức tạp nhất trên phim, bởi nhân vật của nam nghệ sĩ từ người hóa sói. Ê kíp từng nghĩ đến việc sử dụng công nghệ CGI để tiết kiệm thời gian quay cho cả đoàn, nhưng vì muốn đảm bảo khâu tạo hình đạt hiệu quả như ý, đạo diễn và NSX Hoàng Quân đã trông cậy hết vào tổ hóa trang của phim.

Chuyên gia hóa trang Chang Belivia khẳng định, Tết ở làng địa ngục là dự án “nặng đô” nhất mà chị và đội của mình từng tham gia. Số lượng đạo cụ như tay, chân, máu giả... được đội hóa trang chuẩn bị khá lớn. Chưa hết, vì trên phim có nhiều vụ án mạng xảy ra nên tùy từng “kiểu chết” - bị cháy hay chết đuối, thi thể phải được hóa trang đúng như tình huống.

Yếu tố quan trọng để thành công

Với những phim có kinh phí lớn, NSX đủ điều kiện để đầu tư mạnh cho bối cảnh, phục trang, hóa trang... Việc đầu tư này mang ý nghĩa lớn, đặc biệt với những kịch bản khó, đơn cử như phim xưa hay phim kinh dị, các yếu tố phụ trợ cho nội dung vô cùng quan trọng. Nhưng ở thị trường phim Việt, không phải NSX nào nhiều tiền cũng có thể thuyết phục người xem mà cái chính là đầu tư đúng, từ những chi tiết nhỏ nhất.

Nghệ sĩ ưu tú Phú Đôn mất nhiều giờ để hóa trang trong phim Tết ở làng địa ngục - Ảnh do đoàn phim cung cấp
Nghệ sĩ ưu tú Phú Đôn mất nhiều giờ để hóa trang trong phim Tết ở làng địa ngục - Ảnh do đoàn phim cung cấp

Trong lần chia sẻ với tờ Korea Times, Hwang Hyo-kyun - đồng giám đốc Công ty Technical Art Studio CELL (Hàn Quốc), từng tham gia thực hiện khoảng 190 bộ phim điện ảnh và truyền hình - cho biết họ có thể tạo ra mọi thứ. Từ những thứ đơn giản như biến người mảnh mai trở nên mập mạp cho đến thay đổi màu da từ người gốc Á thành người da trắng.

Đương nhiên, công nghệ CGI và năng lực của tổ hóa trang là vô cùng quan trọng để tạo được sự đồng bộ xuyên suốt và giúp phim đạt thành công về thị giác. Để điện ảnh Hàn Quốc có được thành công như hiện tại, các nhân sự kỹ xảo, hóa trang được liên tục đầu tư nâng tay nghề qua từng dự án. Đơn cử ở thể loại phim zombie (xác sống), Hàn Quốc gây tiếng vang vì ngoài kịch bản hay, phần hình ảnh trên phim được đầu tư chỉn chu, tạo sự ghê rợn cần thiết.

Nhìn lại phim zombie Việt, tạo hình trong phim Cù lao xác sống Bến phà xác sống chưa thành công. Trong nhiều tình huống, xác sống được bôi trét máu, họa mặt qua loa, chưa đủ khiến người xem tin vào tình huống của phim. Với những thể loại đòi hỏi cao về mặt tạo hình như zombie hay kinh dị, nếu làm chưa tới, không cần xét đến kịch bản hay - dở, phim khó thu hút khán giả đến rạp.

“Khi đọc kịch bản trên giấy, tôi biết nhân vật của mình cần phải làm những gì trên phim. Lúc đó, sự hiểu về nhân vật đã có. Nhưng khi ra đến bối cảnh, thấy phục trang, hóa trang của nhân vật, tôi mới thật sự cảm nhận được không khí phim, việc nhập vai lúc đó dễ dàng hơn rất nhiều. Với những dự án mà NSX chú trọng vào chi tiết, đầu tư cẩn thận, những diễn viên như tôi cũng có thêm niềm tin cho vai diễn, công việc diễn xuất nói chung” - diễn viên Lan Phương chia sẻ.

Từ kinh phí vài tỉ đồng/phim, ngày càng nhiều phim đạt ngưỡng đầu tư vài chục tỉ đồng. Với kinh phí lớn, đạo diễn như được chắp cánh để tạo ra bộ phim đúng ý đồ. Trong đó, việc quan tâm, đầu tư sâu cho khâu hóa trang, tạo hình... là một yếu tố quan trọng tạo ra sự thành công của phim. 

An Trịnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI