Đấu vật không chỉ dành cho nam giới
Đầy mãnh liệt, Senna Kajiwara lao thẳng vào đối thủ. Hai cô gái tuổi vị thành niên vật lộn hàng chục giây trước khi Kajiwara hất tung đối thủ ra khỏi võ đài. Tại giải đấu sumo này, không có người đàn ông nào tranh danh hiệu "nhà vô địch" mà là các cô gái độ tuổi từ 8 đến 12 đối đầu và từng bước thay đổi tương lai môn thể thao truyền thống của Nhật Bản.
Kajiwara nói: "Một số người ngạc nhiên, thậm chí bị sốc khi biết cháu thi đấu sumo. Họ nghĩ sumo chỉ dành cho nam giới. Cháu nghĩ nếu có thêm nhiều phụ nữ tham gia sumo, chúng ta có thể đạt vị thế ngang với nam, từ đó kiếm sống từ sumo. Cháu hy vọng điều đó sẽ xảy ra".
|
Senna Kajiwara bắt đầu tập sumo từ năm 8 tuổi - Ảnh: CNN |
Senna Kajiwara - cô bé 12 tuổi đeo kính cận, nói năng nhẹ nhàng - bắt đầu tập sumo và judo cách đây bốn năm. Với tư cách đương kim vô địch giải đấu quốc gia lần đầu được tổ chức dành cho trẻ em gái vào năm 2019, Kajiwara quyết tâm giữ danh hiệu của mình và tiến xa nhất có thể với sumo.
Dù vậy, đối với phụ nữ, mọi thứ đều khó khăn hơn. Sumo chuyên nghiệp vẫn loại trừ nữ giới khỏi các cuộc thi đấu và nghi lễ. Trong những năm gần đây, một số vụ bê bối về phân biệt giới tính đã làm hoen ố danh tiếng của môn thể thao này.
Bất chấp những thách thức, các chuyên gia cho rằng việc thay đổi thái độ ở Nhật Bản đang mở ra một tương lai cho trẻ em gái và phụ nữ trong môn sumo - môn tập luyện cổ xưa có lịch sử hơn 1.500 năm. Đây là một tập tục dành riêng cho nam giới và theo truyền thống được thực hiện tại các đền thờ ở Nhật Bản để cầu mong mùa màng bội thu.
Các trận đấu thực tế thường kéo dài chỉ vài giây và phần lớn thời gian, hai đô vật đối đầu trong dohyo - một chiếc sân đất nện được giới hạn bằng vòng dây. Phụ nữ không thể bước vào vòng tròn thi đấu này vì họ được coi là không trong sạch trong tín ngưỡng Thần đạo.
|
Các đô vật sumo trong một buổi tập luyện tại Tokyo - Ảnh: CNN |
Thế nhưng, theo Eiko Kaneda, giáo sư tại Đại học Khoa học Thể thao Nippon ở Tokyo, Nhật Bản, bất chấp những rào cản, nữ võ sĩ sumo đã xuất hiện từ những ngày đầu của môn thể thao này. Trong cuốn sách cổ thứ hai của lịch sử Nhật Bản có tên Biên niên sử Nhật Bản, một tài liệu thế kỷ thứ tám mô tả cách hoàng đế Yuuryaku kêu gọi các quan chức nữ nhỏ tuổi biểu diễn sumo.
Tác phẩm văn học nổi tiếng Ukiyo-zoushi xuất bản vào thời Edo (1603-1867) thậm chí còn nhắc đến một trận đấu sumo giữa một phụ nữ và một người đàn ông mù. Mặc dù sumo dành cho phụ nữ bị cấm trong một thời gian ngắn vào năm 1873, nó đã được hồi sinh vài năm sau đó, thậm chí còn lan rộng ra toàn cầu khi một sự kiện thể hiện sức mạnh của các nữ đô vật sumo được tổ chức tại Hawaii vào những năm 1930.
Theo Kaneda, sumo truyền thống của phụ nữ không chỉ là một hình thức giải trí mà còn làm nổi bật niềm tin vào phẩm chất mạnh mẽ của nữ đô vật. Các nữ đô vật sumo được yêu cầu làm mọi việc, từ cầu mưa ở tỉnh Akita đến tổ chức các sự kiện tốt lành, như đám cưới ở Kyushu.
|
Các thí sinh trong giải đấu dành cho nữ sinh tiểu học quốc gia Wanpaku cũng đi lên từ môn judo và đấu vật - Ảnh: CNN |
Tua nhanh đến thế kỷ XXI, trong một phòng tập thể dục địa phương thiếu ánh sáng ở ngoại ô Tokyo, các chàng trai và cô gái trong độ tuổi từ 8 - 12 đang cùng nhau thi đấu. Miki Ouike, huấn luyện viên đấu vật, tự hào về việc có rất nhiều nữ sinh trong lớp của mình nhưng nói rằng việc thiếu các câu lạc bộ sumo trên khắp Nhật Bản khiến nhiều cô gái ưa thích bộ môn này phải chọn judo và đấu vật tự do để thay thế.
Học trò ngôi sao của anh là Nikori Hara (12 tuổi). Cô bé đã giành chiến thắng trong cuộc thi sumo địa phương và đang chuẩn bị tranh tài tại giải Wanpaku toàn quốc dành cho nữ lần thứ hai. Giải đấu mở cửa cho các bé gái lần đầu vào năm 2019, hơn ba thập niên sau khi nó được tổ chức lần đầu cho các bé trai cùng lứa tuổi.
Ouike nói xã hội vẫn chưa biết nhiều về sự tồn tại của các cuộc thi sumo dành cho nữ. Anh bộc bạch: “Thật tiếc khi nhiều cô gái không biết họ có cơ hội để thử sức với sumo”.
|
Giải đấu quốc gia đầu tiên dành cho nữ sinh tiểu học Wanpaku được tổ chức vào năm 2019 - Ảnh: CNN |
Các cô gái muốn thử môn thể thao này thường bắt đầu bằng cách tham gia các câu lạc bộ sumo phi giới tính ở trường hoặc trong cộng đồng. Hiyori Kon - một thành viên đội tuyển quốc gia Nhật Bản - nói thêm rằng nếu muốn theo đuổi sumo, các nữ sinh sẽ phải đến một trong số ít các trường đại học ở Nhật Bản chào đón phụ nữ trong các câu lạc bộ sumo của mình.
Sumo có thể là một nghề béo bở nhưng hiện tại, tiền lương chỉ được trả cho các đô vật sumo chuyên nghiệp ở hai trong số sáu bộ môn hàng đầu của nó. Các đô vật sumo với danh hiệu yokozuna, người đứng đầu giải đấu, có thể kiếm được mức lương cơ bản khoảng 25.000 USD mỗi tháng cùng tiền thưởng.
Theo John Gunning - một cựu đô vật sumo nghiệp dư - dù thế giới không kỳ thị phụ nữ thi đấu sumo ở cấp độ nghiệp dư, cơ hội kinh tế vẫn chưa dành cho họ. Kon cho biết ước mơ của cô không phải là thấy phụ nữ đứng vào hàng ngũ của Ozumo. Thay vào đó, cô muốn họ có thể kiếm sống từ sumo như nam giới.
Ước mơ cùng trái bóng
|
Các cầu thủ của đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Ả Rập Saudi tập luyện tại sân vận động Prince Faisal bin Fahad bin Abdulaziz ở Riyadh - Ảnh: AFP |
Ả Rập Saudi ra mắt giải bóng đá nữ đầu tiên vào tháng 11/2021, mở đường cho các cô gái thực hiện ước mơ thi đấu chuyên nghiệp, thậm chí có thể chơi ở một kỳ World Cup. Bị lên án từ lâu vì những hạn chế khắc nghiệt đối với phụ nữ, vài năm trước, Ả Rập Saudi đã dỡ bỏ lệnh cấm kéo dài hàng thập niên đối với các cầu thủ nữ.
Hiện tại, họ đang hướng tới mục tiêu phát triển một đội tuyển quốc gia đủ mạnh để tham gia các giải đấu lớn. Bước tiến mới nhất trong nỗ lực cải tổ diễn ra khi Liên đoàn Bóng đá Ả Rập Saudi thành lập giải bóng đá nữ thường niên với sự tham gia của 16 đội. Trong số những người hào hứng với động thái này có Farah Jafri.
Nữ cầu thủ 18 tuổi chia sẻ: "Bước đầu đến với bóng đá, tôi gặp một số khó khăn vì không phải ai cũng chấp nhận một cô gái đuổi theo trái bóng. Gia đình và bạn bè đã động viên tôi rất nhiều".
|
Huấn luyện viên người Đức Monika Staab tại một buổi tập của đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Ả Rập Saudi mới thành lập - Ảnh: AFP |
Cũng như bao cô gái đam mê bóng đá nhưng không thể tham gia thi đấu, ban đầu, Farah chơi bóng trên phố cùng người thân hoặc tại trường cùng bạn bè. Nguồn tham khảo duy nhất của cô là những giải đấu nước ngoài trên truyền hình. Khi đó, phụ nữ tham gia thể thao vẫn còn bị phản đối ở một số khu vực.
Tuy nhiên, từ khi Thái tử Mohammad bin Salman lên nắm quyền vào năm 2017, một số hạn chế đối với phụ nữ đã được dỡ bỏ. Sự thay đổi trên cho phép phụ nữ ngồi sau tay lái và tham gia các môi trường dành cho cả nam và nữ.
Farah là một trong khoảng 30 cầu thủ được chọn từ 400 ứng viên cho đội tuyển nữ quốc gia Ả Rập Saudi. Farah bộc bạch: "Tôi mơ về ngày mình có thể đại diện cho đất nước mình ở World Cup nữ". Cô cũng hy vọng được chơi cho đội bóng Anh Manchester City ở cấp độ câu lạc bộ.
Đến nay, Ả Rập Saudi đã thành lập ba trung tâm đào tạo bóng đá cho trẻ em gái từ 13-17 tuổi trên khắp đất nước với kế hoạch thành lập đến chín trung tâm vào năm 2025.
Ngọc Hạ