Cô gái 26 tuổi khởi nghiệp... để bảo vệ động vật hoang dã
Bị mắc kẹt ở Anh trong thời kỳ đại dịch COVID-19, với niềm đam mê trang điểm và tình yêu động vật, Dazale Choy - 26 tuổi, cựu biên tập viên video tự do -quyết định ra mắt Endangered Cosmetics - một thương hiệu mỹ phẩm quan tâm đến các loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng. “Tôi luôn muốn góp phần vào việc bảo tồn và giúp đỡ các loài động vật vì tôi rất yêu quý chúng. Tôi từng là tình nguyện viên tại Night Safari với tư cách đại sứ bảo tồn. Vì vậy, tôi đã bắt đầu công việc kinh doanh này” - cô nói.
|
Dazale Choy - người sáng lập thương hiệu Endangered Cosmetics với mục tiêu giải cứu các loài động vật đang bị đe dọa - Ảnh: TANYA SHROFF/CAN |
Khi còn nhỏ, hằng tuần, Choy luôn mong được đến sở thú để ngắm nhìn các loài vật. Thời niên thiếu, cô đã sáng tạo các phong cách trang điểm của riêng mình, lấy cảm hứng từ những nghệ sĩ hiệu ứng đặc biệt và các youtuber.
Sau khi tốt nghiệp Trường Bách khoa Temasek (Singapore), Choy đã chuyển đến Anh để học Music Marketing và bị mắc kẹt lại đây do đại dịch. Thời gian này, Choy bắt đầu xây dựng thương hiệu Endangered Cosmetics. “Ý nghĩa đằng sau tên thương hiệu là mỗi sản phẩm tập trung vào một loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng, bảng màu trang điểm được lấy cảm hứng từ động vật và môi trường sống của chúng” - Choy chia sẻ.
Gấu trúc đỏ là nguồn cảm hứng đầu tiên cho sản phẩm phấn mắt của Choy. “Loài vật này có nguồn gốc từ Trung Quốc. Vì là người gốc Hoa nên tôi cảm thấy giữa chúng tôi có mối liên hệ nào đó. Tông màu đỏ của phấn mắt thực sự phổ biến nên nó rất được ưa chuộng” - cô nói.
Sau đó, Choy liên hệ với Red Panda Network - một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Nepal - để thiết lập quan hệ đối tác. Họ đồng ý để Choy sử dụng thương hiệu và logo của họ cho các sản phẩm của cô với thỏa thuận Choy sẽ quyên góp 10% lợi nhuận cho họ.
Choy đã nỗ lực làm việc suốt mùa dịch và khi lệnh phong tỏa ở Anh được dỡ bỏ, Endangered Cosmetics chính thức được giới thiệu trên toàn cầu. Khi lượng khách hàng ngày càng tăng, Choy tung ra sản phẩm thứ hai với ý tưởng về rùa biển.
“Tôi đã thực hiện một cuộc thăm dò trên Instagram. Rất nhiều khách hàng đã “bỏ phiếu” cho rùa biển vì họ thích màu xanh lam. Sau đó, tôi làm việc với các nhiếp ảnh gia về động vật hoang dã để cho ra sản phẩm có bảng màu về rùa biển” - cô cho biết.
Là người có tình yêu đối với động vật từ nhỏ, Choy đảm bảo rằng mọi sản phẩm đều “thuần chay” và không có hành vi tổn hại tới bất kỳ loài vật nào. Điều này đồng nghĩa với cam kết không sử dụng các thành phần có nguồn gốc từ động vật và không thử nghiệm sản phẩm trên động vật.
Tất cả sản phẩm của Endangered Cosmetics đều được đính kèm một thẻ nhỏ để giới thiệu về một loài vật với nội dung thông tin về lý do khiến chúng gặp nguy hiểm và cách thức giúp chúng. “Với thẻ này, khách hàng có thể thấy được các nỗ lực bảo tồn mà chúng tôi thực hiện, qua đó có thể xem xét tham gia đóng góp cho chúng tôi nếu muốn” - Choy cho biết.
Choy chia sẻ cô đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ gia đình và bạn bè. Họ giới thiệu các kiểu trang điểm từ sản phẩm của thương hiệu Endangered Cosmetics trên các nền tảng TikTok và YouTube. Bà Susie Low - mẹ cô - là một trong số đó. “Tôi luôn là người cổ vũ con gái mình.
Tôi đã đăng và chia sẻ các sản phẩm của Choy trên TikTok. Bất ngờ là tất cả bạn bè của tôi trên nền tảng này, dù chưa gặp nhau ngoài đời, đều đã mua sản phẩm. Ngay cả bạn bè và người thân của tôi ở Singapore cũng ủng hộ sản phẩm của Choy. Đó là niềm tin và sự hỗ trợ mà chúng tôi nhận được” - bà Susie nói.
|
Đội quân Hargila đã giúp trồng 45.000 cây non gần những tổ cò và các khu vực đất ngập nước để mở rộng quần thể cò trong tương lai - Ảnh: DIEGO ROTMISTROVKSY/UNEP |
Tạp chí thời trang British Vogue đã bắt đầu chú ý đến Endangered Cosmetics. Tạp chí này đã gửi email cho Choy để bày tỏ sự quan tâm và mong muốn được giới thiệu thương hiệu một cách rộng rãi. “Tôi thực sự bất ngờ và gọi điện khoe ngay với cha mẹ” - cô nhớ lại. Choy đã viết trên Instagram rằng việc được xuất hiện trên một ấn phẩm nổi tiếng trong năm đầu tiên khởi động dự án là một vinh dự lớn và đáng tự hào nhất của mình.
Gần đây, khi quay trở lại Singapore, Choy đang lên kế hoạch phát triển thương hiệu. Cô hy vọng sẽ ra mắt nhiều sản phẩm hơn trong tương lai gần để tiếp tục góp phần giải cứu các loài động vật đang bị đe dọa.
Đội quân phụ nữ cứu loài cò
Purnima Devi Barman (42 tuổi) là một trong những “Nhà vô địch của trái đất” năm 2022 của chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP). Cô cũng là người sáng lập đội quân Hargila và là Giám đốc dự án cấp cao của Phòng Nghiên cứu và Bảo tồn Avifauna, Aaranyak (Ấn Độ).
Barman là một nhà sinh vật học hoang dã người Ấn Độ làm việc ở bang Assam để bảo vệ loài cò. Lúc 5 tuổi, cô sống cùng ông bà ngoại tại Pub Majir Gaon - một ngôi làng bên bờ sông Brahmaputra ở bang Assam. Bà của Barman thường kể cho cô nghe những câu chuyện về loài cò. Bà còn dạy cô cách nhận biết các loài cò. Tất cả những điều đó đã khởi lên trong Barman niềm đam mê dành cho loài vật này.
|
Purnima Devi Barman quan tâm tới loài cò ngay từ khi còn nhỏ - Ảnh: JITENDER GUPTA |
Sau khi lấy bằng thạc sĩ động vật học, Barman bắt đầu học tiến sĩ về loài cò sói tại Đại học Gauhati ở Guwahati, Assam. Biết được nhiều loài chim trong vùng đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, cô quyết định tạm hoãn việc thực hiện luận án, tập trung vào việc “giải cứu” chúng.
Barman bắt đầu vận động bảo vệ loài cò từ năm 2007, tập trung vào các ngôi làng Dadara, Pacharia và Singimari ở quận Kamrup của Assam, nơi chúng sinh sống đông nhất.
Cò sói là loài cò hiếm thứ hai trên thế giới. Ngày nay, số lượng cò sói đã giảm xuống còn 1.200 do môi trường sống tự nhiên của chúng bị phá hủy. Cò sói còn được gọi là hargila hay "kẻ nuốt xương" trong tiếng Assam. Những con vật này cao khoảng 1,5m với sải cánh lên tới 2,4m, chuyên ăn xác thối. Dân làng cho rằng loài chim này là điềm gở nên thường chặt những cây mà cò làm tổ hoặc cố xua đuổi chúng.
Quá trình đô thị hóa ở các vùng nông thôn diễn ra ngày càng nhanh. Các vùng đất ngập nước - nơi sinh sống chủ yếu của loài cò - dần bị thu hẹp dẫn đến việc chúng phải di cư đến các khu vực sinh sống của con người, nơi chúng bị coi là điềm xấu hoặc mang mầm bệnh.
Barman nhận ra rằng để cứu loài cò, trước tiên phải thay đổi nhận thức của mọi người về chúng. “Dân làng ghét loài chim này vì họ không biết về ý nghĩa sinh thái quan trọng của chúng. Tôi đã giải thích rằng, giống như hầu hết các loài ăn xác thối, cò làm sạch môi trường bằng cách “tiêu thụ” xác động vật đang phân hủy và duy trì chuỗi thức ăn trong hệ sinh thái bằng cách tiêu diệt loài gặm nhấm và các loài gây hại khác” - cô cho biết.
Barman đã tập hợp các phụ nữ trong làng và đặt tên là “Đội quân Hargila”. Hargila đã giúp trồng 45.000 cây non gần những tổ cò và các khu vực đất ngập nước để mở rộng quần thể cò trong tương lai. Đội quân này đang có kế hoạch trồng 60.000 cây non vào năm tới. Ngoài ra, số lượng tổ cò ở các làng Dadara, Pacharia và Singimari đã tăng từ 28 lên hơn 250, biến nơi đây thành khu vực sinh sản lớn nhất của loài cò trên thế giới.
Ngày nay, đội quân Hargila gồm hơn 10.000 phụ nữ. Nhiệm vụ chính của họ là bảo vệ các địa điểm làm tổ, cứu chữa cho những con cò bị thương do rơi khỏi tổ.
Barman cũng đã “trao quyền” cho phụ nữ bằng cách cung cấp khung cửi và sợi dệt. Giờ đây, họ sản xuất và bán hàng dệt có trang trí các họa tiết của chim hargila. Việc làm này đang tạo ra nhận thức tốt trong cộng đồng về các loài chim đồng thời giúp phụ nữ độc lập về
tài chính.
Mrigen Rajbongshi - 45 tuổi, người làng Singimari - cho biết anh rất tự hào về vợ mình - chị Protima, thuộc đội quân Hargila. “Khi công việc kinh doanh của tôi bị phá sản trong đại dịch COVID-19, chính Protima đã trở thành trụ cột kinh tế của gia đình 4 miệng ăn chúng tôi bằng cách bán khẩu trang, túi vải và khăn tắm. Lúc trước, vợ tôi rất ngại khi nói chuyện với người lạ nhưng giờ đây, nhờ tham gia đội quân Hargila, cô ấy đã trở nên mạnh mẽ và độc lập” - Mrigen chia sẻ.
Thiên Cự