PNO - Bộ sách "85 năm phong trào phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh" (1930-2015) đã góp phần hệ thống hóa những giai đoạn lịch sử của phong trào phụ nữ, đồng thời làm nổi bật vai trò của phụ nữ Sài Gòn - Gia Định trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Phong trào phụ nữ TP.HCM trong bộ sách (gồm tập một Phong trào phụ nữ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định (1930-1975) và tập hai Phong trào phụ nữ TP.HCM giai đoạn 1975-2015) chọn dấu mốc từ năm 1930. Đó cũng là thời điểm báo Phụ nữ Tân văn (ra đời năm 1929) có tiếng nói góp phần ảnh hưởng đến cuộc đấu tranh đòi bình đẳng giới. Trước đó cũng đã có nhiều tờ báo mở những diễn đàn phụ nữ hoặc các chuyên mục dành cho nữ giới: Thanh niên, Công luận báo, Khai hóa Nhật báo, Thần chung, Lục tỉnh Tân văn… Từ việc lên tiếng đòi quyền bình đẳng trong gia đình, phụ nữ ngày càng khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong cuộc đấu tranh cách mạng.
“Sài Gòn trước năm 1930, có ba sự kiện lớn ít nhiều ảnh hưởng đến sự hình thành phong trào phụ nữ: cuộc bãi công của công nhân Ba Son (tháng 8/1925), phong trào đấu tranh đòi nhà cầm quyền trả tự do cho chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu (tháng 11/1925) và đám tang cụ Phan Châu Trinh (tháng 4/1926)” (trích trang 15, tập một). Tháng 2/1930, một cuộc đấu tranh của 5.000 công nhân đồn điền Phú Riềng, với 300 phụ nữ đi đầu đòi yêu sách: “Trả lương cho nữ công nhân nghỉ đẻ” đã gây ra tiếng vang lớn.
Từ những phong trào xã hội đòi quyền lợi, giúp đỡ cộng đồng, những cuộc biểu tình, đấu tranh chính trị ngày càng lan rộng. Sự phát triển của phong trào phụ nữ ở đô thị đã hình thành và phát triển chính từ những cuộc vận động, những tiếng nói tích cực của cả nam giới lẫn nữ giới trên báo chí Quốc ngữ trong suốt những năm thập niên 1920-1930. Năm 1955, Ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định được thành lập, phụ nữ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng cơ sở cách mạng, tham gia hoạt động nội thành…
Bộ sách 85 năm phong trào phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh
Bộ sách được chia theo từng giai đoạn lịch sử với bố cục chung: địa giới hành chính, đặc điểm đời sống chính trị, đặc điểm kinh tế - văn hóa - xã hội, phong trào phụ nữ, vai trò và đặc điểm của phong trào phụ nữ trong mỗi giai đoạn… Nhờ thế, người đọc dễ dàng theo dõi tiến trình gần 100 năm của phong trào phụ nữ.
Tinh thần và phẩm cách phụ nữ
Mục Nữ giới trên tờ Thanh niên - tờ báo do Nguyễn Ái Quốc sáng lập vào năm 1925 khi còn ở Trung Quốc - có những bài viết của Bảo Lương Nguyễn Trung Nguyệt. Đó là người con gái Việt Nam đã quyết định “cắt phăng mái tóc dài, cải trang làm con trai để đi Quảng Châu” dự lớp học chính trị đặc biệt do Nguyễn Ái Quốc đào tạo. Năm 1928, Trung Nguyệt về nước trên chuyến tàu bí mật và nhận nhiệm vụ: “Phải vận động xây dựng cho bằng được tổ chức Hội Phụ nữ Giải Phóng ở Nam bộ”.
Chân dung của những người nữ anh hùng được nhắc đến: Mai Huỳnh Hoa, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Thập, Nguyễn Thị Nhỏ, Nguyễn An Ninh, “hoàng hậu đỏ” Nguyễn Thị Bảy (người cùng Nguyễn Thị Minh Khai bị Pháp kết án tử hình, hy sinh ngày 26/5/1941)... Những người phụ nữ xuất thân trong nghèo khó, cơ cực nhưng rồi bằng sức mạnh ý chí và lòng yêu nước, họ quật cường đứng lên và trở thành những người của lịch sử. Như “nữ kiệt miền Đông” Hồ Thị Bi, một trong hai vị nữ chỉ huy quân sự tiêu biểu của miền Nam trong chiến tranh Việt Nam (người còn lại là nữ tướng Nguyễn Thị Định).
Trong suốt bộ sách, câu chuyện về những người nữ anh hùng có lúc được viết riêng thành bài chân dung, có lúc lồng ghép trong những trang ghi chép về tiến trình lịch sử, hoặc trích đoạn từ các tác phẩm đã xuất bản. Tất cả cùng làm nổi bật tinh thần và phẩm cách “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của phụ nữ Việt Nam. Có người được nhắc tên, như “chị Tư Giả vừa làm liên lạc cho Trung ương vừa giữ tài liệu và bảo vệ cán bộ Đảng”, “chị Tư Vẻn nuôi giấu cán bộ (đồng chí Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Lê Duẩn)”, “chị Nguyễn Thị Xưa (Bảy Sao) vừa hoạt động cơ sở vừa làm liên lạc cho Xứ Ủy”, “chị Nguyễn Thị Lựu cùng với chị Năm Lượng, Mai Huỳnh Hoa thành lập các tiểu tổ Phụ nữ giải phóng và ra tờ Phụ nữ giải phóng, là người phụ nữ đầu tiên ở Nam kỳ được Đảng chỉ định làm xứ ủy viên vào năm 1931”… Nhưng cũng có những người phụ nữ vô danh, họ được nhắc đến trong tập thể hoạt động bí mật, những đoàn người xuống đường biểu tình và chính họ làm nên lực lượng góp phần không nhỏ cho cách mạng thành công, “tạo nên dấu ấn riêng của tầng lớp mình, trong thắng lợi chung của dân tộc”.
Trong số lực lượng phụ nữ miền Nam được huy động phục vụ chiến trường trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Sài Gòn có 200.000 phụ nữ lo công tác phục vụ chiến đấu, hơn 7.000 phụ nữ tham gia lực lượng vũ trang và bán vũ trang. “Khi quân ta từ nhiều hướng tiến về Sài Gòn, phụ nữ cũng hăng hái tham gia phối hợp chiến đấu. Ở Củ Chi, khi quân đoàn 3 nổ súng tấn công căn cứ Đồng Dù, các mẹ, các chị đã đi đầu nổi dậy, chiếm lĩnh các cơ sở của địch ở xã, ấp. Ngày 29/4/1975, má Bảy Lánh xông vào đồn cảnh sát Củ Chi, bắt địch hạ cờ ngụy, giương cao cờ Mặt trận”, “má Nguyễn Thị Rành Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân - treo cờ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam lên cây điệp đầu ấp Phước Hòa, xã Phước Hiệp, H.Củ Chi cũng như 30 năm trước má treo cờ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mừng ngày tổng khởi nghĩa”…
Chiến tranh có khuôn mặt của phụ nữ và “khuôn mặt” ấy càng hiện lên rõ ràng trong bộ sách 85 năm phong trào phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh (sách do Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM và Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM ấn hành).