Khi ông xã không chịu… bó gối

24/07/2021 - 09:57

PNO - Có lẽ khi cuộc sống rơi vào khủng hoảng, bản lĩnh đàn ông sẽ phát huy mạnh mẽ.

1. Hôm ấy đi chợ về, thấy chồng lúi húi kê xe nước mía trước cửa nhà để chuẩn bị bán hàng, lòng Hoa thắt lại. Mới một năm trước, anh còn quần là áo lượt làm trưởng đại lý ủy quyền cho một công ty du lịch với thu nhập cao, vậy mà giờ đây áo thun quần đùi đứng bán hàng ở vỉa hè. 

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, công việc của chồng Hoa bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mấy tháng đầu chỉ giảm lương, về sau, anh mất luôn cả việc làm do công ty không thể duy trì đại lý. Hoa mở tiệm làm tóc tại nhà, thu nhập cũng giảm đi một nửa. Trong khả năng của mình, Hoa vẫn lo được cho gia đình, chưa kể vẫn còn khoản tiết kiệm. 

Thế nhưng chồng Hoa chẳng chịu ngồi yên khi mất việc, anh làm hết việc này đến việc kia để có thêm thu nhập. Hồi đầu, anh đi phụ xe cho một nhà xe Bắc Nam dù việc vất vả nhưng lương hằng tháng chỉ bằng một phần tư công việc trước kia. Sau đó, chuyến xe ít dần do hạn chế hoạt động để phòng dịch, anh đành nghỉ việc. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ở nhà được vài tuần, anh nảy ra ý định mua xe nước mía về mở bán trước tiệm của vợ. Anh tính toán, chỉ bán cho khách mang đi để đảm bảo an toàn, vừa trông con cho vợ làm việc. Trời đang nắng nóng, nếu có khách đều, ít ra một ngày anh cũng kiếm đủ tiền lo một phần chi phí sinh hoạt gia đình. 

Khi mới nghe chồng nói, Hoa phản đối: “Nhà mình chưa đến nỗi khó khăn, em vẫn lo được. Anh cứ nghỉ ngơi một thời gian đi”. Nhưng chồng nhất quyết: “Em mắc cỡ khi anh đứng bán hàng à. Mình lao động chân chính chứ có ăn cắp ăn trộm đâu mà sợ”.

Quả thật, trước đây Hoa luôn tự hào về công việc của chồng khi nào cũng bảnh bao quần tây áo sơ mi trắng đi làm, có thu nhập cao. Mấy chị khách quen hay lui tới cửa hàng khen Hoa tốt số. Giờ nhìn chồng đứng bán nước mía trước tiệm, Hoa có chút ngại ngùng. 

Trái với tâm trạng của vợ, chồng Hoa vui vẻ thoải mái với việc làm mới, dù thu nhập chưa là bao. Anh động viên vợ: “Anh không bán nước mía mãi đâu, khi nào dịch bệnh qua đi, công việc ổn định trở lại, anh lại trở về đúng nghề mà”.

Nhờ chồng tháo vát mà Hoa cũng đỡ gánh lo toan. Thu nhập giảm nhiều, không dư để tích lũy nhưng vẫn đảm bảo cuộc sống hằng ngày, lo đủ cho con không bị thiếu thốn.

Lúc thành phố bắt đầu giãn cách xã hội, xe nước mía phải dẹp, Hoa lại vui vì ông xã có chút thời gian nghỉ ngơi, nhưng chỉ ngày hôm sau, anh lại lôi đồ trong nhà ra chùi rửa, chỉnh sửa, giờ từ phòng khách đến cái bếp, mọi thứ đều sáng choang. 

2. Gia đình xáo trộn nhiều do ảnh hưởng của dịch bệnh. Trước đó, vợ chồng Hương thuê nguyên căn nhà ở thành phố để ở nhưng sau khi chồng thất nghiệp, họ phải trả nhà để thuê phòng trọ nhỏ hơn. Không chịu nổi cảnh sống chật chội, chồng Hương đem con trai về quê tá túc nhà ông bà nội để vợ ở lại một mình bươn chải.

Hằng tháng, Hương gửi 5 triệu đồng về cho chồng con ở quê. Vợ chồng cô mới cưới được ba năm, chưa kịp tích lũy được gì thì dịch bệnh ập đến.

Để có tiền trang trải, ngoài công việc chính, Hương phải bán thêm hàng online để bù vào khoản thu nhập cố định đang giảm dần. Chồng Hương làm trong ngành tổ chức sự kiện, do dịch bệnh, công việc anh ngưng trệ.

Nhiều lần, Hương bàn với chồng để con cho ông bà, lên thành phố phụ giao hàng cho vợ rồi kiếm việc làm thêm nhưng chồng lấy lý do không quen làm việc đó, cứ nghỉ ngơi cho qua đợt dịch rồi tính tiếp.

Cách đây một tuần, Hương nhận được tin nhắn của chồng: “Em không cần gửi tiền cho anh nữa nhé, em cố gắng bảo vệ sức khỏe”. Tưởng chồng dỗi, Hương dò hỏi bố mẹ chồng. 

Ông bố chồng kể: “Nó dậy rất sớm, đi đến tối mịt mới về, quần áo lấm lem, người đen thui. Về nhà, ăn bát cơm to, rồi lăn đùng ra ngủ”. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thì ra, ông chồng đi làm nông, nói thẳng ra là làm mướn, chứ có chuyên môn đâu mà làm nông. Nhà nào có bầu bí cần thu hoạch, nhà nào có vịt gà cần gom trứng, nhà ai cần tưới vườn, cắt rau, xuống giống… chồng Hương vào sổ, lên lịch. 

Biết chồng không muốn kể nên Hương chỉ hỏi thêm thông tin qua má chồng. Bà nói: “Không biết người ta trả nhiêu tiền, mà ngày nào về, ảnh cũng mang về dưa leo, cà rốt, trứng vịt… Không phải đi chợ nữa, má nhìn “chiến lợi phẩm” là biết ảnh mần chuyện gì… Ảnh còn tính chuyện thuê đất trồng trọt gì đó con à”.

Có lẽ khi cuộc sống rơi vào khủng hoảng, bản lĩnh đàn ông sẽ phát huy mạnh mẽ. Không cần làm gì to tát mà chỉ cần san sẻ cùng vợ gánh nặng kinh tế, tìm cách vượt khó khăn để giữ vai trò trụ cột gia đình. 

Lam Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI