Khi 'ông lớn' thời trang chú trọng dấu ấn cá nhân

06/01/2019 - 14:00

PNO - Quan trọng không phải bạn mặc gì, giá bao nhiêu mà là thứ bạn khoác lên người có phù hợp và nói lên được cá tính của bạn hay không.

Tháng 5/2019, Gucci bắt đầu khơi mào dự án sản phẩm tùy biến trên trang web của hãng và tại cửa hàng Gucci Wooster mới mở ở New York. Theo đó, khách hàng có thể lựa chọn các chữ cái từ một bản phông chữ cổ điển có sẵn kết hợp cùng các chất liệu, màu sắc và họa tiết theo ý muốn để gắn lên chiếc túi Ophidia hoặc đôi giày sneakers Ace của họ, để có được những sản phẩm hàng hiệu cao cấp mang đậm dấu ấn cá nhân.

Bước sang tháng Sáu, Gucci tiến hành hợp tác với 12 nghệ sĩ trẻ đến từ khắp nơi trên thế giới nhằm đẩy mạnh quảng bá dòng sản phẩm tùy biến DIY - Do it yourself mang tên “Imagining Gucci DIY”. Vẫn theo phong cách maximalism đặc trưng, trong chiến dịch “Imagining Gucci DIY”, những chiếc túi Ophidia và đôi giày sneakers Ace trở thành hình ảnh sáng tạo trọng tâm của nhiều loại hình nghệ thuật khác.

Khi 'ong lon' thoi trang chu trong dau an ca nhan
Chloé là một trong những tên tuổi dẫn đầu trào lưu hướng đến đại chúng của các thương hiệu thời trang cao cấp, qua việc sử dụng người mẫu có vẻ đẹp phi giới tính (bộ sưu tập Resort 2019 -Chloé).

Tương ứng với chiến dịch này, tại các quốc gia châu Á được đánh giá là có nền thời trang phát triển như Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam... Gucci cũng chọn cách liên kết với những ngôi sao hạng A có tầm ảnh hưởng đến giới trẻ như: G-Dragon, Sơn Tùng M-TP…

Louis Vuitton, Moschino, Fendi, Chanel… đều có những kế hoạch tương tự. Thay vì chọn những gương mặt không tì vết, da trắng, tóc dài, mắt xanh và cao trên 1,7m, các thương hiệu bắt đầu chú ý đến những cô gái sở hữu nốt ruồi, tàn nhang, chiều cao chưa đến 1,5m, thậm chí có gương mặt nam tính. Cái đẹp của thời trang giờ đây không thuộc về quy chuẩn đã được mặc định mà thuộc về những cá nhân có dấu ấn riêng, độc đáo và tự tin vào bản thân. 

Tại Việt Nam, không phải những siêu mẫu hay người đẹp nào mà chính fashionista Châu Bùi, Kelbin Lei… hoặc rapper Suboi trở thành gương mặt đại diện cho các hãng danh tiếng, được mời tham dự những buổi ra mắt thương hiệu, gặp gỡ thân mật nhà sáng tạo, có những buổi chụp ảnh cùng những ngôi sao, fashionista khác trong khu vực châu Á hoặc trên toàn thế giới.

Khi 'ong lon' thoi trang chu trong dau an ca nhan
Chiến dịch “Imagining Gucci DIY” sẽ được đẩy mạnh trong năm 2019 nhằm đấu tranh cho sắc màu cá nhân.

Rõ ràng, thời trang cao cấp đang có xu hướng chuyển dịch, để trở nên gần gũi, mà vẫn không đánh mất giá trị cốt lõi là sự độc đáo và tinh thần thương hiệu. Làm thế nào để tiếp cận đối tượng khách hàng trẻ tuổi, lắng nghe tiếng nói của họ và thích nghi, thay vì đơn độc tạo “trend” (xu hướng) là điều mà các nhà mốt cực kỳ quan tâm.

Dĩ nhiên, mạng xã hội góp phần không nhỏ vào sự dịch chuyển này. Thay vì chạy theo mốt, giờ đây các nhà mốt chạy theo người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng trẻ, có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội. Những người trẻ này mang đến cái nhìn khách quan, trung thực về thương hiệu thay vì bị bủa vây bởi quảng cáo. Thay vì xem quảng cáo trên ti vi hay các tạp chí thời trang để mua một bộ cánh, một đôi giày… trong vai người tiêu dùng, họ tìm đến những người trẻ cùng thế hệ để thăm dò, quan sát xu hướng. Chính điều này, tạo nên mối quan hệ tương hỗ thú vị và sự đa dạng cho bức chân dung thị trường thời trang cao cấp.

Quan trọng không phải bạn mặc gì, giá bao nhiêu mà là thứ bạn khoác lên người có phù hợp và nói lên được cá tính của bạn hay không. Liệu nó có truyền được cảm hứng đến những người đang ngắm nhìn bức ảnh bạn up lên instagram hoặc Facebook hôm nay hay không? Tất nhiên, để làm được điều này, bạn phải sở hữu lượng kiến thức nhất định, không chỉ về thời trang, về sự định hướng gu thời trang cho số đông mà còn nhiều thứ khác nữa.

Tuệ Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI