Đại dịch COVID-19:

Khi ông bà trở thành điểm tựa cho các cháu

15/04/2022 - 07:03

PNO - Kể từ khi đại dịch xảy ra, ông bà và các thành viên gia đình đã tích cực hỗ trợ chăm sóc các cháu có cha mẹ mắc COVID-19 trong thời gian điều trị, cách ly. Thậm chí, họ còn trở thành người chăm sóc, nuôi dạy cháu do cha, mẹ hoặc cả hai chẳng may qua đời.

Câu chuyện của Putera

Sau khi con rể của Joanne Swan (70 tuổi) qua đời vì COVID-19 vào đầu đại dịch, bà đã chuyển từ Ossining, New York (Mỹ) đến sống cùng con gái và hai đứa cháu ở Waldwick, bang New Jersey.

Cậu bé Putera và bà Surati tiếp tục cuộc sống bình thường nhờ sự hỗ trợ từ hàng xóm, cộng đồng - ẢNH: UNICEF
Cậu bé Putera và bà Surati tiếp tục cuộc sống bình thường nhờ sự hỗ trợ từ hàng xóm, cộng đồng - Ảnh: UNICEF

Bà nấu ăn, đọc chuyện cho cháu nghe trước khi đi ngủ và khóc khi cả gia đình đau buồn về cái chết của người con rể Martin. Bà nói: “Tôi sẽ làm gì? Quay về chỗ của mình và chỉ lo cho bản thân thôi sao? Miễn là tôi còn năng lượng, động lực cũng như khả năng và sức khỏe, đây là nơi tôi thuộc về”. 

Chỉ riêng tại Mỹ, ước tính có tới 200.000 trẻ em đã mất cha hoặc mẹ vì COVID-19. Theo báo cáo của COVID Collaborative - một nhóm ủng hộ các nguồn lực chống dịch tại Mỹ - 70% số trẻ em mất cha mẹ hoặc người chăm sóc tại nhà do dịch bệnh tại nước này thuộc nhóm từ 13 tuổi trở xuống. Ông bà hoặc người thân lớn tuổi thường là những người đứng ra hỗ trợ khi trẻ phải chịu những mất mát về người thân. 

Vào một buổi chiều đầy nắng ở vùng nông thôn yên tĩnh của Indonesia, cậu bé Putera (11 tuổi) ngồi trên sàn nhà, đọc một quyển sách. Cậu bé trầm tính với đôi mắt chất chứa nhiều ký ức đau thương. Ngồi đối diện là giáo viên Siska. Kể từ khi trường học mở cửa trở lại, cô đã đến nhà ba lần một tuần để dạy thêm cho Putera.

Surati (71 tuổi) - bà nội của Putera - kể: “Nhà trường sắp xếp dạy kèm vì tôi không thể đọc hoặc viết nên không thể giúp cháu”. Điều đáng mừng là Putera tiếp thu bài học rất tốt, và là một học sinh giỏi. 

Khung cảnh hạnh phúc của buổi chiều phần nào xóa đi hoàn cảnh đau thương của hai bà cháu. Mồ côi mẹ từ khi mới được một tuổi, Putera được bà chăm sóc kể từ khi cha cậu qua đời vì COVID-19 vào năm 2021. Các anh chị lớn của Putera sống ở xa và hiếm khi về thăm. Bà Surati đã góa chồng hơn 30 năm, sáu đứa con còn lại của bà đang sống rải rác quanh quần đảo. Bà tin rằng đối với cháu trai, mọi thứ đã ổn.

Sự hỗ trợ từ người thân, cộng đồng

Bất chấp những khó khăn, bà Surati vẫn lạc quan về tương lai của cháu trai: “Tôi không biết mình còn sống bao lâu nữa, nhưng tôi biết Putera được tất cả yêu mến. Mọi người sẽ luôn giúp đỡ đứa trẻ này. Ngay cả cảnh sát trưởng cũng muốn một ngày nào đó nhận nuôi Putera”.

Januri - nhân viên xã hội ở địa phương - chỉ ra rằng sẽ có lúc người cao tuổi gặp khó khăn trong việc đối mặt với nỗi đau ngày càng tăng của cháu họ. Họ cũng phải tự vượt qua nỗi đau buồn khi mất con trong khi nuôi dạy cháu toàn thời gian, và do đó cần có sự hỗ trợ phù hợp. Điều này bao gồm các dịch vụ sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội cũng như hỗ trợ lâu dài cho việc học hành và nhu cầu hằng ngày của đứa trẻ.

Quay trở lại gia đình bà Swan. Hai cháu của bà chỉ mới ba tuổi và một tuổi, riêng cô con gái Pamela Addison vẫn bận rộn với công việc giáo viên. Bà hiện diện toàn thời gian trong cuộc sống hằng ngày của lũ trẻ, thay tã, tắm và hôn chúc ngủ ngon. “Biệt đội mẹ và con gái nhà Swan” đang hướng tới mục tiêu cung cấp cho bọn trẻ một tuổi thơ bình thường nhất có thể khi không còn bờ vai rộng của người cha. Ban đầu, bà Swan khá lo lắng, nhưng em gái bà, sui gia và các thành viên khác trong gia đình đã hỗ trợ họ.

Bà Swan kể: “Lúc đầu, tôi cảm thấy như mình đang chìm trong cát lún, nhưng tôi không dám chia sẻ điều đó. Tôi bị đè nặng bởi đau buồn và thực tế, nhưng tôi đã vượt qua và khẳng định với chính mình rằng đây là cuộc sống hiện tại”. 

Tại Mỹ, Tổ chức National Alliance for Children’s Grief duy trì một danh sách các tổ chức phi lợi nhuận quốc gia có thể giúp trẻ em, cha mẹ và ông bà cảm thấy bớt cô đơn trong nỗi đau buồn vì mất người thân. Danh sách cũng cung cấp những nhóm hỗ trợ, tư vấn, trại hè và các hoạt động gia đình khác. Bên cạnh đó là các chương trình hướng dẫn, được tài trợ bởi chính quyền tiểu bang và liên bang, giúp kết nối thân nhân với các dịch vụ như nhà ở, trợ cấp thực phẩm, hướng dẫn pháp lý.

 Ngọc Hạ (theo UNICEF, NY Times, AARP, Generations)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI