Vai trò truyền thống của ông bà trong việc chăm sóc trẻ em ở Trung Quốc bị đặt câu hỏi sau hai vụ kiện gần đây, làm dấy lên cuộc tranh luận về việc liệu người già có nên được trả tiền cho những nỗ lực họ bỏ ra hay không.
Mới đây, hai phụ nữ lớn tuổi đã ra tòa yêu cầu được bồi thường trong hai trường hợp riêng biệt, sự việc này làm rõ thêm một thực tế là người lao động Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào việc nhờ cha mẹ trông giùm con cái để họ rảnh tay theo đuổi sự tiến thân.
|
Trong nhiều thế hệ của người Trung Quốc ông bà luôn là người chăm sóc cháu, nhưng nay tình hình đã thay đổi, một số cụ không muốn làm điều đó “không công” nữa - Ảnh: Shutterstock |
Báo địa phương Red Star News đưa tin một phụ nữ ở Miên Dương, tỉnh Tứ Xuyên, đã được tòa án địa phương xử thắng kiện hơn 68.000 nhân dân tệ (9.500 USD) sau khi bà kiện con trai và con dâu để đòi chi phí nuôi dưỡng đứa cháu nội lên 9 tuổi của mình.
Người phụ nữ họ Vương là “người chăm sóc toàn thời gian” cho đứa trẻ trong suốt 8 năm khi cha mẹ cậu bé đi làm ăn xa nhà. Bà Vương cho biết bà trang trải phần lớn chi phí sinh hoạt của cháu trai và quyết định đòi bồi thường khi cha mẹ cậu bé bàn chuyện ly hôn.
Bà Vương nói: “Tôi chỉ muốn qua vụ kiện này cho con trai và con dâu biết rằng hai người có nghĩa vụ nuôi dạy con cái của mình”. Bà cho rằng, “những người trẻ tuổi nên bỏ ý nghĩ cố hữu là cha mẹ già phải trông cháu của mình, các con phải biết trân trọng sự đóng góp của chúng tôi”.
Mặc dù thắng kiện, bà Vương vẫn không nhận được một xu bồi thường nào và đứa cháu trai vẫn tiếp tục sống với bà.
Trong một vụ kiện khác trước đó 3 tháng, một tòa án ở Bắc Kinh đã đứng về phía yêu cầu đòi bồi thường chính đáng của một cụ bà khi bà một tay nuôi cháu gái từ khi cháu ra đời năm 2002 đến nay.
Câu chuyện của hai phụ nữ cao tuổi thể hiện sự phản ánh công khai về cách thức nuôi dạy trẻ của người Trung Quốc, là gánh nặng của việc này trong nhiều thế hệ đè nặng lên vai các ông bà.
Từ góc độ văn hóa, đó là chuyện đương nhiên ở một đất nước có lịch sử lâu đời là nhiều thế hệ sống chung dưới một mái nhà, và ông bà thường tham gia nuôi dạy trẻ. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu về gia đình Xu Anqi tại Viện Khoa học xã hội Thượng Hải, “ngày nay, khi mọi người phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt và áp lực lớn từ công việc, họ vẫn thường phải nhờ vả cha mẹ già chăm sóc con cái”.
Những thập kỷ gần đây, khi quá trình đô thị hóa diễn ra như vũ bão, nó đã phá vỡ các hộ gia đình nhiều thế hệ, nhưng người già Trung Quốc vẫn đóng vai trò tích cực trong việc nuôi dạy cháu và nhiều người chuyển đến các thành phố con cái làm việc để trông cháu.
Hàng triệu gia đình làm điều đó theo cách khác – để con cái lại với ông bà ở quê còn họ ra thành phố kiếm việc làm có lương cao hơn. Theo số liệu của Bộ Nội vụ Trung Quốc, đến tháng 8/2018 nước này có gần 7 triệu đứa trẻ bị bỏ lại ở quê nhà.
Hai năm trước, bà Li Xiujuan chuyển đến Thượng Hải để giúp trông cháu gái cho con từ một vùng quê ở tỉnh Hà Nam. Bà Li nói: “Nhiều người gọi chúng tôi là 'bảo mẫu không lương', nhưng thực sự chúng tôi cảm thấy có trách nhiệm giúp đỡ con cháu, các con tôi sẽ khó khăn về tiền bạc nếu một con phải nghỉ việc để nuôi con hay thuê ô sin trông cháu”.
Bà Li cười: “Tôi là người giữ trẻ trông cháu gái 24 giờ một ngày, tôi nấu cho cháu ăn, giặt giũ quần áo cho cháu, đưa cháu đến lớp học mầm non, dắt cháu đi dạo công viên 2 lần một ngày, ngủ trưa và ngủ tối cũng cùng cháu”.
Bà cho biết, trước đây bà chưa bao giờ quan tâm đến con gái như quan tâm đến cháu bây giờ. “Chẳng gì tôi cũng là bà ngoại, là người chăm sóc chính cho cuộc sống hàng ngày khi cháu gái còn bé”. Bà Li rất tự hào về cháu gái và thú nhận bà thích công việc của mình, chỉ có điều bà cũng nhớ bạn bè và người thân ở quê nhà.
Trong một nghiên cứu tiến hành năm 2017 với khoảng 3.600 hộ gia đình ở sáu thành phố lớn trong đó có Bắc Kinh và Quảng Châu, Hiệp hội Giáo dục Trung Quốc (CSE) phát hiện gần 80% hộ gia đình được khảo sát có ít nhất một ông bà chăm sóc cháu trước khi cháu bắt đầu học tiểu học. Nghiên cứu cũng cho biết 60% cha mẹ vẫn dựa vào sự giúp đỡ của ông bà sau khi trẻ đủ tuổi đến trường tiểu học lúc 6 tuổi.
“Liệu ông bà có nên được đền bù cho những nỗ lực của họ hay không?”, câu hỏi này đã khiến 49.000 người dùng Weibo tham gia cuộc thăm dò cuối tháng 6 có ý kiến trái ngược nhau, theo đó đến một nửa tán thành việc ông bà cần được trả tiền khi nuôi cháu. Chỉ có 2,3% nói rằng việc trông cháu “là một nguyên tắc không thể thay đổi được” đối với người già.
Việc này nên thực hiện thế nào? Nhà nghiên cứu Xu ở Thượng Hải gợi ý con cái có thể tặng quà cho cha mẹ nhân các ngày lễ hay đưa cha mẹ cùng đi du lịch.
Bà Li đồng ý với cách làm này, theo bà nếu thanh toán thường xuyên sẽ hơi khó xử cho cả hai bên, “nhưng tôi mong đợi một phần thưởng nào đó, như quà tặng bằng tiền mặt nhân ngày lễ và tặng các vật dụng cần thiết hàng ngày”.
David Dai, một nhân viên văn phòng 30 tuổi ở Bắc Kinh, nói rằng việc đền bù cho đóng góp của ông bà tùy thuộc vào tình hình tài chính của mỗi gia đình. Dai cho biết cha mẹ anh là nông dân, hai cụ mới ngoài ngũ tuần, còn khỏe mạnh, “nếu hai cụ không rời quê An Huy lên Bắc Kinh để chăm sóc cháu trai, thì các cụ cũng sẽ kiếm việc gì đó để làm”.
Anh nói, khi cha mẹ lên trông cháu nội, ngoài việc trang trải chi phí sinh hoạt cho hai cụ, anh thường xuyên quà cáp những dịp lễ tết, vì “tôi biết khi trông cháu hai người đã đánh mất cơ hội kiếm việc làm thêm”.
Dai cho biết, ở một số gia đình, ông bà nghỉ hưu nhưng lương hưu cao, họ không thiếu tiền và thích dành thời gian cho các cháu của mình. Theo anh, những cha mẹ này không cần được trả tiền, và “thứ họ cần là những lời nói yêu thương, điều mà nhiều người trong chúng ta đã quên mất cách nói”.
Nhưng đối với những người con không bao giờ tỏ lòng biết ơn, thì cha mẹ của họ có mọi lý do để tránh làm điều này, hay yêu cầu phải trả công chăm cháu.
Thanh Hải (Theo SCMP)