Khi nữ giới chinh phục bầu trời

25/04/2022 - 06:28

PNO - Mọi người thường nghĩ về hình ảnh phi công trong buồng lái là nam giới, còn phụ nữ chỉ tham gia phi hành đoàn với vai trò tiếp viên. Thế nhưng, phụ nữ đang dần chinh phục giấc mơ bay lượn trên bầu trời, với cơ hội nghề nghiệp cho phi công nữ không ngừng rộng mở.

Những nữ hoàng của bầu trời

Đã nửa thế kỷ trôi qua kể từ khi các hãng hàng không bắt đầu cho phép phụ nữ lái máy bay thương mại. Nhưng ngay cả khi ngành hàng không phát triển theo cấp số nhân, một phần của ngành hầu như vẫn giữ nguyên, đó là sự vắng mặt của phụ nữ trong buồng lái. Khoảng 95% phi công ở Mỹ hiện nay là nam giới, gần như tất cả là người da trắng.

Ước mơ trở thành phi công không còn xa vời với nữ giới nhờ những cơ hội bình đẳng hơn trong ngành hàng không và đào tạo - Ảnh: OSM Aviation Academy
Ước mơ trở thành phi công không còn xa vời với nữ giới nhờ những cơ hội bình đẳng hơn trong ngành hàng không và đào tạo - Ảnh: OSM Aviation Academy

Tương tự, theo Hiệp hội Nữ phi công Hàng không quốc tế, chỉ 5% phi công thương mại trên toàn cầu là phụ nữ. Dù vậy, điều đó không có nghĩa là phụ nữ điều khiển máy bay kém hơn nam giới. 

Zakiya Percy là một trong số ít những người tiên phong đang cố gắng thay đổi quan niệm trên. Cô từng mơ được bay trên trời mỗi khi nhìn thấy máy bay bay qua khu phố nơi cô lớn lên ở San Francisco. Người phụ nữ da màu 29 tuổi, chia sẻ: “Khi còn bé, tôi đã nói với bản thân rằng mình sẽ là cơ trưởng trên một chiếc Boeing 777. Tôi quyết tâm làm mọi thứ để đạt được điều đó”.

Giờ đây, Percy hy vọng sẽ có tấm bằng phi công hàng không trong vòng một năm tới. Rất ít phụ nữ và người da màu khao khát được lái máy bay bởi vì họ hiếm khi nhìn thấy một hình mẫu cho bản thân trong tương lai. Chi phí đào tạo và sự phân biệt đối xử có thể làm nản lòng những kẻ mộng mơ. Hai năm và khoảng 100.000 USD là những yêu cầu tối thiểu để thu thập kinh nghiệm cần thiết nếu một sinh viên muốn trở thành phi công của hãng hàng không thương mại.

May mắn, cơ hội đang đến cho những người như Percy. Sau đại dịch, nguồn cung phi công đang thiếu hụt. Scott Kirby - Giám đốc điều hành của United Airlines (Mỹ) - chia sẻ: “Hầu hết các hãng hàng không không thể thực hiện được kế hoạch phát triển đường bay vì đơn giản là họ không có đủ phi công, ít nhất là trong năm năm tới”.

Vì vậy, các hãng hàng không đã phải nỗ lực hơn để giải quyết khó khăn này. United gần đây đã khai trương một trường dạy bay với mục đích thuê hàng ngàn phi công trong những năm tới, ít nhất một nửa trong số đó là phụ nữ hoặc người da màu. Các hãng bay khác cũng đã đưa ra các sáng kiến ​​tương tự. Nhiều trường đại học có chương trình đào tạo bay đã tung ra học bổng cho sinh viên từ các cộng đồng thiểu số với mục tiêu đáp ứng nguyện vọng của ngành. 

Bắt đầu từ ước mơ

Trên thực tế, những người lựa chọn trở thành phi công thường không dựa trên nhu cầu của ngành mà là để thực hiện ước mơ, niềm đam mê cá nhân. Cô Cetrena Simmons (29 tuổi) - phi công của Republic Airways, một hãng hàng không khu vực tại Mỹ - chia sẻ: "Mặc dù tôi bay hằng ngày, vài chuyến mỗi ngày, tôi luôn cảm thấy hào hứng mỗi khi cất và hạ cánh. Tôi không nghĩ điều này sẽ thay đổi. Mọi chuyến hành trình đều thú vị”.

Nhưng để có một ước mơ và đam mê, trước tiên bạn cần phải có một hình mẫu. Việc thiếu hình mẫu nữ phi công có thể là một trong những lý do tại sao nhiều cô gái hoặc phụ nữ thậm chí không nghĩ đến việc tham gia vào ngành hàng không. 

Crystal Barrois - thành viên của Ban cố vấn Hàng không dành cho nữ giới tại Mỹ (WIAAB) - cho biết ngành hàng không và chính phủ cần tạo ra kế hoạch đào tạo phi công phù hợp với những cô gái trẻ, những người có thể muốn trở thành phi công, nhưng lại vấp phải vô số rào cản trên con đường theo đuổi mục tiêu đó.

Những trở ngại khởi đầu từ việc thiếu đồ chơi và sách mô tả hình ảnh các nữ phi công, thiếu thông tin và định hướng nghề nghiệp ở trường học, cho đến việc vay vốn trang trải học phí, thiếu cơ sở vật chất huấn luyện phù hợp rồi cuối cùng là nguy cơ thất nghiệp do chế độ thai sản kém và các lựa chọn làm việc không linh hoạt. 

Vào tháng Ba, WIAAB đã đưa ra một báo cáo mang tên Kế hoạch bay cho tương lai với 55 khuyến nghị, gửi tới Quốc hội, Bộ Giao thông Vận tải Mỹ, Cục Hàng không Liên bang (FAA) nhằm mục đích thiết kế lại hệ thống và phá bỏ những rào cản trên.

Ở Ấn Độ, tỷ lệ nữ phi công cao hơn đáng kể so với thế giới (15%). Điều này có thể xuất phát từ việc tổ chức Women in Aviation International tại Ấn Độ đã thực hiện nhiều chương trình nâng cao nhận thức, định hướng nghề nghiệp cho học sinh trên toàn quốc với sự phối hợp của Bộ Hàng không Dân dụng quốc gia, các ngành công nghiệp và các chuyên gia hàng không hàng đầu là nữ giới. Họ đặc biệt tập trung vào các nữ sinh trẻ, từ gia đình có thu nhập thấp để chắp cánh cho ước mơ chinh phục bầu trời. 

 Ngọc Hạ (theo NY Times, New Indian Express, OSM Aviation Academy)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI