TPHCM: Trường đổi mới, trò ham học - Bài 2:

Khi nội quy không còn là nỗi ám ảnh của học sinh

18/10/2023 - 08:13

PNO - Nhiều trường học tại TPHCM đã xây dựng các nội quy nhân văn, giúp học sinh vui vẻ, thoải mái khi đến trường. Chẳng hạn không cấm nữ sinh dùng son môi nhẹ nhàng, được mặc trang phục tự do một số ngày trong tháng, được mang ba lô tùy thích… khiến học sinh rất thích thú.

“Trường học hạnh phúc” là nhiệm vụ trọng tâm được ngành giáo dục TPHCM đặt ra trong năm học 2023-2024. Trong nhiều tiêu chí, điều cốt lõi vẫn là học sinh được vui, được thầy cô lắng nghe, chia sẻ, đối xử công bằng… Với sự nhiệt huyết, sáng tạo của các nhà quản lý giáo dục, các thầy cô, môi trường giáo dục của thành phố đang thay đổi tích cực, mang đến niềm vui, hạnh phúc cho học sinh khi đến trường.

Bài 1: Những cách dạy "không giống ai" khiến trò mê tít

Vui với sân trường rực sắc 

Gần 11 giờ trưa, toàn bộ học sinh của Trường THCS Âu Lạc (quận Tân Bình) ùa ra khỏi lớp. Đâu đâu cũng là dáng dấp của những đứa trẻ mặc áo sơ mi trắng, khăn quàng đỏ, quần sọt hoặc váy ngắn màu xanh sẫm. Vậy mà chỉ chốc lát sau đó, sân trường đã được bao phủ bởi những chiếc áo thun màu xanh dương, xanh lá, trắng, vàng và đỏ. Đây cũng chính là đồng phục buổi chiều (bán trú) của học sinh nhà trường từ năm 2017 đến nay.

Học sinh Trường THCS Âu Lạc học buổi chiều với đồng phục mát mẻ, nhiều màu sắc - Ảnh: Trang Thư
Học sinh Trường THCS Âu Lạc học buổi chiều với đồng phục mát mẻ, nhiều màu sắc - Ảnh: Trang Thư

Vốn đã yêu thích trang phục này từ khi còn học tiểu học nên Tuệ Tâm - học sinh lớp Sáu của trường - đã thuyết phục mẹ mua cho mình cả 5 màu áo. Em hào hứng nói: “Hồi trước, em luôn phải mặc áo sơ mi và quần tây cả ngày nên quần áo rất nhanh cũ. Giờ em không còn lo nữa, vì mỗi buổi chiều em sẽ mặc một màu áo khác nhau. Nhìn sân trường nhiều màu sắc như vậy em thấy rất vui vẻ và thoải mái”.

Với giá 85.000-90.000 đồng/áo, phụ huynh và học sinh được tự do mua theo số lượng, màu sắc mà mình muốn. Vì là áo thun nên các em không chỉ dễ dàng vui chơi, chạy nhảy, mà còn thoải mái hơn trong giờ nghỉ bán trú. Những khi có hoạt động ngoại khóa, thể thao, thay vì phải đặt thêm áo đồng phục cho lớp, học sinh chỉ cần chọn cùng một màu áo để thể hiện tinh thần đồng đội của mình.

“Bởi vì được tự do chọn màu sắc mà mình thích nên các em rất tự tin, năng động hơn trong các hoạt động. Điều này cũng làm sân trường trở nên tươi vui, cả thầy và trò đều thấy hạnh phúc. Đặc biệt, áo thun, quần sọt và váy cũng giúp chống chọi tốt hơn với thời tiết nóng nhiều hơn mát của TPHCM” - bà Bùi Thị Minh Tâm - Hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ. 

Còn tại Trường THCS Nguyễn Du (quận 1), cứ vào thứ Năm hằng tuần, học sinh sẽ mặc trang phục tự do mà lớp đã thiết kế, lựa chọn. Với sự sáng tạo của lứa tuổi “nhất quỷ, nhì ma”, trang phục của các em luôn toát lên sự tinh nghịch, dí dỏm với những câu: “Cô giỏi, trò tài”, “Not perfect, but only” (không hoàn hảo nhưng duy nhất)… Anh Thư - học sinh lớp Bảy của trường - bày tỏ: “Chúng em đã cùng nhau suy nghĩ, tranh luận để đưa ra sản phẩm cuối cùng. Vậy nên mỗi khi mặc áo này là chúng em lại thấy tinh thần tập thể tăng lên cao, tự tin với cá tính của mình”. 

Trong ngày này, giáo viên của trường cũng được mặc áo thun đồng phục để giảng dạy. Quy định này đã được thực hiện 3 năm nay và vẫn luôn được học sinh cũng như giáo viên ủng hộ, mong chờ.

Học sinh vui, thầy cô mới hăng hái dạy

Ngoài vấn đề đồng phục, bà Nguyễn Đoan Trang - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du - cũng chia sẻ thêm rằng, để xây dựng trường học hạnh phúc, nhà trường đã xây dựng nội quy trên tinh thần kỷ luật tích cực. Theo đó, học sinh được quyền phạm lỗi lần đầu tiên, lần thứ hai thì bị nhắc nhở, từ lần thứ ba mới có biện pháp cứng rắn và nghiêm khắc hơn. 

Học sinh Trường THCS Âu Lạc học buổi chiều với đồng phục mát mẻ, nhiều màu sắc
Học sinh Trường THCS Âu Lạc học buổi chiều với đồng phục mát mẻ, nhiều màu sắc

Giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm tuyệt đối không được tìm giáo viên đứng lớp trước đó để hỏi xem các em học hành thế nào, tính cách ra sao. “Hãy xem các em là trang giấy trắng và làm quen từ đầu. Gặp học sinh trong tâm thế mới chứ đừng định kiến, áp đặt các em bằng những điều thuộc về quá khứ” - bà Đoan Trang bộc bạch. Đồng thời, nhà trường cũng khuyến khích những hành động thiết thực của học sinh như nỗ lực để tiến bộ hơn trong học tập, trong hoạt động ngoại khóa. Chỉ cần bản thân các em hôm nay tốt hơn hôm qua thì đều xứng đáng được trân trọng. 

Là trường học nơi xã đảo với phần lớn học sinh thuộc diện khó khăn nên từ lâu, Trường THCS - THPT Thạnh An (huyện Cần Giờ) đã không đặt ra quy định học sinh phải mang ba lô, cặp táp theo một màu sắc, kiểu dáng nhất định. Chỉ cần chúng đựng được dụng cụ học tập, nằm trong khả năng kinh tế của phụ huynh và sở thích của học sinh thì đều được. Thậm chí, trường còn khuyến khích học sinh nữ trang điểm nhẹ nhàng mỗi khi đến lớp.

Mặc dù “thoáng” như vậy, hầu hết các em vẫn rất ngoan, số ít trường hợp ngược lại thì luôn được trường chấn chỉnh kịp thời. Nhờ vượt qua những khuôn khổ, áp đặt thường thấy mà những khi không có giờ học, các em học sinh vẫn chọn đến trường để tham gia các hoạt động thể thao, ngoại khóa. “Em cảm thấy rất tự tin khi có thể thoa son đến trường, vì như thế thì dù giờ học có căng thẳng hay thời tiết nóng bức thế nào thì nhìn em vẫn tươi tắn. Tất nhiên, em chỉ thoa son nhẹ nhàng đúng theo lứa tuổi của mình” - Mỹ Tâm - học sinh của trường - chia sẻ.  

Thời gian này, giáo viên của trường cũng đang tất bật để chuẩn bị tổ chức cuộc thi xây dựng trường học hạnh phúc dành cho học sinh. Đây sẽ là nơi để các em nêu lên quan điểm về niềm vui, sự hứng thú mỗi ngày đến trường của mình. “Trước nay, chúng ta luôn xây dựng trường học theo quan điểm chủ quan của người quản lý, nhưng cái gốc của trường học phải nằm ở học sinh. Học sinh phải vui khi đến trường, thầy cô mới hăng hái đi dạy, công tác quản lý mới dễ dàng và thuận lợi hơn” - thạc sĩ Nguyễn Bảo Ngọc - Hiệu trưởng nhà trường - lý giải. 

Những thay đổi tưởng chừng nhỏ nhặt của các trường học đã tạo nên niềm vui lớn trong lòng học sinh. Khi các em đến trường trong sự tự tin và thoải mái việc tiếp thu và ghi nhớ bài học cũng dễ 
dàng hơn.

Bỏ Sao đỏ, học sinh vẫn nền nếp

Sao đỏ vốn là “lực lượng” được thầy cô tuyển chọn gắt gao và rất mực tin tưởng. Bởi nơi nào có Sao đỏ thì tất cả vi phạm của học sinh, từ không bỏ áo vào quần, không đeo khăn quàng, mang dép kẹp, cho đến nhuộm tóc, sơn móng, son môi đỏ… đều sẽ đến tai thầy cô. Và kết quả cuối cùng là học sinh vi phạm bị kiểm điểm, còn lớp học của các em bị trừ điểm thi đua. 

Không thể phủ nhận rằng sự hiện diện của đội hình Sao đỏ đã khiến nền nếp, quy định của nhà trường được thực hiện nghiêm túc hơn. Tuy nhiên, chính những điều này cũng đã vô tình khiến danh xưng Sao đỏ trở thành nỗi ám ảnh của bao thế hệ học sinh. 

Thấu hiểu được điều này, Ban giám hiệu Trường tiểu học Lương Định Của (quận 3) đã bãi bỏ chức danh Sao đỏ từ nhiều năm nay. Điều đặc biệt ở đây là hầu hết học sinh của trường vẫn chấp hành rất tốt các quy định về trang phục, giờ giấc. Những gương mặt căng thẳng mỗi sáng đến trường dần được thay bằng những nụ cười thoải mái và tự tin.

Nhắc về câu chuyện này, đại diện nhà trường chia sẻ: “Nhiều khi học sinh đi trễ là do phụ huynh có việc bận chứ không phải do học sinh. Các em cũng đâu muốn mình đi học trễ, việc kiểm tra hay bắt bẻ thật sự không cần thiết, vì nó chỉ làm trò thêm áp lực, ngại với bạn bè”. 

Thậm chí, một số học sinh của trường khi đi trễ còn nhận được những món quà nhỏ xinh. Hình thức này không áp dụng đại trà mà chỉ dành cho một số trường hợp đặc biệt để khuyến khích, động viên các em cố gắng nhiều hơn. Nhờ sự chăm chút mang tính cá thể hóa mà tình trạng vi phạm ngày càng ít dần, thay vào đó là sự chăm chỉ và yêu mến thầy cô.

Ngoài ra, nhà trường còn có một truyền thống rất hay là các em học sinh mới chuyển đến trường sẽ luôn được tặng quà chào đón. Đó đơn giản chỉ là một cái bình nước có tên trường, vài quyển tập có in hình trường nhưng lại khiến các em rất xúc động. “Lúc đầu mới chuyển đến trường, con cũng lo lắng, hồi hộp, nhưng bây giờ thì con thấy rất vui. Con được tặng quà mới và được thầy cô, các bạn giúp đỡ nữa. Ngày nào con cũng mong được đến trường hết” - Minh Lê - học sinh lớp Bốn của trường - chia sẻ.

“Bởi vì toàn bộ học sinh của trường đều có tập, bình nước này nên chúng tôi làm vậy để các bạn mới không cảm thấy lạc lõng, cố gắng hơn trong học tập. Chúng tôi sẽ luôn nỗ lực để trẻ trông đến sáng thứ Hai hơn chiều thứ Sáu” - đại diện trường nói.

 

Trang Thư 

Bài cuối: Thầy thêm gần gũi, trò thêm tin yêu

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI