Khi nỗi buồn hóa thinh không

15/02/2025 - 11:54

PNO - Cuộc sống cứ thế trôi, nỗi đau cứ thế vơi dần và hình ảnh người thân cũng được gói ghém vào một ngăn nhỏ trong trái tim người ở lại. Cuộc sống mà!

Ngày chú tôi mất, bà nội đứng không vững, khóc ngất từng hồi. Tay bà đập xuống giường ầm ầm, miệng không ngừng kêu gào thảm thiết. Mọi người xúm lại đỡ và an ủi, động viên bà, nhưng không sao xoa dịu được nỗi đau của người mẹ mất con.

Chưa đầy 1 năm sau, trong lúc đang ăn tối, tôi nhận được điện thoại ở quê báo bà đang cấp cứu ở bệnh viện. Ông kể lại, trước đó bà không có dấu hiệu đau hay mệt mỏi nào, vậy mà khi bà đang ngồi ăn tối với ông thì kêu lên vì đột ngột bị đau vai. Ông lập cập định chạy đi lấy dầu thì bà xua tay: “Không phải nhức mỏi đâu ông. Tui đau lắm, ông đưa tui đi viện gấp đi”. Ông vội vàng gọi xe rồi gọi cô tôi ở gần đó qua đưa bà đi cấp cứu. Vừa đến nơi, bác sĩ kiểm tra thấy huyết áp vượt quá ngưỡng quy định nên sau khi sơ cứu thì đề nghị chuyển bà lên tuyến trên. Xe xuất phát chưa đầy 15 phút thì bà ngưng thở.

Ông và bà của tác giả hạnh phúc bên nhau, ngày bà còn sống - Ảnh do nhân vật cung cấp

Từ lúc tôi nhận cuộc gọi đến khi nghe tin dữ chỉ vỏn vẹn trong vòng 30 phút. Cả nhà ai nấy đều bàng hoàng trước cú sốc bất ngờ. Không ai kịp tin đó là sự thật. Thời điểm ấy, cả nước đang phải chiến đấu với đại dịch COVID-19. Gia đình tôi từ vùng tâm dịch Sài Gòn về chịu tang, nhưng chỉ được đứng tiễn bà từ xa chứ chẳng thể lại gần nhìn bà lần cuối. Nỗi đau chồng nỗi đau, buồn càng thêm buồn; ở gần nhau mà như xa vạn dặm, chỉ có thể nhìn nhau qua từng bức hình, nói với nhau qua từng dòng tin nhắn.

Ông thiếu bà như cây thiếu nước, như gió thiếu không gian, như mùa xuân hoa chẳng nở. Ngày tiễn bà đi, ông khóc vang cả xóm nghèo, tiếng khóc trào ra từ sự dồn nén nỗi đau của bao ngày - nỗi đau mà ông chẳng dám tỏ bày, vì sợ con cháu thêm đau. Ông khóc vì sự ra đi của bà quá đột ngột, khóc thay cho tiếng lòng, thay cho tình yêu sâu đậm ông dành riêng cho bà bao năm. Đó là tiếng khóc của mối tình già đậm sâu hơn 60 năm có lẻ.

Rồi mọi chuyện cũng xong, ông phải trở về với cuộc sống thực tại. Con cháu cũng dần đón nhận sự ra đi của chú, của bà. Gia đình từ đó thiếu bóng 2 người, nhưng sâu thẳm trong những câu chuyện đều thấp thoáng dáng bà và chú. Cũng từ đó, cả nhà dành thời gian cho ông và cho nhau nhiều hơn, mọi khoảnh khắc trong gia đình dường như được trân quý hơn, bởi sự đánh đổi quá lớn từ 2 chữ “vô thường”. Người ở lại cũng dần thôi bi quan, không khí gia đình thêm chút ấm áp.

Ngày kỵ cơm của bà hay dịp giỗ chú là lúc cả nhà ngồi lại cùng nhau để ăn bữa cơm sum vầy, kể nhau nghe những câu chuyện vui buồn trong cuộc sống và chia sẻ về ngày mai. Cuộc sống cứ thế trôi, nỗi đau cứ thế vơi dần và hình ảnh người thân cũng được gói ghém vào một ngăn nhỏ trong trái tim người ở lại. Cuộc sống mà! Có người đến rồi cũng có người đi, ta chẳng thể nào quyết định. Ta chỉ được quyền chọn tâm thế của mình. Sự kết thúc có khi là khởi nguồn cho một bắt đầu mới.

Cả nhà tôi, từ ngày ấy, ai cũng sống với một tâm thế khác hơn - dành thời gian cho nhau nhiều hơn, hỏi thăm nhau thường xuyên hơn. Ai cũng chỉ có 1 lần để sống, ngắn hay dài có quan trọng gì đâu. Nếu sống ngắn mà sống thật sâu thì cuộc đời mỹ mãn biết chừng nào. Tất cả những gì xảy ra quanh ta đều là tín hiệu để ta biết mình cần bước tiếp ra sao và nỗi buồn nào rồi cũng sẽ hóa thinh không.

Lê Xinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI